“Ma trận” tội phạm trên không gian mạng – Bài 1

Cập nhật: 12-12-2023 | 09:05:00

Bài 1: Làm giàu trên mạng: Không dễ

Lên mạng lôi kéo đánh bạc, rủ rê đầu tư, giới thiệu việc làm… rất nhiều lý do khác nhau được đối tượng xấu lợi dụng để dẫn dụ người dân vào một “ma trận”. “Tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp”, đó là nhận định của UBND tỉnh về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong năm 2023.


Một đối tượng lên mạng lừa đảo bị Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ. Ảnh: CABD

Cờ bạc trên mạng

Số liệu thống kê của Công an tỉnh cho thấy các vụ việc vi phạm trên không gian mạng trong năm 2023 tăng so với năm trước. Cụ thể, trong năm nay số tin báo tố giác tội phạm công nghệ Công an tỉnh tiếp nhận tăng gần 20 tin báo so với năm 2022.

Theo nhận định, tội phạm sử dụng không gian mạng để hoạt động tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp; nhiều phương thức, thủ đoạn của tội phạm không mới nhưng cách tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, nhiều vụ nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lớn. Đáng chú ý là hành vi tổ chức cờ bạc trên mạng hiện nay khá tinh vi. Cụ thể như vụ việc do Công an tỉnh triệt xóa ở TX.Bến Cát, đây là đường dây cá cược bóng đá qua mạng internet với lượng giao dịch hàng chục tỷ đồng.

Với vai trò cầm đầu, đối tượng Đỗ Văn Tâm liên kết cùng đồng bọn tổ chức lượng giao dịch cá cược bóng đá do nhà cái giao cho, có hạn mức là 150.000 đô la Mỹ tiền ảo đánh bạc/ngày. Để thu hút người chơi và qua mắt cơ quan chức năng, Tâm và đồng bọn mở 17 tài khoản cá cược bóng đá. Đến thời điểm bị phát hiện và bắt giữ, cơ quan công an xác định tổng số tiền các đối tượng sử dụng để giao dịch cá cược bóng đá trên mạng khoảng 63 tỷ đồng. Qua đấu tranh khai thác, ban chuyên án tiến hành phong tỏa hơn 40 tài khoản ngân hàng mà các đối tượng đã sử dụng vào mục đích cá cược bóng đá.

Nối tiếp chiến công, ngày 17-8, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phối hợp Công an TP.Tân Uyên phát hiện, triệt xóa một tụ điểm đánh bạc quy mô lớn qua mạng internet, bắt giữ hai đối tượng cầm đầu là Vương Chính Bậc (SN 1985) và Nguyễn Quốc Vũ (SN 1990), cùng ngụ TP.Tân Uyên để điều tra về hành vi “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc”

Vương Chính Bậc tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá cược bóng đá, ghi số đề, đá gà. Đối tượng này và Nguyễn Quốc Vũ góp tiền để mua tài khoản đánh bạc tổng trên mạng, sau đó về chia lại thành nhiều tài khoản nhỏ bán lại cho các đại lý cấp dưới. Cơ quan điều tra đã làm rõ tổng số tiền đã đặt cược mà các đối tượng sử dụng để chơi đánh bạc là hơn 8,5 tỷ đồng.

Thủ thuật tinh vi

Theo báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của UBND tỉnh trong năm 2023 (từ ngày 15-12- 2022 đến 15-10-2023), Công an tỉnh đã tiếp nhận hơn 100 tin báo tố giác tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền 137 tỷ đồng (tăng 19 tin báo so với năm 2022). Đến nay đã khởi tố 33 vụ, 1 đối tượng, đang tiếp tục xác minh 44 tin báo.

Qua công tác đấu tranh, phá án, nhiều thủ đoạn của đối tượng được làm rõ, tuy nhiên cũng phải kể đến do sự chủ quan, mất cảnh giác của bị hại. Vụ việc liên quan đến hành vi giao dịch “chui” nhằm hưởng tiền “hoa hồng” bị Công an tỉnh triệt xóa là một điển hình.

Với thủ đoạn đề nghị xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống (xuất hóa đơn mà không có hàng hóa) để được hưởng tiền hoa hồng và cho vay đáo hạn ngân hàng, nhóm đối tượng này đã gây ra 6 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại các tỉnh, thành trong cả nước. Tổng số tiền chúng chiếm đoạt là hơn 12 tỷ đồng. Đến khi chúng gây án ở Bình Dương thì bị bắt giữ.

Theo hồ sơ vụ án, Lê Minh Trí (tự xưng là Lê Như Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây lắp điện Hiệp Phát (gọi tắt là Công ty Hiệp Phát), địa chỉ tại phường Tân Phước Khánh, TP.Tân Uyên và đối tượng Chung Khôi (không rõ nhân thân, lai lịch, có tên tài khoản Zalo là Chung Khôi) liên lạc qua điện thoại và Zalo đề nghị ông T.G.N. xuất 2 hóa đơn giá trị gia tăng khống (xuất hóa đơn mà không có hàng hóa) cho Công ty Hiệp Phát trị giá hơn 1,1 tỷ đồng với tiền hoa hồng là 30 triệu đồng.

Đối tượng Trí hẹn ông N. mang hơn 1,1 tỷ đồng đến phòng giao dịch của một ngân hàng trên địa bàn TP.Thuận An để nộp vào tài khoản của Công ty Hiệp Phát; đồng thời làm phiếu ủy nhiệm chi chuyển số tiền trên vào tài khoản cho công ty. Trong lúc chờ ngân hàng thực hiện việc chuyển tiền theo ủy nhiệm chi, các đối tượng sử dụng ứng dụng internet banking chuyển tiền ra khỏi tài khoản của Công ty Hiệp Phát nên ngân hàng không thực hiện được giao dịch trên. Sau khi chiếm đoạt được số tiền trên thì đối tượng Trí cắt mọi liên lạc với bị hại. (còn tiếp)

Cuối năm, nhận đơn hàng lớn, chớ vội mừng

Cuối năm, khi nhu cầu mua sắm tăng cao, một số đối tượng lợi dụng để mua - bán hàng nhằm chiếm đoạt tiền. Cụ thể như vụ án Nguyễn Trọng Điệp (30 tuổi, quê TP.Hải Phòng) bị Công an huyện Dầu Tiếng bắt giữ sau khi thực hiện trót lọt 4 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn bán bia, nước giải khát.

Theo hồ sơ công an, Điệp lên mạng rao bán bia giá rẻ và được bà Lê Thanh T. (ngụ huyện Dầu Tiếng) đặt mua 500 thùng bia với số tiền hơn 151 triệu đồng. Nhận được đơn đặt hàng của bà T., Điệp hứa sẽ giao số lượng bia trên. Sau đó Điệp điện thoại cho một đại lý bán bia, nước ngọt ở phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) hỏi mua 500 thùng bia với giá 335.000 đồng/ thùng. Điệp chuyển 1,5 triệu đồng tiền cọc rồi yêu cầu chở bia đến nhà bà T. Trong lúc bà T. chất hàng vào kho, Điệp điện thoại yêu cầu chuyển hơn 151 triệu đồng, sau đó Điệp chặn số điện thoại của chủ tiệm bán bia và bà T.

N.HẬU - V.CHÂU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên