Lưu ý dành cho cha mẹ khi giao tiếp với trẻ tự kỷ

Cập nhật: 26-07-2022 | 06:52:08

Những lưu ý sau đây nhằm giúp các bậc phụ huynh có thể tham khảo trong việc giao tiếp và dạy trẻ tự kỷ một cách hiệu quả nhất.


Cha mẹ cần kiên nhẫn và nhẹ nhàng khi nói chuyện với trẻ tự kỷ

Việc chăm sóc đúng cách đối với trẻ tự kỷ không phải là điều dễ dàng, vì thế các bậc phụ huynh hãy cố gắng kiên nhẫn trong việc giao tiếp với các con hàng ngày để tạo sợi dây liên kết chặt chẽ giữa cha mẹ và con cái.

Mặt đối mặt

Khi giao tiếp với trẻ bị tự kỷ, các bậc phụ huynh nên lựa chọn cách mặt đối mặt. Bởi lẽ, phương pháp này sẽ giúp cha mẹ dễ dàng quan sát được thái độ, cử chỉ, hành vi của trẻ để từ đó có hành xử phù hợp cho những cuộc nói chuyện sau đó.

Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, cha mẹ hãy bắt đầu bằng cách sờ nhẹ vào má trẻ, từ từ quay đầu của trẻ về phía mình và gọi tên trẻ một cách nhẹ nhàng. Làm như vậy sẽ giúp trẻ không cảm thấy sợ hãi và dần dần tiếp nhận, biết cách lắng nghe và chịu nói chuyện với cha mẹ.

Nếu trong trường hợp trẻ vẫn còn cảm giác sợ sệt, thu mình lại hoặc có những phản kháng, hãy để trẻ ổn định tâm lý trước khi tiếp tục cuộc trò chuyện. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cũng đừng quên bày tỏ cảm xúc, tình yêu thương dành cho trẻ và luôn để trẻ biết rằng, cha mẹ luôn ở bên cạnh, quan tâm và yêu thương vô điều kiện. Dần dần, trẻ sẽ hiểu và mở lòng trò chuyện với người thân nhiều hơn.

Hạn chế hành động mạnh

Một nguyên tắc quan trọng khi giao tiếp với trẻ bị tự kỷ mà cha mẹ cần biết đó là hạn chế các hành động mạnh như vung tay, đập bàn, nói lớn tiếng... Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ tự kỷ thường khá nhạy cảm. Vì thế, khi thấy những hành động mạnh, trẻ dễ bị sợ hãi và có xu hướng tạo vỏ bọc bảo vệ mình.

Trong cuộc trò chuyện với trẻ nên kết hợp với các cử chỉ nhẹ nhàng, động viên để giúp trẻ có được sự thoải mái, an toàn và tự tin khi giao tiếp. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên khuyến khích và cùng trẻ ra công viên, sân chơi… để trẻ có thể thay đổi không khí. Đây cũng là cách giúp trẻ thư giãn, không cảm thấy sợ hãi khi tiếp xúc với người lạ.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, đối với những trẻ tự kỷ, cha mẹ cần là một người bạn đồng hành kiên nhẫn, là bờ vai vững chãi để con cảm thấy luôn được bảo vệ, chở che và yêu thương đến từ gia đình.

Theo LĐO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên