Với ngón đàn uyển chuyển, vừa đàn vừa gõ vào thùng, những giai điệu âm nhạc hòa vào nhau tạo nên một phong cách rất lôi cuốn khán giả, Lương Minh Nghĩa (1980) đã góp phần tạo nên sự hứng khởi và truyền lửa đam mê đến người yêu đàn ghi-ta ở Bình Dương.
Lương Minh Nghĩa (bìa trái) trong chương trình “Những đóa hoa đời” tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương Ảnh: THỤC VĂN
Say mê ngón đàn ghi-ta của ba, một bộ đội với tài lẻ đàn ca phục vụ đồng đội trong những năm tháng tham gia kháng chiến, Lương Minh Nghĩa (1980) sớm cảm thụ được những cung bậc hấp dẫn của cây đàn ghi-ta. Sau đó, anh được tuyển vào trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Gia Lai khi mới học lớp 9.
Với niềm đam mê và năng khiếu sẵn có, sau 1 năm học, Nghĩa đã có thể đàn rất giỏi những bài nổi tiếng của thế giới như: Hotel California, Just fell better hoặc những bài dân ca Việt Nam. Để ngón đàn có thêm màu sắc và có hồn hơn, Minh Nghĩa đã theo học đại học tại Học viện Âm nhạc Huế (2006- 2010). Sau đó, anh cùng nhóm Xương Rồng Hoang tham gia Cuộc thi Rock Việt do Tiger tổ chức và đoạt giải đặc biệt. Năm 2010, nhận lời mời của Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh), Minh Nghĩa về làm Chủ nhiệm CLB ghi-ta ở Bình Dương, góp phần tạo sự hứng khởi và truyền lửa đam mê đến người yêu nhạc địa phương.
Với tâm huyết muốn phát triển phong trào đàn, nhất là đàn ghi-ta ở Bình Dương, Minh Nghĩa đã hết lòng hướng dẫn từ cách dùng ngón tay nào gảy dây nào và dùng tai để cảm âm, cách nhấn nhá dây đàn như thế nào để nốt nhạc du dương và có hồn. Nhờ vậy mà nhiều học viên nhí cũng như những học viên lớn tuổi đều có thể đàn và biểu diễn phục vụ khán giả Bình Dương trong các chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của địa phương do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức.
Không những điêu luyện với những ngón đàn ghi-ta, Minh Nghĩa còn sử dụng rất thành thạo nhiều loại nhạc cụ như: Piano, organ, ukulele và sáng tác nhiều ca khúc dạt dào cảm xúc về mẹ, về Bình Dương và môi trường như: Trên vai mẹ, Hoàng hôn, Chiếc xe leng keng…
Hạnh phúc khi được sống trong môi trường âm nhạc hằng mong ước, Minh Nghĩa vừa làm giảng viên âm nhạc khoa Sư phạm trường Đại học Thủ Dầu Một, vừa làm Chủ nhiệm CLB ghi-ta Bình Dương. Ngày ngày hướng dẫn các “tài năng nhí” chơi đàn tại Trung tâm Âm nhạc Chuột Gỗ, Minh Nghĩa chia sẻ: “Mình muốn được cống hiến nhiều hơn nữa tại Bình Dương, nhất là sẽ mang những làn điệu dân ca của Bình Dương giới thiệu đến khắp mọi miền đất nước qua phong cách phối nhạc mới bằng những nhạc cụ Tây phương và thầm ước mơ ngày càng có nhiều cuộc thi âm nhạc để các bạn trẻ sau này có cơ hội phát huy, vươn xa bay cao, tỏa sáng và lan tỏa niềm đam mê đến đông đảo người yêu nhạc”.
THỤC VĂN