Chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân bị hư hại ở Nhật Bản đã được phát hiện ở một nơi xa xôi như California, trong lúc người Nhật tiếp “cuộc chạy đua bấm giờ” để làm nguội các lò phản ứng hạt nhân.
Các nguồn tin ngoại giao nói các trạm theo dõi phóng xạ của LHQ đặt tại Mỹ cho thấy có một số chất phóng xạ đã băng ngang Thái Bình Dương, nhưng số lượng này quá nhỏ, không thể gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Chính phủ Nhật Bản nói tuy các mức phóng xạ cao đang được phát hiện ở cách xa nhà máy bị hư hại nhiều kilômét, chúng không đề ra một mối nguy hại cho sức khỏe con người. Một số chính phủ nước ngoài, kể cả Mỹ, đang có sẵn các máy bay thuê bao từ thủ đô dành cho công dân muốn rời khỏi Nhật Bản. Một số quan sát viên Nhật Bản gọi các mối lo về phóng xạ của những người ở Tokyo là phản ứng quá mức, và nêu ra rằng những người trở về nước sẽ bị phơi nhiễm trong các chuyến bay ở độ cao nhiều hơn là cứ ở yên vị.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (Fukushima Daiichi) 5 ngày sau động đất.
Các chuyên viên đang cố cài đặt đường dẫn điện mới vào khu này để có thể cho hoạt động lại hệ thống làm nguội đã bị tê liệt do động đất và sóng thần. Làm như thế để có được nguồn điện liên tục chạy các máy bơm nước. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho hay kỹ sư tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đã kéo thành công cáp dẫn diện tới lò phản ứng số 2. Nhưng các giới chức chính phủ cho hay có thể phải đến ngày mai (20-3), thì các cỗ máy làm lạnh mới khởi động trở lại được tại các lò phản ứng số 2 và số 3.
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng hạt nhân Nhật vào 10h GMT ngày thứ hai (21-3) và tại phiên họp, Giám đốc IAEA Yukiya Amano sẽ thông báo cho các thành viên về tình hình khẩn cấp tại Nhật, sau chuyến đi kéo dài từ 17-19/3 của ông tới nước này.
Kể từ khi xảy ra trận động đất và sóng thần cách đây 1 tuần, các đám cháy, các vụ nổ, và các lõi máy bị nóng chảy đã diễn ra tại 4 trong số 6 lò phản ứng tại nhà máy Fukushima I. Nhưng lò phản ứng số 3 vẫn là ưu tiên. Các thanh nhiên liệu oxide hỗn hợp – còn gọi là MOX – có chứa chất plutoni cực độc hại đã bị phơi ra không khí một phần. Nếu không có nước thì các thanh này sẽ tiếp tục nóng và có khả năng phát chất phóng xạ ra bên ngoài cơ sở nhà máy ở vùng ven biển này.
Trong khi đó, phát biểu khi đang ở thăm Tokyo hôm qua, Tổng Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano nói làm nguội các lò phản ứng hạt nhân tại Fukushima là một cuộc chạy đua bấm giờ.
Trong nỗ lực tận cùng ngăn chặn thảm họa hạt nhân, các nhân viên tình nguyện hy sinh của Nhật huy động các xe vòi rồng đến sát các lò hạt nhân để làm nguội lò số 1, 2 và 4, cũng như bơm nước vào hồ chứa của lò số 4.
Hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nói rằng vụ khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima “rất nghiêm trọng” trong lúc các giới chức Nhật nâng mức nghiêm trọng của thảm họa hạt nhân từ mức 4 lên tới mức 5, mức cao nhất của quốc tế là 7. Mức 5 là tai nạn có nhiều hậu quả hơn, bao gồm phát ra chất phóng xạ với nhiều xác suất công chúng sẽ bị nhiễm.
Các máy bay trực thăng sẽ bay ngang khu vực này vào hôm nay để đo mức phóng xạ.
Số người chết và mất tích vượt 17.000
Theo cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật, số người chết và mất tích chính thức đã lên tới 17.227, trong đó người thiệt mạng là 6.911, vượt qua số người chết trong trận động đất kinh hoàng ở Kobe năm 1995.
Số người mất tích tăng lên 10.316. Ngoài ra, tổng cộng 2.356 người bị thương.
Trận động đất 7,2 richter vào tháng 1-1995 đã làm rung chuyển thành phố cảng miền tây Nhật Kobe, khiến 6.434 người thiệt mạng.
Như vậy, trận động đất 11-3 vừa qua là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa siêu động đất Kanto năm 1923, khiến hơn 142.000 người thiệt mạng.
Số người chết từ thảm họa kép động đất/sóng thần một tuần trước tăng lên mạnh trong những ngày gần đây và được dự đoán sẽ tăng cao hơn nữa rất nhiều.
Thị trưởng thành phố duyên hải Ishinomaki ở tỉnh Miyagi cho hay vào cuối ngày thứ tư vừa qua rằng số người mất tích ở đây chắc chắn sẽ vượt 10.000.
Trong khi đó vào sáng hôm nay, kênh truyền hình NHK cho hay khoảng 10.000 người vẫn mất tích ở thành phố cảng Minamisanriku, cũng thuộc tỉnh Miyagi.
Theo Dân Trí