Mặn xâm nhập sâu tại Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 04-01-2010 | 00:00:00

 

Theo số liệu của Trung tâm dự báo khí tượng Nam bộ, mực nước các sông đầu nguồn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm.

 

Tại Tân Châu (An Giang) mực nước xuống dưới mức 1,2m, Châu Đốc (An Giang) xuống dưới mức 1,0m, thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 0,4-0,5m. Vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên thì lại bị triều cường mạnh.

 

Theo dự báo, mùa khô năm 2010 hạn hán sẽ diễn ra khốc liệt hơn những năm trước, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước nông nghiệp trầm trọng vì lúc đó tổng lượng nước của sông Mekong chỉ còn 600m 3/s, thấp hơn 200m 3/s so với mức trung bình hằng năm.

 

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, hiện tượng El Nino hoạt động mạnh khiến thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, gây hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và kéo dài trong suốt mùa khô năm 2010, mở rộng hơn so với năm 2009.

 

Theo dự báo, nhiệt độ cao nhất có thể ở mức 35-37°C, còn mực nước thấp nhất có khả năng đạt mức 0,8-0,9m (ở trạm đo thị xã Ngã Bảy).

 

Mực nước xuống thấp nhất cách mặt ruộng bình quân từ 0,8-1,1m ở khu vực các huyện, thị vùng trên và 0,5-0,8m đối với khu vực các huyện, thị vùng dưới nên càng làm tăng nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng cho vụ lúa đông xuân 2009-2010.

 

Có khả năng mặn sẽ tiếp tục xâm nhập vào toàn bộ thị xã Vị Thanh, một số khu vực của 12 xã, thị trấn thuộc huyện Long Mỹ và 8 xã, thị trấn của huyện Vị Thủy, có thể uy hiếp các xã Phương Phú, Phương Bình, huyện Phụng Hiệp và khu vực Cái Côn của huyện Châu Thành phía sông Hậu.

 

Hiện nay, tại kênh xáng Xà No - nơi vừa diễn ra Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất - mặn đã bắt đầu xâm nhập và thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) sẽ bị nhiễm mặn từ 0,5‰ vào giữa mùa khô năm 2010.

 

Ở Bến Tre, tình hình cũng không có gì khả qua hơn khi mặn 0,4‰ đã vào đi sâu vào đất liền đến 50km. Trong khi tại An Giang, kênh Vĩnh Tế mặn đã bắt đầu xâm nhập và từ đây sẽ lan rộng ra toàn tỉnh.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, nhiều diện tích đất trồng lúa của huyện Giá Rai vừa xuống giống xong thì lại gặp triều cường, mặn xâm nhập khiến lúc mới gieo bị chết gần 100% tại những khu vực bị nhiễm mặn.

Cắt bỏ lúa bị khô cháy do nhiễm mặn.  

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã cho xả nước tại cống Hộ Phòng để giảm mặn cho các dòng kênh, đồng thời để ngăn không cho mặn từ Cà Mau xâm nhập vào.

 

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 12, Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo xong vụ đông xuân.

 

Mặc dù mực nước rút nhanh giúp việc xuống giống đông xuân năm nay gặp thuận lợi, nhưng đó cũng là nguyên nhân làm tốc độ mặn xâm nhập vào vùng nước ngọt nhanh hơn trong một vài tháng tới. Nhất là khi đến giữa mùa khô (tháng 3-2010) sẽ có 800.000ha bị mặn đe dọa đúng vào lúc lúa vào giao đoạn kết hạt, cần rất nhiều nước.

 

Hiện nay, tại các tỉnh như Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang, nếu đóng các cổng ngăn mặn tại các kênh để có nước ngọt cho cây lúa trong vụ đông xuân thì vụ tôm sẽ xuống giống muộn. Còn nếu mở các cống ngăn mặn để có nước lợ nuôi tôm thì hàng trăm ngàn hécta lúa sẽ bị thiếu nước ngọt khi vào giai đoạn tạo hạt./.

(Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên