“Mai một” làng nghề bánh tráng Phú An!

Cập nhật: 24-05-2011 | 00:00:00

Xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương là địa phương có nghề làm bánh tráng từ lâu đời, tập trung ở các ấp: Bến Liễu, Phú Thuận, Bến Giảng. Bánh tráng Phú An được thương lái bỏ mối các nơi, nhất là chợ Thủ Dầu Một và ở Sài Gòn; ngoài ra, còn được xuất khẩu đi Pháp, Mỹ. Với đặc tính dẻo, trắng, thơm ngon, nhúng nước không dính... sản phẩm được nhiều người chuộng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người làm bánh tráng ở đây đã chuyển làm công việc khác.

Thương hiệu một thời

Vào những ngày tết, nhiều hộ làm bánh tráng không kịp bán. Từ tháng 11, 12 âm lịch, họ phải làm liên tục, bếp lò không ngừng nghỉ để đáp ứng số bánh đã nhận đặt trước. Nhờ làng nghề bánh tráng (LNBT) nhiều hộ gia đình đã khá giả hơn, có điều kiện cất nhà mới, lo cho các con ăn học. Chị Nguyễn Thị Út ở ấp Bến Giảng tâm sự: “Gia đình tôi làm bánh tráng gần 30 năm nay. Mỗi ngày, chúng tôi tráng 2 thiên (2.000) bánh, làm liên tục từ 2 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Vất vả là thế, nhưng đó là nghề truyền thống của ông cha để lại, đã thấm sâu vào máu của mỗi người nên không bỏ được. Ngày nào bếp lò không đỏ lửa, tôi thấy nhà lạnh lẽo lắm. Nhờ có nghề này mà chúng tôi xây được mái nhà chắc chắn, lo cho các con ăn học”.

  Giá cả nguyên liệu tăng cao khiến nhiều người dân không mặn mà với LNBT

Có lẽ người làm bánh đều có bí quyết gia truyền cộng với những kinh nghiệm riêng mà sản phẩm của họ làm ra, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với nguyên liệu bột mì pha trộn với nước dừa, khuấy đều cho bột tan sau đó bắt đầu tráng bánh. Anh Nguyễn Thanh Răng ở ấp Bến Giảng, chuyên nghề giao bột và thu mua bánh tráng cho biết: “Khoảng 5 năm trước đây, tại xã có rất nhiều hộ tráng bánh nhưng hiện nay số lượng người làm giảm hẳn. Bánh tráng Phú An nhờ có thương hiệu nên việc xuất khẩu sang thị trường Pháp, Mỹ rất dễ dàng, một thời mang lại thu nhập cao cho bà con”.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn đối với LNBT Phú An, bởi con số 1/5 số hộ toàn xã làm bánh tráng giờ chỉ còn lại khoảng hơn 20 hộ. Đến ấp Bến Giảng những ngày này hình ảnh những tấm liếp bánh tráng phơi trắng sân ở các gia đình không còn như trước. Bà Lê Thị Hới, người gắn bó với nghề hơn 50 năm đứng tần ngần trước dãy liếp phơi: “Hiện nay, số lượng người giữ nghề rất ít, thiếu nhân công, nguyên liệu tăng cao... bởi vậy nhiều người không còn “mặn mà” với nghề. Những hộ còn theo nghề chủ yếu là người lớn tuổi”. Mỗi ngày, gia đình ông Út dậy từ 1- 2 giờ sáng để tráng, trưa gỡ bánh rồi đóng gói. Lúc giá bột mì còn ở mức thấp, ông lời khoảng 200.000 đồng/ngày, hiện nay, chỉ kiếm chừng 100.000 đồng.

Khôi phục làng nghề truyền thống?

 Chị Lê Thị Huệ, ấp Bến Giảng trăn trở: “Muốn làng nghề tồn tại và phát triển, thì tự thân chúng tôi không bơi nổi, khi giá nguyên liệu bất ổn như hiện nay. Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu mì, để tránh tình trạng khan hiếm nguyên liệu. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ để chúng tôi có thể tiếp tục theo nghề”.

Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống là đòi hỏi bức thiết. Thế nhưng, vấn đề này đang là bài toán khó đối với các cấp chính quyền tại địa phương. Họ đang rất cần sự hợp tác của chính người dân để có thể phát triển hiệu quả làng nghề. Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết: nguồn nhân lực cho LNBT hiện là điều nan giải, không phải vì nghề này đòi hỏi tay nghề cao, hay cần phải giỏi về cơ khí, máy móc, mà vì các khu công nghiệp dần hình thành và phát triển, thu hút nhân lực tại chỗ, làm cho làng nghề ngày càng thiếu hụt lao động. Hơn nữa, làm việc tại các khu công nghiệp ổn định về thời gian, lương cao hơn nên nhiều lao động đã không còn “mặn” với nghề. Bên cạnh đó, giá cả leo thang, nguyên liệu tăng nhanh khiến người dân rất khó bám lấy nghề.

Theo ông Võ Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú An, các cơ quan chức năng và hiệp hội làng nghề cần phân loại sản phẩm làng nghề, tạo thương hiệu cho các làng nghề để sản phẩm của họ đi vào thị trường dễ dàng hơn. Đối với địa phương, để giữ nghề, xã đang quy hoạch làng nghề truyền thống để thu hút lao động và tạo việc làm tại chỗ cho nông dân trong xã. Xã sẽ đưa ra những chính sách cho vay vốn khuyến khích người dân tham gia làm nghề truyền thống, kết hợp chăn nuôi, đẩy mạnh kinh tế trang trại... tạo công ăn việc làm tại chỗ cho bà con”.

Q.NHƯ - T.LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên