Lương y Phạm Ngọc Thạch (TX.TDM, Bình Dương): Thầy thuốc của người nghèo

Cập nhật: 24-09-2010 | 00:00:00

Không chỉ nổi tiếng với 7 lần bị thương, sống đi chết lại nhiều lần khi tham gia kháng chiến chống Mỹ, mà ông Phạm Ngọc Thạch (Định Hòa, TX.TDM, Bình Dương) còn vang danh là một lương y với tay nghề cực giỏi, chữa thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo và trên hết là thường hay chữa bệnh giúp người nghèo...

7 lần bị thương

Lương y Phạm Ngọc Thạch, SN 1942, trong một gia đình có truyền thống làm nghề y ở xã Hòa Lợi, Bến Cát. Sớm ý thức được nỗi đau mất nước, năm 15 tuổi cậu bé Thạch đã tham gia làm giao liên ở địa phương. 3 năm sau, Út Thạch chuyển sang bộ đội chính quy, gia nhập Tiểu đoàn 304 của tỉnh, vừa làm liên lạc mặt trận, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu tại địa bàn Long Nguyên, Bến Cát. Không chỉ là tay súng gan dạ, cừ khôi trên chiến trường mà Út Thạch còn là một săn sóc viên mát tay cho các đồng đội khi cần phải chích thuốc, băng bó vết thương sau mỗi trận đánh. Cũng nhờ thành tích chiến đấu kiên cường trong chiến thắng Bàu Bàng, mà năm 1963, Phạm Ngọc Thạch được xét kết nạp vào hàng ngũ Đảng trước thời hạn.

Năm 1964, Út Thạch cùng các đồng đội tham gia trận đánh Cây Xoài ở ngã ba Mỹ Phước, Bến Cát bây giờ và bị miếng đạn pháo găm vào gần phía sau đầu. Đồng đội tưởng đã chết, nên khiêng Út Thạch giấu xuống hố bom gần đấy cùng các chiến sĩ khác đã hy sinh. Đến chiều tối, khi trận địa im tiếng súng, đồng đội trong tiểu đoàn quay lại để chôn cất các đồng chí của mình thì thấy Út Thạch còn “thoi thóp thở”. Thế là Út Thạch được cấp tốc đưa về quân y tỉnh cứu chữa. 3 tháng sau, Út Thạch khỏi bệnh, trở về đơn vị cũ chiến đấu.

 

Lương y Phạm Ngọc Thạch tự hào về những chiến công trong quá khứ

 Hớp ngụm trà, ông Thạch tần ngần giở chiếc hộp đựng huân chương chiến sĩ vẻ vang, chiến sĩ giải phóng đủ các loại rồi kể tiếp: “Đó là lần đầu tiên tôi bị thương, đến giờ vẫn còn 3 mảnh đạn trong đầu. Ngoài lần đó, tôi còn bị thương thêm 6 lần nữa khi tham gia đánh các trận Phú Chánh, Căm Xe, Mương Thuốc, Cây Dềnh, Gò Mối, Xóm Ruộng. Trong trận đánh Cây Xoài lần 2, tôi bị thương nặng ở lồng ngực phải và đây là lần bị thương thứ 7 của tôi. Điều trị tại quân y tỉnh một thời gian, năm 1969, tôi được đơn vị cho ra Bắc chữa trị tiếp tục, kết hợp với an dưỡng, học văn hóa tại Sơn Tây, Hà Nội. Và, cuộc đời tôi cũng thay đổi lớn với những tháng ngày học tập và làm việc trên đất Bắc.

Lương y Phạm Ngọc Thạch được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (năm 1986); Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng I, II, III, Huy chương Chiến sĩ Giải phóng hạng I, II, III, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đông y (năm 1988); Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Ông Thạch kết hôn muộn, có 1 trai, 1 gái nhưng điều đáng mừng là cả 2 đứa con của ông thầy thuốc lừng danh này dù học Đại học Kinh tế hay Cảnh sát đều không quên nghề cha truyền con nối.

Năm 1973, cấp trên quyết định cho tôi đi học bác sĩ ở Hà Nội. Cầm giấy giới thiệu bỏ túi, tôi tranh thủ đi thăm anh em đồng hương trong Nam ra, đang tập kết tại Hà Nội. Trong lần ghé thăm anh Tư Dẫu, quê ở xã Phú Mỹ, tôi được gặp Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (lúc ấy là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) và không ngờ cuộc trò chuyện ấy đã tạo bước ngoặt trong cuộc đời và nghề nghiệp của tôi sau này. Sau khi biết tôi chuẩn bị đi học bác sĩ, anh Thọ mới bảo: “Bác sĩ giờ nhiều lắm, chú đi học đông y cho giỏi, về phục vụ quân đội thì cần hơn”. Sau hơn 1 tuần suy nghĩ, ông Thạch đồng ý “rẽ” sang học đông y và được đích thân ông Nguyễn Hữu Thọ dẫn đến trường của Bộ Y tế (đặt tại Hà Đông) giới thiệu vào học. 18 tháng sau, ông Thạch tốt nghiệp, trở thành một trong những lương y đầu tiên của miền Đông Nam bộ được đào tạo chính quy trên đất Bắc trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Tháng 2-1974, ông Thạch được lãnh đạo cử về công tác tại Đoàn 209, chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân 1975.

Đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng da dẻ vẫn hồng hào, tóc đen tuyền, với giọng hào sảng, ông Thạch chia sẻ: “Một trong những niềm hạnh phúc của tôi là được theo bước chân của đoàn quân giải phóng, vượt đường Trường Sơn vào giải phóng Sài Gòn, kịp thời cứu chữa những thương bệnh binh trong chiến dịch. Chứng kiến những giây phút lịch sử của dân tộc, những cảnh sinh - tử ngay trước mặt nên tôi lúc nào cũng tâm niệm mình sống làm sao để không phụ lòng những đồng đội đã khuất và lý tưởng mà mình đã phục vụ”. Sau chiến thắng lịch sử 30-4-1975, ông Phạm Ngọc Thạch về công tác tại Cục Tình báo Bộ Quốc phòng; Phòng Tham mưu Tỉnh đội rồi Thị đội TX.TDM, giữ chức vụ Tham mưu phó.  Năm 1986, ông Thạch về hưu và đó là “cơ hội thực hành nghề gia truyền và áp dụng những kiến thức đã học trong những ngày ở thủ đô để chữa bệnh cứu người”.

Bàn tay kỳ diệu

Rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ để chữa bệnh theo yêu cầu, với đa số là những ca trở nặng, khó chữa. Cũng trong thời gian này, ông Thạch được nâng cao thêm tay nghề nhờ thọ giáo với các thầy thuốc dân gian là người Chăm, người Khmer. Những khi không đi hành nghề ở tỉnh xa, ông Thạch tham gia tổ khám chữa bệnh từ thiện của Tỉnh hội Đông y, bắt mạch hốt thuốc cho bà con ngay phòng mạch tại nhà. Lần tìm trong những mảnh giấy lưu lại địa chỉ và bệnh trạng của những bệnh nhân mà ông Út Thạch đã chữa khỏi, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Trong số này ghi rõ: “Ông Ngô Ngọc Sơn, 54 tuổi, ngụ Phước Bửu, Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu”. Khi đến phòng mạch ông Út Thạch chữa bệnh thì ông Sơn đã “rơi vào tình trạng hấp hối, phải có người kè do chứng khối u trong phổi, di căn dạ dày và tim”. Vậy mà, sau 3 tháng chữa trị và uống thuốc do lương y Phạm Ngọc Thạch bốc và kê đơn, ông Sơn khỏi bệnh, cho dù trước đó một bệnh viện ở TP.HCM đã kêu người nhà đưa về chuẩn bị hậu sự.

 

Bốc thuốc tại nhà

Trường hợp của bà Bùi Thị Ne, ngụ 11/6B, ấp Tân Phú, Tân Bình, Dĩ An, Bình Dương, còn đặc biệt hơn. Bà Ne được bác sĩ chẩn đoán bị tắc nghẽn mạch máu chi phải, hoại tử; chỉ định là phải tháo khớp đến gần sát đùi. Sau khi được lương y Thạch kiên trì cứu chữa trong thời gian 6 - 7 tháng, bệnh nhân lành bệnh, không cần phải tháo khớp”. Có phần bất ngờ với những gì chúng tôi được nghe, người viết quyết định liên lạc với những bệnh nhân trên để hiểu thêm về tay nghề và y đức của bác sĩ Thạch. Tiếp chúng tôi là anh Ngô Văn Chiến, con trai út của bà Ne. Anh Chiến xác nhận những thông tin trên là chính xác.

Lần theo địa chỉ và số điện thoại của bệnh nhân Nguyễn Văn Mạnh (ngụ Sở Sao, TX.TDM) - được chọn ngẫu nhiên từ trong “danh bạ” các bệnh nhân đã được lương y Phạm Ngọc Thạch chữa khỏi bệnh, chúng tôi được con gái ông là Nguyễn Thị Tư Duy cho biết: “Trước đây cha tôi bị viêm gan siêu vi B, độ 3, người sần sùi, theo bệnh án của bác sĩ mô tả “gan thô, ghồ ghề” nhưng không ngờ là lương y Thạch chữa dứt hẳn. Gần đây, đi xét nghiệm, kết quả cho thấy cha tôi đã âm tính với bệnh viêm gan siêu vi”. Xác minh một số trường hợp khác, chúng tôi cũng nhận được khẳng định từ phía người nhà bệnh nhân về tay nghề kỳ diệu của lương y Phạm Ngọc Thạch, cho dù là những chứng tưởng chừng không thể chữa khỏi bằng thuốc Đông y.

Lương y Phạm Ngọc Thạch tâm sự: “Tôi thấy chẳng cần thiết phải viết báo đâu. Bởi, tôi làm nghề thuốc này trước nhất là để nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng trên hết là để cứu người, giúp đời. Bản thân tôi thấm nhuần và tâm đắc nhất với tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Những việc làm của tôi ngày nay cũng là vận dụng, học theo Bác từ gìn giữ phẩm chất của người lính, y đức của người thầy thuốc cho đến công dân tốt của xã hội. Tôi thấy rằng mình còn phải làm nhiều, cống hiến nhiều hơn nữa mới xứng đáng với những gì đã được các anh, các chú đi trước dìu dắt...”. Bệnh nhân đến chữa bệnh gọi ông là “ông Út Thần dược”, còn đồng đội kháng chiến cũ thì kêu ông bằng cái tên “Ông thầy thuốc bộ đội”. Nhưng với chúng tôi, lương y Phạm Ngọc Thạch xứng đáng với cái tên: “Người thầy thuốc của nhân dân”.

LONG VĨNH

Anh Tú, người cháu ruột cũng là phụ tá của ông Thạch cho biết thêm: “Trước đây, mỗi tuần chú Thạch đều dành thứ hai đầu tuần để khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo, gia đình chính sách, đồng đội cũ. Tính trung bình, mỗi ngày khám chữa bệnh từ thiện của chú Út Thạch có gần 10 người là bệnh nhân nghèo, đến từ các huyện trong tỉnh và cả những địa phương khác như Bình Phước, Đồng Nai, TP.HCM”. Không chỉ miễn phí trong ngày từ thiện, mà hiện giờ đối với những bệnh nhân nào có hoàn cảnh khó khăn, ông Thạch cũng chỉ lấy tiền thuốc với giá tượng trưng. “Muốn làm giàu, thì đừng nên làm nghề hốt thuốc này. Suốt từ năm 2002 đến nay, phòng mạch đông y của tôi luôn mở rộng cửa với bệnh nhân nghèo”, quan niệm và phương châm hành nghề của ông Út Thạch như thế.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=7579
Quay lên trên