Mâm bánh cam nuôi con bệnh, cháu thơ

Cập nhật: 07-09-2012 | 00:00:00

Người ta thường gọi bà là dì bánh cam chứ ít ai biết tên thật của bà. Hàng ngày với chiếc xe đạp cà tàng, bà vẫn lọc cọc trên những tuyến đường của TP.Thủ Dầu Một kiếm từng đồng để nuôi người con gái bị bệnh và những đứa cháu còn quá thơ ngây.

Tai họa ập xuống

Bà Nguyễn Thị Kim Anh quê gốc ở Sóc Trăng. Ở quê do không có vốn và đất, bà phải làm nghề chặt lá dừa nước thuê. Công việc khó nhọc nhưng cũng không đủ ăn, đủ mặc dù bà đã lao động cật lực. Chồng bà mất cách nay đã 20 năm. Một mình bà phải tự bươn chải để chăm lo cho những đứa con còn thơ dại. Cách đây 2 năm, bà theo người con gái lên Bình Dương làm nghề bán bánh cam. Tuổi già không còn đủ sức làm những công việc nặng nhọc nên bà chọn làm nghề bán bánh cam. Hàng ngày, bà phải thức dậy từ 3 giờ sáng để nặn bột, chiên bánh đem bán. Từ sáng sớm, bà phải lọc cọc trên chiếc xe đạp rong ruổi trên các tuyến đường đến bán bánh tại các tiệm internet. Buổi trưa bà chỉ dám về phòng trọ nghỉ ngơi chút ít rồi lại tiếp tục công việc của mình. Bà nói, bà không biết trong một ngày đi được bao nhiêu cây số nhưng khi thấy mỏi chân thì ngồi lại nghỉ rồi lại tiếp tục đi tiếp. Bà chỉ nghỉ bán khi trời mưa quá lớn. Mỗi cái bánh bà bán 2.000 đồng, mỗi ngày dù cố gắng hết sức bà cũng chỉ có thể kiếm được vài chục ngàn đồng. Tưởng rằng cuộc sống cứ thế yên bình trôi qua nhưng không ngờ cách đây hơn 2 tháng tai họa lại ấp xuống gia đình của bà khi con gái của bà, chị Nguyễn Thị Kim Giang bất ngờ bị đột quỵ gây liệt nửa người. Chị Giang có 3 người con, làm nghề bán bánh và khoai lang tại đầu chợ Phú Hòa. Chồng chị đã bỏ bốn mẹ con chị cách đây 4 năm. Chị cũng phải một mình nuôi 3 đứa con nhỏ. Công việc bán bánh, bán khoai không được bao nhiêu tiền, các con của chị lại đang ở độ tuổi ăn tuổi chơi, gánh nặng với một người phụ nữ như chị là quá lớn. Những đứa con của chị cũng phải lần lượt nghỉ học do chị không đủ sức lo cho chúng. Do làm việc quá sức mà chị bị đột quỵ. Từ khi con gái bị đột quỵ, bao nhiêu gánh nặng lại chuyển qua hết cho bà. Bao nhiêu chi phí chăm lo cho con gái bệnh, tiền ăn cho các cháu lại đổ lên đôi vai của bà. Giờ đây đôi vai gầy guộc của bà lại càng trở nên còm cõi hơn với bao nhiêu gánh nặng đè lên. 

Bà Anh mong con mau lành bệnh để chăm lo cho đàn con của mình

Ước mơ giản dị

Từ khi chị Giang bị đột quỵ, cả gia đình của chị lại chuyển vào ăn ngủ tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Dương do phòng trọ bị người ta thu lại vì chị không đủ tiền để đóng tiền thuê phòng. Đứa con lớn của chị Giang thì đã đi làm công nhân nhưng cũng chỉ phụ giúp cho chị được chút ít, chứ không dư dả gì. Hai đứa con còn lại của chị Giang vẫn hồn nhiên vui đùa trong khi mẹ nó vẫn còn nằm trên giường bệnh. Chúng còn quá thơ dại để có thể biết được tình cảnh của mẹ nó bấy giờ. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị Giang đã rơi nước mắt. Chị không ngờ rằng mình lại rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo như bây giờ. Giờ đây mỗi trưa bà Anh lại gửi nhờ mâm bánh cam tại các tiệm internet để tranh thủ mang cơm vào cho con, cho cháu rồi lại tất tả đi bán bánh. Những đứa con khác của bà thì cũng đã có gia đình riêng và cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn vì vậy mà cũng không phụ giúp được gì cho chị Giang. Rưng rưng nước mắt bà cho biết, số tiền dành dụm lâu nay tôi cũng đã dùng hết vào việc điều trị bệnh cho con. Giờ đây tôi cũng đã phải vay mượn hơn 10 triệu đồng để có tiền lo cho con, cháu. Muốn làm nhiều bánh hơn để có thêm tiền lo cho con nhưng làm nhiều thì lại bán ế. Giờ đây tôi sức cũng đã yếu, lại bị đau khớp, cao huyết áp, không biết còn trụ được bao lâu nữa. Còn chị Giang thì buồn rầu nói, lúc trước khi mới bị tôi đã bất tỉnh trong thời gian dài, giờ thì đỡ hơn nhưng vẫn chưa thể ngồi dậy được, đầu óc thì lúc nhớ lúc không. Tôi mong sao mình có thể đứng dậy và đi lại được để có thể tiếp tục bán bánh để nuôi con. Chia tay bà, tôi vẫn còn ấn tượng mãi với câu nói của bà. Bà nói giờ đây bà đã cảm thấy “đuối” quá rồi. Chỉ mong sao con gái mau lành bệnh để chăm lo cho con của nó. Bà nói mấy ngày nay bánh của bà lại bán ế, lại phải đi vay mượn để lo cho con, cho cháu.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=391
Quay lên trên