Măng cụt chuyển sinh!

Cập nhật: 15-09-2011 | 00:00:00

Sau nhiều năm tưởng như đi vào ngõ cụt, cây măng cụt đã nhìn thấy những tín hiệu vui. Không chỉ phát triển ở vùng Lái Thiêu mà hiện nay măng cụt còn xuất hiện ở xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) với năng suất và chất lượng khá ấn tượng.

Lái Thiêu được mùa

Năm nay, nhà vườn măng cụt Lái Thiêu hớn hở được mùa, năng suất cây măng cụt đạt gấp 3 - 4 lần so với các năm trước. Tiếp xúc với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Loan ở xã An Sơn, TX.Thuận An cho biết: “Nhà tôi trồng 2.800m2 vườn măng cụt chuyên canh nhưng đã mấy năm rồi mới lại được chứng kiến măng cụt tốt tươi như vậy. Các năm trước, có năm một nách lá trổ 1 trái đã là đạt. Nhưng năm nay 100% số cây trong vườn cây nào cũng có trái, có nách lá ra 3- 4 trái. Năm nay, vườn tôi thu hoạch khoảng 5 tấn măng cụt”.

 

Cây măng cụt đang phát triển tốt ở Thanh Tuyền (Dầu Tiếng)

Sự vui mừng là tâm lý chung của các nhà vườn trồng cây măng cụt Lái Thiêu năm nay. Thậm chí, khi chúng tôi ghé lại thăm một số nhà vườn từng kêu thất thu và than trời vì cây măng cụt không ra trái cách đây 2 - 3 năm thì bây giờ mọi người đều cười tươi rói vì măng cụt được mùa lại được giá.

Ông Nguyễn Văn Hai ở phường Hưng Định, TX.Thuận An cho biết: “Năm nay nhờ thời tiết thuận và môi trường nước được cải thiện hơn nên cây măng cụt được mùa. Thêm vào đó, mùa mưa đến trễ hơn thường lệ nên cây măng cụt ít bệnh, lại ít mủ dẫn đến quả đạt đều, đẹp nên trái măng cụt có giá”. Đầu vụ, 1kg măng cụt chỉ có giá khoảng 10.000 đồng. Nhưng đến giữa vụ, giá nhích lên đến 18.000 - 20.000 đồng/kg măng cụt loại ngon mua sỉ tại vườn. Đến cuối vụ, 1kg măng cụt Lái Thiêu loại tốt nhất có giá lên đến 40.000 đồng/kg.

Việc những hộ dân có diện tích vườn từ 0,1 ha trở lên sẽ được hỗ trợ 20% phân bón và thuốc trừ sâu để hồi phục vườn cây và hỗ trợ 100% vốn mua cây giống trồng mới từ đầu... đã phần nào giải quyết những khó khăn, giúp bà con vững tâm phát triển loại cây đặc sản của địa phương.

Thanh Tuyền: Măng cụt “bén duyên”

Một ngày giữa tháng 6-2011, chúng tôi có dịp đặt chân đến vườn cây măng cụt của ông Phạm Văn Hơn, ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền và không khỏi ngạc nhiên trước vườn cây măng cụt sai trĩu quả của ông. Thực ra, cây măng cụt đã có mặt tại xã Thanh Tuyền từ hơn 20 năm trước. Đầu tiên, lão nông Tô Thời Mến đã mang 5 cây măng cụt từ chính vườn cây Lái Thiêu về trồng trong vườn nhà. Sau đó, người dân ở xã này tận mắt chứng kiến sự tốt tươi của cây măng cụt trong vườn nhà ông Mến và bắt đầu trồng rộng rãi. Không ngờ sau đó, cây măng cụt Thanh Tuyền phát triển ngày càng mạnh mẽ. Giờ thì toàn xã đã có hơn 100 ha chuyên canh và xen canh cây măng cụt. Một con số thực sự rất ấn tượng!

Tuy chỉ mới phát triển được vài năm nhưng cũng có nhà vườn thu hoạch được số tiền hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Ông Phạm Văn Hơn trồng 60 gốc măng cụt được 7 năm, thì mùa vừa rồi mỗi gốc cho năng suất 30kg. Làm một phép tính nhẩm đơn giản: mùa vừa rồi ông thu được 1,8 tấn măng cụt, ước đạt 40 triệu đồng... Còn nhiều cái tên khác vừa trúng vụ măng cụt ở Thanh Tuyền như anh Trần Văn Đức bán trái cả vườn hồi tháng 4-2011, thu 17 triệu đồng (25 gốc); ông Nguyễn Văn Tỵ trồng 300 gốc và thu hoạch “trái chiến” mùa rồi sơ sơ cũng được 1 tấn măng cụt... Đó thực sự là những con số quá ấn tượng nếu biết rằng cây măng cụt Thanh Tuyền chỉ mới góp mặt trên thị trường trái cây 1 - 2 năm gần đây. Ấn tượng hơn, bởi diện tích cây măng cụt chỉ mới được thay thế từ những vùng đất trồng lúa, đất vườn tạp... không hiệu quả và thiếu những lối thoát thích hợp trong việc trồng cây nông nghiệp.

Chất lượng của cây măng cụt Thanh Tuyền cũng đã được kiểm chứng: tại Hội thi trái cây ngon - an toàn Nam bộ lần III-2011, măng cụt do ông Huỳnh Văn Sang (ấp Rạch Kiến) đại diện cho xã Thanh Tuyền đã vượt mặt các thương hiệu măng cụt khác đến từ Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Huế và cả... măng cụt Lái Thiêu để được vinh danh ở giải nhất. Đó là minh chứng cho chất lượng trái cây măng cụt Thanh Tuyền nói riêng và măng cụt Bình Dương nói chung.

Cần phát triển bền vững

Để nâng cao giá trị thương phẩm cho loại trái cây đặc sản này, năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương đã triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể măng cụt Lái Thiêu”, thời gian 3 năm (2010-2013). Ngành nông nghiệp địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về việc phát triển cây măng cụt tại các phường men theo sông Sài Gòn. Cũng từ đề án trên, Hội Nông dân xã An Sơn được chọn là cơ quan tổ chức đăng ký nhãn hiệu “Tập thể măng cụt”. Đến tháng 4-2011, HTX Nông nghiệp An Sơn được thành lập với 11 thành viên và 16 ha vườn. Chức năng chủ yếu của HTX là mua bán trái cây, làm dịch vụ du lịch và phát triển nuôi cá kiểng. Trong đó, lấy thế mạnh nông nghiệp của An Sơn hiện nay có nhiều vườn cây ăn trái lâu năm để hướng đến phát triển du lịch sinh thái. HTX cũng phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ bà con nông dân về khoa học kỹ thuật phân bón, cách bảo quản măng cụt sau thu hoạch, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ bà con xã viên vay vốn ưu đãi... Tuy được những kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng để phát huy thương hiệu măng cụt địa phương vẫn còn là một lộ trình phức tạp.

Trong khi đó, dù đã có diện tích măng cụt khá lớn nhưng hầu hết các vườn cây hiện có của Thanh Tuyền đều là do các nhà vườn tự phát để phát triển. Do đó, UBND huyện Dầu Tiếng cũng đã chỉ đạo xây dựng dự án quy hoạch nơi này thành vùng chuyên canh cây măng cụt gắn liền với du lịch sinh thái.

Trong niềm vui của sự chuyển sinh cây măng cụt thì vẫn còn đó nỗi lo tiềm ẩn, không đơn thuần chỉ là nỗi lo thương hiệu, giá cả, mất mùa... mà là nỗi lo chung về vấn nạn môi trường. Sự ô nhiễm nguồn nước thải do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa được coi là nguyên nhân chính dẫn tới sự đi xuống của cây măng cụt Lái Thiêu trong nhiều năm trở lại đây.            

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên