Luôn đồng hành cùng bạn đọc…

Cập nhật: 21-06-2022 | 08:10:02

 Báo chí có vai trò và trách nhiệm cùng bạn đọc, giúp họ nhận biết đâu là thông tin thật, giả và nói lên tiếng nói của mình, phản ánh chuyện tốt, xấu từ cuộc sống. Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở nhau đi theo tôn chỉ, mục đích này.

 Phóng viên Báo Bình Dương trong một lần đến các khu nhà trọ tác nghiệp. Ảnh: THANH QUANG

Đồng hành cùng bạn đọc

Chuyên trang “Bạn đọc” của Báo Bình Dương như một “cầu nối” với độc giả, giúp chuyển tải những thông tin chính thống về các chế độ, chính sách, pháp luật… và cũng “nghe ngóng” thông tin từ khắp mọi nơi để kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Cứ thế mà những người làm báo miệt mài “cày xới” hết đề tài này đến đề tài khác với mong muốn được đồng hành với độc giả nhiều hơn.

Mới đây nhất có thể kể đến những bài viết có hiệu ứng xã hội rất tích cực, giúp người dân rất nhiều trong thời buổi bùng nổ thông tin. Đó là các bài như: Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia; phối hợp bảo vệ quyền lợi của người lao động… Ngoài ra, trang bạn đọc Báo Bình Dương cũng đã lên tiếng về những vấn đề rất sát sườn với cuộc sống như tình trạng ngập nước, kẹt xe, xả rác bừa bãi hay nạn lừa đảo qua mạng xã hội, dịch vụ làm bằng cấp, hồ sơ giả giao tận nhà…

Trang bạn đọc còn có vai trò như một nhịp cầu yêu thương, kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người gặp trắc trở trong cuộc sống, bệnh nhân nghèo không đủ tiền chi trả viện phí, nhiều mảnh đời bơ vơ không nơi nương tựa… đã được hỗ trợ kịp thời khi có bài phản ánh. Chuyên mục phong phú, bao gồm nhiều lĩnh vực tạo nên một môi trường trao đổi thông tin giữa độc giả và người làm báo rất nhanh và thuận lợi. Những thông tin phản ánh của bạn đọc cũng đến với người làm báo nhanh chóng, được tiếp nhận và xử lý kịp thời.

Để có được thông tin nhanh, kịp thời đưa đến bạn đọc, phóng viên rất nhiệt tình khi đi xác minh thông tin và phản hồi kịp thời khi có phản ánh từ đường dây nóng, từ đơn thư bạn đọc gửi về. Nhiều trường hợp gửi đơn thư liên quan đến lừa đảo qua mua bán bất động sản, tranh chấp đất đai, quyền thừa kế, liên quan đến chế độ, chính sách… phóng viên xác minh từ nhiều nguồn để làm rõ vấn đề.

Gần đây, trước việc nhiều bạn đọc phản ánh các chiêu trò lừa trên không gian mạng, Báo Bình Dương đã có các thông tin cảnh báo người dân kịp thời. Anh Nguyễn Anh Dũng, một bạn đọc ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Nhờ đọc thông tin cảnh giác trên Báo Bình Dương nên tôi đã không mất 30 triệu đồng cho bọn lừa đảo”.

Anh Dũng cho biết có một số điện thoại lạ gọi cho anh nói con trai anh đang bị tai nạn xe máy, nhập viện, cần gấp 30 triệu đồng. Cùng với cuộc gọi này, kẻ lừa đảo còn gửi tin nhắn là hình ảnh trang Facebook của bạn con trai anh để chứng minh. Khi chuẩn bị chuyển tiền thì anh Dũng nhớ đến một bài viết về cảnh giác nạn lừa đảo qua mạng và gọi điện xác minh mới biết suýt nữa mình bị lừa.

Đến gần hơn với bạn đọc

Trong thời đại kỷ nguyên số 4.0, việc cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, liên tục đáp ứng nhu cầu bạn đọc là yêu cầu quan trọng, được ví như yếu tố sống còn của các tờ báo. Chính vì điều đó, bên cạnh vấn đề nâng cao chất lượng nội dung, việc liên tục cập nhật các công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để chuyển tải thông tin một cách phong phú và hấp dẫn, lưu giữ bạn đọc lâu hơn chính là một yếu tố bắt buộc của nhà báo, của các tờ báo hiện nay.

Điều đáng mừng là hiện nay nhiều bạn đọc đã tìm đến nguồn thông tin chính thống qua kênh báo điện tử và fanpage trên mạng xã hội. Chị Lê Thị Loan, kế toán một công ty gỗ tại phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên, cho biết chị bắt đầu theo dõi báo Bình Dương trên mạng xã hội từ những ngày đầu bùng phát đợt dịch thứ tư. “Thời điểm đó thông tin trên Facebook rất nhiều. Tôi đọc nhiều trang quá rồi “loạn cào cào”, hoang mang vô cùng vì tin giả, tin thật về dịch bệnh cứ xuất hiện tràn lan. Sau đó, tôi chỉ theo dõi Báo Bình Dương vì tôi cho rằng trang báo luôn cung cấp nguồn tin chính thống, có kiểm duyệt”, chị Loan cho biết. Thực tế thời gian qua nhiều người đã “sập bẫy” vì những thông tin không chính xác; thậm chí có người còn vướng vào vòng lao lý vì “ngáo” các thông tin trên mạng xã hội. Trong một lần trao đổi với P.V, Thượng tá Võ Minh Châu, Trưởng Công an huyện Dầu Tiếng, cho biết trước thông tin ngày càng nhiều trên mạng xã hội, nhiều người lao vào mà không hề biết hậu quả. Trong đó có nhiều người đưa những thông tin không chính xác nhằm “câu like”. Thời gian qua, Công an huyện Dầu Tiếng là một trong những địa phương phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm trên không gian mạng bằng cách đăng các “tin vịt”. Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, trong đợt cao điểm dịch bệnh vừa qua, nhiều trang cá nhân đã bị xử lý hành chính vì đăng, dẫn tin không chính xác, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể như có người lên mạng xã hội nói không đúng về công tác phòng, chống dịch bệnh; xuyên tạc nhiệm vụ của lực lượng chức năng… Nhiều người không biết đã dẫn lại thông tin và chia sẻ trên trang của mình. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp xử lý cũng như tuyên truyền người dân nên nắm thông tin từ các trang báo chính thống. Đã có nhiều nạn nhân bị nhắc nhở, phạt tiền thì mới giật mình biết mình làm như thế là vi phạm. Trong thời đại số hóa như hiện nay, việc tiếp nhận thông tin từ các nguồn là một ưu thế, tuy nhiên bạn đọc hãy cân nhắc để không trở thành nạn nhân của “tin vịt”…

Nhiều bạn đọc cho rằng hiện nay, khi thông tin giả tràn lan trên mạng xã hội thì thông tin từ các báo chính thống là rất quan trọng trong việc định hướng, bác bỏ những luận điệu, thông tin sai lệch, giúp người đọc hiểu đúng vấn đề. Để bạn đọc “trung thành” với mình thì bản thân mỗi tờ báo phải thay đổi cho phù hợp với xu hướng, thông tin phải nhanh nhạy, kịp thời, chính xác…

 Tỉnh táo trước “tin vịt”

Một số nhà báo kỳ cựu cho biết báo chí chính thống là một kênh thông tin quan trọng trong “rừng thông tin” như hiện nay. Mọi người ngày nay phần lớn đọc thông tin qua chiếc điện thoại, khoảng 95% người đọc cho biết họ tiếp nhận thông tin từ báo mạng, mạng xã hội, các kênh thông tin, giải trí khác được tải về từ các app.

Chiếc điện thoại như một cái “cửa sổ” để người ta tiếp nhận thông tin. Việc thông tin quá nhiều, quá nhanh như vậy nên việc phát hiện tin đúng, sai, thật, giả là rất khó khăn. Kinh nghiệm của nhiều chuyên gia là người đọc cần khai thác thông tin hay chỉ đọc để biết cũng nên tìm các trang có tên miền chính thống, an toàn. Với những thông tin hay chỉ dẫn vào các link có dính tới tiền bạc, lợi nhuận thì cẩn thận, kiểm tra thật kỹ chứ không nên tin quá dễ dàng.

 Q.NHƯ - T.TRANG - T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=483
Quay lên trên