“Mãi lộ” về đêm - Kỳ 2

Cập nhật: 27-12-2014 | 10:04:06

Kỳ 2: Theo dấu nạn nhân

>> Kỳ 1: Nỗi ám ảnh của các tiểu thương

 

Theo lời hứa “sẽ đưa nốt 50.000 đồng còn lại vào đêm mai” của một tiểu thương hàng bông ở chợ 434 (phường Bình Hòa, TX.Thuận An), P.V đã vào vai những người đi buôn để theo chân vợ chồng chị tìm đến nơi mà theo phản ánh là thường diễn ra tình trạng “xin tiền” của tiểu thương xe lôi, xe ba gác của một nhóm người khoác áo lực lượng bảo vệ dân phố (BVDP).

 

Cung đường mà các nạn nhân cho biết thường bị chặn đường “xin tiền”

Hành tung bí ẩn

Ngày 31-3-2014, chị L.T.A bị bắt tại xa lộ Hà Nội, đoạn gần chân cầu vượt Sóng Thần, thuộc phường Bình Chiểu, Q.Thủ Đức. Chị A. cho biết hôm ấy chỉ nộp 50.000 đồng và “hứa” đêm mai sẽ đưa tiếp 50.000 đồng nữa. P.V đã vào vai người đi buôn và có mặt vào đêm hôm sau với mong muốn được tiếp cận đối tượng “vòi tiền” tiểu thương. Khi vợ chồng chị A. đã tới chợ đầu mối Thủ Đức thì chúng tôi “bám” nhanh đến chợ. Một cuộc sống về đêm tại khu chợ mở ra trước mắt: tấp nập, đông đúc, hối hả. Đang ở khu chợ đêm, chúng tôi nghe chị A. thông báo, cách đó không lâu hai người bạn hàng của chị vừa bị “ăn tiền” tại đường Bình Chiểu, thuộc địa phận Q.Thủ Đức.

Chúng tôi lập tức có mặt tại đường Bình Chiểu và rảo đi rảo lại nhiều lần nhưng không thấy bóng dáng những “kẻ ăn đêm” nào trong trang phục BVDP như chị A. mô tả. Để xác định vị trí chính xác đối tượng thường “ăn mồi”, chúng tôi lân la tiếp cận một số người bán hàng ăn đêm ven đường và được biết nhóm người này có từ 2 - 5 người, họ không đứng ở một vị trí nào cố định, có khi trước cây xăng, lúc khác lại đứng đầu một con hẻm hay chốt dân phòng. Xe ba gác, xe lôi đi qua sẽ bị “tóm” ngay. Chị T., một tiểu thương ở chợ 434, cho biết: “Có khi đang đi thì họ thình lình xuất hiện từ một con hẻm làm chúng tôi không kịp quay đầu xe lại. Sau mỗi lần thu tiền vợ chồng tôi, họ thường tản đi rất nhanh. Nhiều lúc chúng tôi lấy điện thoại ra gọi, họ hỏi “gọi cho ai” với vẻ rất cảnh giác!” .

Ngày 2-4-2014 chúng tôi nhận được điện thoại của chị T. cho biết chị lại bị bắt “nộp” 200.000 đồng. Lần này chị bị bắt ở khu vực cầu vượt Sóng Thần.

Sự thật về việc “mãi lộ” về đêm

Trở lại khu vực cầu vượt Sóng Thần, chúng tôi gặp anh H.T.V, một người rất hăng hái trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ anh, chúng tôi nhận diện rõ hơn về tình hình. Anh V. cũng xác nhận tình trạng một nhóm đối tượng bắt xe những người đi lấy hàng bông ở chợ đầu mối là có thật. Nói rồi anh chỉ tay về hướng chân cầu vượt. Tiếp đó, chúng tôi chia thành hai nhóm theo sau xe anh V. và chứng kiến dưới chân cầu vượt, trên vỉa hè xa lộ Hà Nội có 3 người mặc trang phục lực lượng BVDP đang đứng đây. Tuy nhiên, ngay sau đó 3 người này leo lên hai xe máy chạy mất.

Ngày 22-10, P.V nhận được tin Ban điều hành KP.6, phường Bình Chiểu đã làm việc với các thành viên trong Tổ BVDP. Theo đó, một số thành viên đã thừa nhận việc mượn danh đi tuần tra để bắt xe lôi kiếm tiền. Riêng nhân vật Bình “chột” thừa nhận nhiều lần “vòi tiền” các tiểu thương đi chợ đầu mối. Ông Trần Ngọc Canh, Trưởng KP.6 cho biết thêm: “Khu phố đã báo cáo vụ việc lên phường để có biện pháp xử lý đối với những đối tượng trên. Có thể không loại trừ khả năng sẽ cho nghỉ việc một số thành viên Tổ BVDP vi phạm”.

Trong vai những nạn nhân bị bắt xe, chúng tôi đã đến khu chợ Khiết Tâm để gặp ông Trần Ngọc Canh, Trưởng ban điều hành KP.6, phường Bình Chiểu, Q.Thủ Đức. Nghe kể về việc bị bắt xe, ông Canh tỏ ra khá bức xúc cho biết bản thân ông từng nhiều lần chứng kiến cảnh “mãi lộ” về đêm trước cổng nhà mình. Ông Canh cũng xác nhận đã từng nhận rất nhiều phản ánh của người dân xoay quanh việc bị bắt xe lôi.

Cả ông Canh và anh V. đều xác nhận nhóm đối tượng có hành vi “mãi lộ” về đêm trên chính là một số thành viên trong Tổ BVDP thuộc KP.6. Trong lúc trò chuyện, ông Canh và cả anh V. đều nhắc đến một cái tên “đáng nghi” là Bình “chột”. Theo phản ánh thì người này đi xe máy hiệu Sirius màu vàng, biển số TP.HCM và thường có mặt trong nhóm đối tượng “ăn tiền” các tiểu thương lúc về đêm. Anh N., một tiểu thương từng bị bắt xe cho biết: “Vì họ thường để xe trong chỗ kín, ngoảnh đầu xe ra trước nên chúng tôi không thể nhìn thấy biển số xe. Nhưng tôi có thấy chiếc Sirius màu vàng trong số đó. Cách đây khoảng một tháng, tôi bị “chặn” xe ở chỗ cũ (đường Bình Chiểu, gần Quân đoàn 4 - PV). Họ lại vòi tiền uống cà phê, tôi mất 400.000 đồng”.

Ngày 22-10, P.V đã đến trụ sở Ban điều hành KP.6, phường Bình Chiểu để gặp ông Trần Ngọc Canh. Vị trưởng khu phố vẫn xác nhận vụ việc tiêu cực trên có tồn tại ở khu phố và bản thân ông đã từng nhận được thông tin phản ánh. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến một số cái tên đáng nghi mà ông từng chia sẻ thì ông Canh lại lãng tránh. Một công an viên tên T. (là cảnh sát khu vực tại KP.6) cho biết công an địa phương thường xuyên phối hợp với lực lượng hỗ trợ là tổ BVDP đi tuần 2 ca mỗi đêm: ca 1, từ 22 giờ đến 2 giờ; ca 2 từ 2 giờ đến 5 giờ sáng. Công an viên này khẳng định: “Nếu thấy xe lôi sẽ bắt về phường lập biên bản chứ không thả đi!”.

Vì vụ việc xảy ra tại địa bàn giáp ranh giữa phường An Bình, TX.Dĩ An và phường Bình Chiều, Q.Thủ Đức nên P.V đã tìm gặp đại diện Công an phường An Bình để làm rõ vấn đề. Ông Lại Minh Sơn, Phó Trưởng Công an phường An Bình nói không có chuyện lực lượng BVDP ở phường An Bình qua phường Bình Chiểu bắt xe lôi. Theo ông Sơn, lực lượng BVDP phường An Bình gồm 26 người tham gia vào 4 tổ BVDP thuộc 4 khu phố. Lực lượng trên chỉ trực đến khoảng 23 giờ mỗi ngày là về, không có chuyện phối hợp với công an viên đi bắt xe lôi lúc rạng sáng. Trao đổi về vấn đề này, ông Lại Văn Mỵ, Trưởng Công an phường Bình Chiểu, cho biết: “Từ trước đến nay chúng tôi chưa hề nhận được thông tin phản ánh nào về vấn đề này. Chúng tôi sẽ xác minh nguồn tin khi báo chí phản ánh. Nếu có vấn đề gì muốn hỏi thêm nhà báo có thể liên hệ công an quận!”. (Còn tiếp)

 

ÔNG TRẦN BÁ LUẬN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GIAO THÔNG -  VẬN TẢI BÌNH DƯƠNG:

Trước hết cần khẳng định chủ trương của Chính phủ về việc kiềm chế tai nạn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, trong đó có giải pháp cấm lưu thông trên đường bộ các loại xe đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh theo Nghị quyết số 32/2007/ NQ-CP của Chính phủ đã được các cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan, các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện; đồng thời được đại bộ phận nhân dân cả nước - kể cả những người trước đây sinh sống bằng phương tiện xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh thuộc diện đình chỉ giao thông - đồng tình, tích cực hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện theo lộ trình, giải pháp do Nhà nước đề ra. Tuy nhiên, hiện nay còn một số người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương tiếp tục sử dụng phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông để chở hàng hóa. Việc này xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn của người dân, vì mưu sinh.

Qua Báo Bình Dương, Sở GTVT tỉnh Bình Dương rất mong quý cô bác, anh chị hiện sở hữu các loại phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, không sử dụng những phương tiện này để tham gia giao thông dù với bất cứ mục đích gì, nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho chính mình và mọi người. Rất mong Báo Bình Dương, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể… tiếp tục phối hợp, hỗ trợ ngành GTVT trong việc tuyên truyền, vận động người dân hiểu, tiếp tục đồng tình, nghiêm túc thực hiện những quy định pháp luật về việc cấm lưu thông các loại xe đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ.

 

 NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1946
Quay lên trên