Lý thuyết kinh doanh của Tập đoàn gỗ Trường Thành: “Đại dương xanh thay dòng thủy triều đỏ”

Cập nhật: 15-04-2010 | 00:00:00

Một cái bánh mà có nhiều người cùng chia thì phần được chia của mỗi người sẽ ít hơn. Ai cũng biết bạn hàng cùng kinh doanh một ngành nghề thì phải cùng nhau làm cho cái bánh lớn lên để phần chia được nhiều hơn, nhưng ít ai đủ sức đứng ra làm “anh cả”! Điều này cũng giống như những dòng thủy triều đỏ xuất hiện tại vùng biển bị ô nhiễm do con người chen chúc nhau sinh sống, trong khi đại dương thì bao la. Vì vậy lý thuyết kinh doanh của Tập đoàn gỗ Trường Thành là “Đại dương xanh thay cho dòng thủy triều đỏ” và tác giả của lý thuyết này là Tiến sĩ Ngô Thị Hồng Thu, người đang lãnh đạo Tập đoàn gỗ Trường Thành.

Tiến sĩ Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn gỗ Trường Thành, giới thiệu hoạt động của tập đoàn với nhóm nghiên cứu sinh MBA Hoa Kỳ Ưu điểm nổi bật và cũng là thói quen rất phổ biến của người Việt là trong khó khăn, thử thách biết đoàn kết chung sức chung lòng để vượt qua. Tuy nhiên, trong cuộc đua về phía trước ở những “trường đua” lớn thì lại thiếu tính sẻ chia, cộng đồng, thậm chí còn giẫm đạp lên nhau để rồi bị đối thủ qua mặt! Thực tế kinh doanh cho thấy, lợi thế của thị trường Việt Nam là nguồn nguyên liệu và giá nhân công cạnh tranh, người lao động cần cù, có kinh nghiệm, sản phẩm sắc sảo, tính đồng nhất, chất lượng cao và được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Nhưng chỉ vì thiếu tính liên kết mà những ông chủ trong nước sẵn sàng hạ giá sản phẩm, nói không tốt về đối thủ để giành khách, dẫn đến kết cục khách hàng nắm được điểm yếu rồi hạ giá, bắt bẻ đủ điều để hưởng lợi trọn vẹn.

Từ một xí nghiệp sản xuất sản phẩm đồ gỗ trong nước chỉ với 30 công nhân, Trường Thành đã chủ động vươn ra bên ngoài, đến các thị trường xa, khó tính nhất để khẳng định vị trí, tên tuổi tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. “Đi xa không chỉ cần thuyền lớn mà còn phải có thuyền trưởng giỏi, thủy thủ biết chung sức chung lòng. Vận dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là phải biết dự đoán chính xác để về đích sớm! Thực tế đó đã hướng chúng tôi phải chấp nhận gian nan thách thức để vươn lên vì thành công không có trên lối mòn”, Tiến sĩ Ngô Thị Hồng Thu đã thẳng thắn trao đổi.

Cầm trên tay báo cáo tài chính, Tiến sĩ Ngô Thị Hồng Thu cho biết: “Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của Trường Thành chỉ lãi trên 2%. Lợi nhuận này còn thua kém cả ngồi không gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng chúng tôi và tất cả cổ đông đều rất hạnh phúc và hài lòng vì có tăng trưởng, trong khi nhiều doanh nghiệp khác buộc phải nhìn nhận tồn tại là chiến thắng trong cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu này”. Suốt trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫu biết sản xuất sẽ không có lãi nhưng Trường Thành vẫn tiếp tục công việc một cách liên tục, bởi vì nếu ngưng lại công nhân sẽ mất việc, bỏ đi, trong khi người lao động là tài sản đặc biệt có giá trị.

Từ một nữ thư ký văn phòng với tấm bằng cử nhân, với niềm đam mê và sự phấn đấu không mệt mỏi Ngô Thị Hồng Thu đã dần bước lên vị trí quản lý rồi lãnh đạo tập đoàn. 28 tuổi lấy bằng thạc sĩ kinh tế tại Mỹ, 32 tuổi tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quản trị kinh doanh, Hồng Thu không nổi tiếng với các danh hiệu, nhưng nhìn vào sự đi lên của Tập đoàn gỗ Trường Thành những năm qua, ai cũng biết phía sau thành công đó có sự đóng góp công sức rất lớn của cô. Đam mê và cũng là sự theo đuổi lớn nhất của Hồng Thu, là xây dựng thành công Thương hiệu Việt mang tính đặc trưng quốc gia!

Tâm sự với chúng tôi, Tiến sĩ Ngô Thị Hồng Thu nói: “Lâu nay, khi nhắc đến hàng hóa của Mỹ người ta nhớ ngay đến các thương hiệu nổi tiếng như CocaCola, Pepsi, Ford, IBM; hàng Nhật thì có Toyota, Sony, Mitsubishi... Đây là những thương hiệu quốc gia đã nổi tiếng toàn cầu. Việt Nam trong quá trình hội nhập, phát triển cũng đã bắt đầu tạo dựng các thương hiệu quốc gia nổi tiếng như Petrolimex, AgriBank, VietNam Airline... và Trường Thành là một trong 30 thương hiệu quốc gia được Chính phủ tuyển chọn trong số hàng ngàn doanh nghiệp, thương hiệu nổi trội của cả nước. Tuy đã được nằm trong danh sách thương hiệu quốc gia nhưng từ đó đến nay cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa triển khai chương trình gì nhằm đưa các thương hiệu này tiếp cận cộng đồng cũng như vươn ra thế giới. Vì sự sống còn của doanh nghiệp, chúng tôi không thụ động ngồi chờ mà phải tự vận động bằng cách vừa thực hiện có hiệu quả các dự án kinh doanh ngắn hạn vừa tích cực triển khai, mở rộng các dự án dài hạn như trồng rừng, đào tạo nghề...”.

Hiện tại, Trường Thành đang chuẩn bị thu hoạch đợt đầu sản phẩm từ dự án trồng rừng trong nước. Kết quả này sẽ làm thay đổi đáng kể dòng vốn. Trường Thành cũng đã mở rộng các dự án trồng rừng tại Nam Phi, tiến tới nghiên cứu áp dụng công nghệ sinh học để trồng cây nông nghiệp phục vụ sản xuất năng lượng tái sinh, thay thế nguồn năng lượng hóa thạch đang có dấu hiệu cạn kiệt. Đó chính là niềm đam mê và cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với đất nước.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=594
Quay lên trên