Bên cạnh đó, xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với BVMT đang được đặc biệt quan tâm. Không những thế, theo Sở Công Thương Bình Dương, SXSH sẽ giúp các DN nâng cao hiệu quả sản xuất, tái sử dụng phế phẩm và bán thành phẩm có giá trị, tạo hình ảnh tốt hơn cũng như cải thiện được sức khỏe cho người lao động. Khi triển khai thực hiện mô hình SXSH, người quản lý sẽ xác định được hàm lượng nguyên vật liệu đầu vào bị thất thoát, hiểu được tại sao gây ra lãng phí, tiếp cận một cách có hệ thống để giảm thiểu sự thất thoát và đề ra các kế hoạch hành động cụ thể.
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020” với mục tiêu phổ biến rộng rãi cách tiếp cận sản xuất này cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế mức độ gây ô nhiễm của các cơ sở đến môi trường. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, có 90% DN công nghiệp trên cả nước được phổ biến SXSH trong công nghiệp và 50% DN sẽ áp dụng SXSH tại cơ sở của mình. Chiến lược này cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2015 số cán bộ của sở đạt trình độ chuyên môn về SXSH là 70% và đến năm 2020 con số này sẽ là 90%...
Triển khai sâu rộng
Hiện nay, đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang giai đoạn phát triển chiều sâu, tức đi vào sản xuất áp dụng công nghệ cao, giảm thiểu chi phí và tăng cường bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh ấy, công tác triển khai SXSH trong công nghiệp đã được Trung tâm Khuyến công Bình Dương và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương (TTKC) tiến hành từ rất sớm. Đây không chỉ là cơ hội cho các DN thụ hưởng chương trình đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về SXSH cho cộng đồng DN và các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2010, Hợp phần SXSH của Bộ Công Thương đã phối hợp với TTKC tổ chức 2 lớp tập huấn SXSH cho 120 cán bộ quản lý năng lượng của các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2011, trung tâm cũng đã mở 2 lớp tập huấn về SXSH với số lượng 120 học viên. Các lớp tập huấn này đã phân tích cho các học viên thấy được tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp SXSH vào hoạt động sản xuất của hầu hết các ngành nghề công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với quá trình sản xuất, SXSH bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả chất thải ngay tại nguồn thải. Đối với sản phẩm, SXSH bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của khâu sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ. Ngoài ra, trong năm nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương cũng tiến hành đánh giá SXSH đối với 3 DN: Xí nghiệp Giấy Bình An, Công ty Gỗ Kim Thành A và Công ty Cao su Phước Hòa.
Ông Phan Văn Công - Trưởng phòng Tư vấn phát triển công nghiệp và tiết kiệm năng lượng thuộc TTKC, cho biết: “Qua các lớp tập huấn, các học viên đã hiểu rõ thế nào là SXSH và SXSH đóng vai trò quan trọng như thế nào trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung. Do vậy, hiện nay các DN đã ý thức hơn và đang dần triển khai các giải pháp để từng bước áp dụng SXSH vào hoạt động tại đơn vị mình. Ngoài ra, các quy định về vay vốn ưu đãi, các nguồn vốn hỗ trợ DN SXSH cũng đã được giới thiệu đầy đủ”.
Để tiếp tục hỗ trợ các DN áp dụng SXSH trong công nghiệp, giai đoạn 2012-2016, Hợp phần SXSH của Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tổ chức đánh giá SXSH cho các DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau khi đánh giá, các DN áp dụng mô hình SXSH sẽ được nhận hỗ trợ kinh phí trong công tác tư vấn kỹ thuật và đầu tư thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện điều kiện sống cho công nhân và các khu dân cư lân cận.
HOA VINH