Ngày 23-2, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã gửi thư từ chức lên nhà Vua sau khi bị đồng minh và người kế thừa Anwar Ibrahim cáo buộc “bội ước”. Vụ việc đang đẩy tình hình chính trị Malaysia vào tình thế bất định, khả năng tổ chức cuộc bầu cử mới là không nhỏ.
Toàn bộ câu chuyện được xem là màn đấu tiếp theo giữa hai người từng là thầy trò, đồng minh chính trị rồi trở thành đối thủ, sau đó lại quay trở lại làm đồng minh. Ông Mahathir gửi thư từ chức lên nhà vua ngay sau cuộc họp với các đảng trong liên minh cầm quyền mà giới quan sát cho là nhằm tìm giải pháp thay đổi thành phần trong liên minh, tạo cơ hội cho những người thuộc đảng Tổ chức Quốc gia Malay thống nhất (UNMO), đảng cũ của ông Mahathir từng cầm quyền Malaysia trước khi bị liên minh mới của ông Mahathir đánh bại trong cuộc bầu cử tháng 5-2018.
Cuộc họp đã khiến ông Anwar bực tức cáo buộc rằng đảng Bersatu của ông Mahathir và một nhóm những “kẻ phản bội” bên trong đảng PKR của chính ông Anwar đã âm mưu thay đổi toàn bộ cơ cấu trong liên minh cầm quyền nhằm phá bỏ kế hoạch chuyển giao quyền lực từ ông Mahathir sang ông Anwar như đã hứa. Ông Mahathir từng tuyên bố cần thêm thời gian, có thể đến tháng 11-2020 để chuyển giao quyền lực cho ông Anwar. Nếu việc thay đổi cơ cấu này thành công, liên minh mới sẽ cho phép ông Mahathir tiếp tục làm Thủ tướng Malaysia trọn nhiệm kỳ thay vì phải chuyển giao quyền lực.
Giới quan sát cho rằng có thể việc từ chức của ông Mahathir là một hành động vớt vát nhằm né tránh việc thực hiện lời hứa của mình với ông Anwar nhưng cũng có thể đó là động thái mở đường cho ông Anwar bước lên nắm quyền luôn.
Năm 2018, ông Mahathir khiến dư luận một lần nữa thán phục vì phong độ vẫn còn cao dù tuổi đã 93. Khi đó, ông đã liên minh với ông Anwar trong một liên minh cầm quyền mang tên Pakatan Harapan (Liên minh Hy vọng) và giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5-2018. Khi chấp nhận đứng vào liên minh Pakatan Harapan, Anwar nhận được lời hứa sẽ được ân xá và trao cho một vai trò trong chính phủ mới, đặc biệt là sẽ được ông Mahathir chuyển giao chiếc ghế thủ tướng sau 2 năm, nếu chiến dịch tranh cử thành công.
Ông Anwar Ibrahim cáo buộc ông Mahathir Mohamad “bội ước” vì không chuyển giao chức Thủ tướng Malaysia như đã hứa.
Tháng 10-2018, khi ông Anwar được ân xá và giành chiến thắng tại một cuộc bầu cử bổ sung, người ta thấy hai “kẻ thù” cũ đã trở nên thân thiết lạ. Ông Anwar khi ấy thậm chí còn nói rằng “Tôi yêu ông ấy như một người cha và như một lãnh đạo”. Kịch bản thân thiết này trái ngược hẳn so với trước đó 20 năm.
Ông Mahathir từng làm Thủ tướng Malaysia trong 22 năm, từ năm 1981 đến năm 2003. Trong giai đoạn này, đặc biệt là thập niên cuối thế kỷ XX, ông Anwar từng được xem là người kế thừa sự nghiệp chính trị của ông Mahathir. Và điều đó đã gần trở thành hiện thực khi ông Anwar thăng tiến lên đến ghế Phó Thủ tướng.
Nhưng, vào năm 1998, giữa hai người đã xảy ra mâu thuẫn gay gắt và công khai. Ông Mahathir bắt đầu cảm thấy lo ngại trước sự ủng hộ rộng rãi của công chúng dành cho ông Anwar. Ông Anwar bị cách chức Phó Thủ tướng và sau đó bị cáo buộc tội quan hệ tình dục đồng tính và tham nhũng.
Một cuộc điều tra chớp nhoáng đã đi đến kết luận phạm tội và một phiên tòa dài nhất trong lịch sử tư pháp Malaysia, rốt cuộc Anwar bị buộc tội quan hệ tình dục đồng tính và tham nhũng và bị tuyên án tổng cộng 15 năm tù. Ông thụ án đến năm 2004 thì được ân xá nhưng đến năm 2015 lại tiếp tục bị buộc tội quan hệ tình dục đồng tính, lần này ông Anwar cho rằng mang động cơ nhằm hủy hoại sự nghiệp chính trị của ông.
Cho đến cuối năm 2017, quan hệ giữa ông Mahathir và ông Anwar vẫn còn đối nghịch, cho dù ông Anwar vẫn đang ở trong tù. Nhưng, tình hình bắt đầu xoay chuyển vùn vụt vào tháng 1-2018. Trong nỗ lực nhằm hạ bệ cựu Thủ tướng Najib Razak do ông này bị nhiều cáo buộc tham nhũng, ông Mahathir đã chìa nhành ôliu với ông Anwar.
Hai người quay trở lại quan hệ “đồng minh” như trước đây, hình thành một liên minh chính trị mới, trong đó ông Mahathir hứa rằng nếu ông giành chiến thắng trong bầu cử với sự ủng hộ của ông Anwar, thì ông Anwar sẽ được ân xá, ra tù và sau đó sẽ tạo điều kiện để ông Anwar lên làm Thủ tướng Malaysia sau 2 năm.
Kể từ khi ông Mahathir giành chiến thắng và lần thứ hai làm Thủ tướng Malaysia, mọi con mắt đều chú ý vào việc liệu ông có giữ lời hứa trong thỏa thuận liên minh với ông Anwar hay không. Thực tế ông đã thực hiện lời hứa ân xá, trả tự do ngay lập tức và tạo điều kiện cho ông Anwar thắng cử trong cuộc bầu cử bổ sung tháng 10-2018 tại khu vực Port Dickson.
Người ta thấy ông Mahathir khi ấy đã cùng ông Anwar đi vận động tranh cử, phát biểu trước công chúng để ủng hộ ông Anwar. Những cử chỉ chính trị này được quan sát kỹ và được đánh giá là hành động mang ý nghĩa “trả nợ” hơn là một sự cổ vũ thật lòng.
Còn một vế cuối cùng trong lời hứa năm 2018 ông Mahathir chưa thực hiện và ông cũng đã một lần “khất” hứa trước khi buộc phải viết thư từ chức dâng lên nhà vua. Những động thái này làm dấy lên một luồng suy nghĩ trong dư luận rằng ông Mahathir không thật sự muốn trao quyền lực cho ông Anwar và vì thế sẽ rất khó có chuyện ông chịu chuyển giao quyền lực như đã từng hứa cách đây 2 năm.
Việc ông Mahathir xin từ chức đang đẩy tình hình chính trị Malaysia vào tình trạng khó đoán định. Người ta không biết ai sẽ là thủ tướng kế tiếp hoặc sẽ phải tổ chức bầu cử. Đảng Bersatu thông báo sẽ rút khỏi liên minh cầm quyền Pakatan Harapan để ủng hộ ông Mahathir.
Tiếp sau đó, ngày 24-2, Bộ trưởng Kinh tế Mohamed Azmin Ali và Bộ trưởng Nhà ở và Chính quyền địa phương Zuraida Kamaruddin thuộc đảng PKR của ông Anwar cũng xin từ chức, trong khi 9 nghị sĩ khác đồng minh với họ tuyên bố sẽ rời khỏi đảng này. Thêm 11 nghị sĩ liên minh Pakatan Harapan tuyên bố thành lập đảng độc lập mới. Tình hình này khiến cho Quốc hội Malaysia trở nên rối loạn và khả năng bầu cử lại gần như là chắc chắn.
Theo CAND