Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh, trong năm 2017, nếu số liệu tòa thụ lý các vụ án hình sự giảm thì các vụ án dân sự lại gia tăng. Báo động nhất là các loại án về hôn nhân gia đình. Tỷ lệ ly hôn gia tăng ngoài việc để lại nhiều nỗi đau cho thế hệ trẻ con còn kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp về tình hình an ninh trật tự…
Đủ lý do để… ly hôn
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhiều mâu thuẫn phức tạp trong đời sống. Với gia đình, tế bào của xã hội, mâu thuẫn không phải lúc nào cũng được giải quyết ổn thỏa nhờ sự dàn xếp của người thân. Không thể tìm thấy tiếng nói chung, nhiều cặp vợ chồng đã đưa nhau ra tòa để ly hôn và để lại nỗi đau mà những đứa trẻ ngây thơ, vô tội phải gánh chịu.
Chị Nguyễn Thị M. (SN 1997, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) bước vào một tiệm photocopy, in ấn trên đường 30-4, phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) với gương mặt đượm buồn. Chị muốn đánh máy đơn ly hôn. Hỏi ra mới biết chị vừa sinh con được 8 tháng, do mâu thuẫn với mẹ chồng nên chị hay rơi vào tâm trạng bế tắc. Chồng bênh vực mẹ nên đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chị trước mặt mẹ chồng. Đau lòng vì không thể hòa giải, chị quyết định ôm con đi thuê phòng trọ ở, đồng thời nộp đơn ly hôn ra tòa.
Một trường hợp khác là chị Trần Thị Ngọc T. (SN 1986, ngụ phường Dĩ An, TX.Dĩ An), chị T. có chồng năm 2008 và có một con trai 8 tuổi. Chồng chị làm tài xế xe container chở hàng nên thường xuyên “đi sớm về muộn”. Chị tâm sự: “Anh ta làm tài xế cũng có tiền nhưng không đưa em đồng nào phụ nuôi con. Em nghĩ anh ta đã có bồ nhí nên hai vợ chồng thường xuyên cãi vã”. Được hỏi vì sao không cố gắng tìm hiểu nguyên nhân, từ đó hòa giải để vợ chồng hòa hợp trở lại thì chị trả lời: “Vì em cũng đã không còn cảm xúc với anh ta nên có hòa giải cũng không vui vẻ với nhau như xưa được”.
Nếu trước đây quyết định ly hôn thật sự khó khăn với nhiều cặp vợ chồng thì ngày nay, do tư tưởng cởi mở, thoải mái hơn, nhiều cặp đôi không ngại đưa nhau ra tòa dù chỉ sống với nhau một thời gian ngắn với những lý do “không đâu vào đâu”. Anh C.V.P. (SN 1984) và chị N.T.H.T. (SN 1985, ngụ phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) là một điển hình. Vừa mới đãi tiệc cưới được 2 tháng, nhiều người thân, bạn bè đã phải ngỡ ngàng khi họ tuyên bố “đường ai nấy đi”. Lý do được đưa ra là cả hai “không tìm thấy tiếng nói chung”. Từ đó đã kéo theo mâu thuẫn từ phía hai gia đình thông gia, dẫn đến việc “mâu thuẫn không thể nào hàn gắn được” giữa đôi bên.
Luật sư Lê Trần Vân Anh, Văn phòng Luật sư Quang Tâm cho biết có rất nhiều bạn gái tìm đến văn phòng luật sư của chị để tư vấn về thủ tục ly hôn. Nguyên nhân họ đi đến quyết định ly hôn đơn phương thường là do bất mãn với người chồng thiếu trách nhiệm, ham nhậu nhẹt, có hành vi bạo lực với vợ con… “Hầu hết các cặp đôi đều tuổi đời còn khá trẻ, sống xa cha mẹ hai bên nên ít khi được sự khuyên bảo, hòa giải của gia đình khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra. Mặt khác, nhiều bạn gái với tư tưởng tiến bộ lại cho rằng việc trở thành “mẹ đơn thân” cũng không còn xa lạ, không còn khó khăn như trước nên quyết định ly hôn được đưa ra khá dễ dàng. Phần lớn, các bạn trẻ đều không ý thức được những hệ lụy phát sinh từ việc hôn nhân tan vỡ. Đau lòng nhất vẫn là hình ảnh những đứa trẻ với ánh mắt ngây thơ đứng nhìn cha mẹ tranh chấp tài sản giữa các phiên tòa”, luật sư Vân Anh chia sẻ.
Án ly hôn tăng
Theo thống kê mới nhất từ TAND tỉnh, trong năm qua, số vụ án dân sự tăng 803 vụ, số án giải quyết tăng 794 vụ. Án tăng tập trung chủ yếu các loại án hôn nhân và gia đình (thụ lý tăng 700 vụ tăng 8,87%, giải quyết tăng 694 vụ, tăng 8,8%).
Án hôn nhân và gia đình phát sinh nhiều nhất là ly hôn (6.759 vụ, chiếm 94,07% án hôn nhân gia đình sơ thẩm), thụ lý nhiều nhất ở TAND TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một. Đáng báo động là độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa, các vụ án ly hôn nhiều nhất có độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi.
Các nguyên nhân ly hôn được ghi nhận chủ yếu tập trung vào các vấn đề mâu thuẫn gia đình (4.961 vụ, chiếm 69,04% án ly hôn), do bị đánh đập, ngược đãi (88 vụ, chiếm 1,22%), do ngoại tình (61 vụ, chiếm 0,84%), do nghiện ma túy, rượu, bài bạc: 34 vụ, chiếm 0,53%, do các nguyên nhân khác (954 vụ, chiếm 14,11%). Ngoài ra, án hôn nhân gia đình còn phát sinh tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con (90 vụ, chiếm 1,25% án hôn nhân gia đình sơ thẩm).
Riêng tại TAND TP.Thủ Dầu Một, so với năm 2016, án dân sự thụ lý tăng 166 vụ, giải quyết tăng 182 vụ. Trong số các vụ, việc dân sự đã thụ lý, chiếm đa số là án hôn nhân gia đình (1.005 vụ/1.782 vụ). Nguyên nhân chủ yếu xin ly hôn là do mâu thuẫn gia đình, thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, chia tài sản sau ly hôn.
Thẩm phán Trần Thị Hoa Hạnh, Phó Chánh án TAND TP.Thủ Dầu Một, cho rằng nguyên nhân khiến tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng một phần do dân số tăng, phần khác do xã hội ngày càng phát triển, mâu thuẫn trong đời sống xã hội ngày càng phức tạp. Tại TAND TP.Thủ Dầu Một, là thẩm phán phụ trách mảng dân sự, bà Hạnh nhiều lần thụ lý những vụ án ly hôn từ đơn giản đến phức tạp. Ngoài những cặp đôi trẻ, nhiều cặp vợ chồng đã con cháu đầy đàn vẫn đưa nhau ra tòa. Sau ly hôn, mỗi đương sự đều chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, sức khỏe, kinh tế, nhất là đối với phụ nữ. Ly hôn là lựa chọn của hai người nhưng có thể làm ảnh hưởng cuộc sống của những người xung quanh, đặc biệt là con cái. Những đứa trẻ thiếu vắng tình cảm, sự giáo dục thường xuyên của cha mẹ nếu không được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cẩn thận, dẫn đến hư hỏng, sa vào tệ nạn xã hội, để lại gánh nặng cho xã hội.
Bà Hạnh cũng cho biết nhiều trường hợp đương sự nộp đơn ra tòa với quyết tâm ly hôn rất cao, tuy nhiên qua sự giải thích, động viên, thuyết phục của cán bộ hòa giải nên đương sự đã quyết định rút đơn. Cán bộ hòa giải dù áp lực vì các vụ án hôn nhân ngày càng nhiều nhưng vẫn kiên trì vận động đương sự đi đến sự thỏa thuận hợp tình hợp lý, từ đó nâng tỷ lệ hòa giải đoàn tụ thành tăng lên