Trên đường tiến quân thần tốc đánh vào Sài Gòn những ngày cuối tháng 4-1975, đoàn quân tiên phong do trung tá Nguyễn Huy Hiệu (28 tuổi, nay là Viện sĩ, Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) dẫn đầu với nhiệm vụ thọc sâu, khống chế hỏa lực, đập tan hệ thống cứ điểm “tử thủ” của ngụy quân dọc cửa ngõ phía bắc Sài Gòn. Đến Lái Thiêu nếu vượt cầu sắt qua sông Sài Gòn thì chỉ còn 3km nữa là đến Trung tâm huấn luyện sĩ quan Huỳnh Văn Lương, làm bàn đạp đánh thẳng vào Bộ Tổng Tham mưu như kế hoạch tác chiến. Nhưng nhờ tấm bản đồ chỉ đường của má Sáu Ngẫu, đoàn xe tăng đã chuyển hướng sang “đi vòng, đánh hiểm” để hạn chế đối đầu, bảo vệ thường dân, giảm thương vong cho binh sĩ và nhanh chóng quyết định thắng lợi.
Chiến thuật luồn sâu đánh hiểm
Nguyên thượng úy Nguyễn Minh Thắng và bức họa cảnh má Sáu trao tấm bảng đồ đô thành Sài Gòn cho chiến sĩ giải phóng quânSau 5 ngày hội quân, tổ chức huấn luyện hiệp đồng tác chiến trong một cánh rừng cao su tại Bình Phước, ngày 25-4, Đại đoàn Đồng Bằng, trong đó có Trung đoàn 27 do trung tá Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy bắt đầu vượt sông Bé, qua Chiến khu Đ, áp sát Chi khu Tân Uyên nhằm tránh hỏa lực mạnh từ các cứ điểm Lai Khê, Bến Cát và khả năng hành quân chi viện nhanh của địch dọc quốc lộ 13. Tuy vậy, tiếng động cơ xe tăng, xe cơ giới và bộ binh hành quân của ta đã bị hệ thống thám báo của địch phát hiện, chúng điều máy bay, pháo hạng nặng tấn công thẳng vào đội hình hành quân. Với lời thề “Hành quân thần tốc, thọc sâu, đánh hiểm, nếu có hy sinh cũng hướng mặt về Sài Gòn”, chỉ huy Trung đoàn 27, Đại đoàn Đồng Bằng đã cử một bộ phận nhỏ ở lại chiến đấu giữ chân địch, nhằm nghi binh, tạo thời cơ thuận lợi cho đoàn chiến xa và bộ binh ta tiếp tục tiến về phía trước.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: “Công lao và thành tích của má Sáu xứng đáng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trong lúc nổ súng, quân ta đã bắt được nhiều tù binh, trong đó có 2/4 tên thuộc toán thám báo cùng 2 máy truyền tin PRC25. Chỉ huy trung đoàn đã nhanh trí ra lệnh cho bộ phận thông tin của ta phải liên tục mở máy truyền tin thu được của địch, giữ nguyên tần số liên lạc và lệnh cho hai tù binh phải trả lời vào máy bộ đàm nếu sở chỉ huy ở Búng hỏi: “Lực lượng nào vậy?”, thì phải trả lời rằng: “Sư đoàn 5 rút về bảo vệ tuyến tử thủ Sài Gòn”. Nhờ vậy mà đoàn chiến xa đã nhẹ nhàng di chuyển về đến Búng, Lái Thiêu vào lúc 17 giờ ngày 29-4 trong khi hệ thống cứ điểm, đồn bót, chi khu của địch dọc tuyến quốc lộ 13 vẫn hoạt động bình thường mà không hề hay biết.
Tấm bản đồ quan trọng của má Sáu Ngẫu
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bồi hồi kể lại: “Trước khi đoàn chiến xa tiến sát về quận lỵ Lái Thiêu đã có một toán trinh sát lót sẵn cùng với bộ đội địa phương dẫn đường. Anh Sáu Châu - Huyện đội phó Lái Thiêu lúc đó cùng các trinh sát tiếp cận ngôi nhà lá nằm giữa hai đầu đồn bót (Chiến khu Thuận An Hòa) và ra ám hiệu “Hồ Chí Minh” thì một bà má bước ra hô: “Muôn năm”! Biết chúng tôi là quân giải phóng, má mời tất cả vào nhà, má hỏi: “Bây giờ các con cần má giúp những gì?”. Tôi nói tóm tắt nhiệm vụ của đơn vị và đề nghị: Chúng con chưa nắm chắc địch và địa hình ở quận lỵ Lái Thiêu. Theo tấm bản đồ quân sự thì đoàn quân sẽ tiến qua cầu sắt Lái Thiêu đánh vào Trung tâm huấn luyện sĩ quan Huỳnh Văn Lương, làm bàn đạp tiến công Bộ Tổng Tham mưu ngụy quyền Sài Gòn, vô hiệu hóa sức mạnh của địch tạo điều kiện cho đại quân ta giải phóng Sài Gòn. Má nói má không rành bản đồ này và trở vô nhà lấy ra tấm bản đồ được gói cẩn thận trong tờ báo đã ố vàng rồi nói: “Đây là bản đồ đô thành Sài Gòn do anh Tư Ca giao lại cho má từ năm 1961”. Tôi hỏi thêm anh Tư Ca là ai, giờ ở đâu hả má? Anh Tư Ca là chồng của má, do cơ sở cánh mạng bị lộ, anh bị bắt giam trong Nhà tù Phú Lợi. Sau khi ra tù, anh tiếp tục hoạt động tuyên giáo, phụ trách tờ báo Thủ Dầu Một. Năm 1968 trong chuyến công tác, anh bị lọt vào ổ phục kích của địch và bị bắn chết. Từ đó, má giữ luôn tấm bản đồ này thay anh. Mỗi khi có sự thay đổi về lực lượng, bố phòng má lại vẽ bổ sung trên toàn tuyến từ Chi khu Lái Thiêu về Sài Gòn má thuộc nằm lòng. Má khuyên các con không nên hành quân qua cầu sắt Lái Thiêu vì mới đây má nghe tin cầu bị sập do chúng đặt mìn phá hủy và hình thành hai chốt đề kháng rất mạnh hai bên đầu cầu. Sau đó là rất nhiều bãi mìn chúng gài rất dày đặc, đề phòng quân ta tiến công. Nếu hành quân theo đường đó sẽ xảy ra đụng độ lớn vừa làm chậm bước tiến của quân ta vừa tiêu hao binh sĩ, ảnh hưởng đến nhân dân, cũng không loại trừ khả năng bị động địch sẽ cho phá hủy các cây cầu và cơ sở hạ tầng quan trọng. Sau đó, má đưa cho hai em Phước, Đức nói thêm những gì đã thấy những ngày qua. Trình bày xong, hai em quay sang ôm tôi nói: “Anh đi tụi nó quay lại bắt má em thì làm sao?”. Tôi khẽ hôn lên má hai em và nói: “Anh đi mai anh sẽ trở lại gặp hai em”. Lúc đó, Hai Mỹ (Nguyễn Thị Ngọc Mỹ) - Bí thư Huyện đoàn Lái Thiêu cũng vừa đến để ngồi lên xe tăng cùng với Sáu Châu dẫn đường cho đoàn xe chuyển hướng về phía cầu Vĩnh Bình để đánh thọc sâu vào sào huyệt địch, vì thời cơ một ngày bằng 20 năm đã đến.
Chị Phước (Huỳnh Thị Kim Ngân, nay là Hội đồng Nhân dân phường Thuận Giao, TX.Thuận An), anh Đức - hai người con của má nói thêm: “Lúc vô nhà chúng em tưởng anh Hiệu là lính bảo vệ, đến khi Chính ủy Thư nói: “Báo cáo thủ trưởng” chúng em rất bất ngờ. Anh Hiệu cũng là người phán đoán rất chính xác, đúng ngày hôm sau 1-5, anh trở lại bằng xe Jeep, đưa gia đình chúng tôi về thăm Trung tâm huấn luyện mới được giải phóng trong niềm vui chung của đất nước, của dân tộc”.
Thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”
Nhờ sự chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu (Nguyễn Thị Sáu, phường An Thạnh, TX.Thuận An) đoàn xe tăng của Trung đoàn 27 vừa hỗ trợ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tấn công và nổi dậy giải phóng quận lỵ Lái Thiêu xong khoảng 9 giờ sáng 30-4-1975 thì chuyển hướng về phía cầu Vĩnh Bình, tiến thẳng về quận lỵ Gò Vấp. Nhưng đến cầu Vĩnh Bình, đoàn quân gặp sự kháng cự quyết liệt của cứ điểm đề kháng địch lập ra trên cầu kết hợp toán xe cơ giới từ quốc lộ 13 rút về chi viện. Đoàn xe tăng của Trung đoàn 27 bị kẹt vào giữa. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc phải nhảy ra khỏi xe chia làm 2 mũi dùng B40 đánh bạt địch ra hai phía, mở đường cho đoàn xe tiến lên. Trong lúc phần thắng đang nghiêng về ta thì bất ngờ đạn B40 bị hết, chỉ huy trung đoàn phải huy động cả đạn dự trữ ra để chiến đấu. Sau quả đạn B40 bắn chính xác vào trong lô cốt địch tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ bùng lên thiêu rụi cứ điểm tử thủ của địch bên kia đầu cầu. Bỗng Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc phát hiện quả đạn M79 đang rơi xuống phía trước, anh đã đẩy các chiến sĩ trong biên đội chiến đấu sang bên và dùng toàn thân trùm lên quả cầu lửa để bảo vệ đồng đội. Sự hy sinh anh dũng của người chỉ huy đại đội đáng kính đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng đội. Máu của anh thấm ướt cả một đoạn mố cầu Vĩnh Bình. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã yêu cầu đưa thi hài anh lên xe tăng chỉ huy cùng tiến nhanh về giải phóng Sài Gòn, thống nhất Tổ quốc. Anh là liệt sĩ cuối cùng trước khi Trung đoàn 27 hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, giải phóng Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, góp phần buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Ở cương vị mới là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dù bận rộn trăm công ngàn việc, nhưng cứ đến dịp 30-4 hàng năm hoặc các ngày lễ lớn, bên cạnh việc thăm viếng chiến trường xưa, đồng đội cũ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đều dành thời gian ghé thăm má Sáu kể cả khi má đã qua đời. Quan sát những nơi ông đến, thường thấy có những cây đa, bia đá do chính ông trồng, đặt để nhằm khắc ghi công lao hy sinh của những người đã nằm xuống vì độc lập, tự do dân tộc, vừa thể hiện sự thủy chung của người cách mạng. Qua câu chuyện giữa ông và má Sáu cùng những người đồng chí, đồng đội khác cho thấy tinh thần cách mạng tiến công, quyết tâm giải phóng quê hương là sợi dây vô hình đã kết nối họ lại với nhau, vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, quyết giành thắng lợi cuối cùng.
DUY CHÍ