Hiện lao động nữ trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 50% tổng số lao động. Chăm lo sức khỏe sinh sản (SKSS) cho nữ công nhân lao động (CNLĐ) là một trong những nhiệm vụ được các ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện...
Nữ CNLĐ được nhân viên Trung tâm Y tế TP.Thuận An tư vấn về ung thư và sức khỏe sinh sản
Tư vấn trực tiếp tại khu phố
Do điều kiện công việc và cuộc sống, một số nữ CNLĐ chưa quan tâm đúng mức đến SKSS và cho rằng SKSS chỉ đơn thuần là việc sinh con, duy trì giống nòi. Trong khi đó, chăm sóc SKSS lại là tổng thể các vấn đề liên quan đến đời sống con người. Thấu hiểu tâm tư của nữ CNLĐ, vừa qua, các ngành đoàn thể, địa phương tại TP.Dĩ An đã tổ chức các hoạt động lồng ghép truyền thông SKSS cho nữ CNLĐ trên địa bàn.
Ngày cuối tuần tại khu phố Tân Phước, phường Tân Bình có rất đông nữ công nhân nhà trọ đến tham gia buổi truyền thông SKSS do Hội LHPN TP.Dĩ An, Hội LHPN phường, Trạm Y tế phường Tân Bình phối hợp thực hiện. Đa phần chị em đến với buổi tư vấn còn rất trẻ, có chị đã lập gia đình, đã từng sống thử nhưng lại thiếu kiến thức về SKSS, kế hoạch hóa gia đình nên ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống. Thực tế có trường hợp chị em công nhân sử dụng thuốc tránh thai vô tội vạ, không có chỉ định của bác sĩ nên ảnh hưởng đến nội tiết tố, hạn chế sự phát triển và rụng trứng, nghiêm trọng hơn phải đối mặt với tình trạng vô sinh.
Chị Nguyễn Thị Thùy, công nhân thiết kế thời trang phụ kiện, quê tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Công việc ở nhà máy luôn diễn ra hối hả lại xa gia đình, thiếu tình cảm nên nhiều nam nữ công nhân thuê phòng trọ sống chung trước hôn nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết bảo vệ SKSS cho bản thân nên nhiều trường hợp đã phải nhập viện”.
Chị Lê Thị Bình, công nhân Công ty TNHH May mặc LC (phường Tân Bình) chia sẻ: “5 năm trước tôi làm ở công ty gỗ, mang thai nhưng không may bị hư thai ở tuần thứ 4 của thai kỳ. Nghĩ không có gì nghiêm trọng nên tôi vẫn đi làm bình thường mà không biết rằng mình có quyền được nghỉ dưỡng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội nếu bị sẩy thai dưới 5 tuần tuổi”. Chính sự thiếu hiểu biết đó đã khiến chị Bình quyết tâm tìm hiểu các kiến thức về SKSS. Bất kỳ đơn vị, đoàn thể nào tổ chức truyền thông các quy định pháp luật, truyền thông sức khỏe ở địa phương là chị tham dự. Qua việc tham gia các buổi tuyên truyền, hiện nay chị Bình đã hiểu rõ và nắm chắc các quy định, chế độ của lao động nữ trong Luật Lao động.
Tại buổi truyền thông, ngoài việc tư vấn SKSS, chị em công nhân trong khu phố Tân Phước còn được tư vấn về dinh dưỡng trước, trong và sau khi mang thai.
Nỗ lực chăm lo cho nữ công nhân lao động
Với hơn 80% là lao động nữ, Công ty TNHH Giày Vĩnh Nghĩa (phường Hòa Lợi, TP.Bến Cát) luôn quan tâm, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các chị em. Ông Tiger Cheng, Giám đốc Công ty Giày Vĩnh Nghĩa, khẳng định: “Công ty thực hiện tốt các chế độ hỗ trợ cho lao động nữ. Khi mang thai, lao động nữ sẽ được các xưởng trưởng bố trí, chuyển sang làm các công việc nhẹ hơn. Đối với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì không phải tăng ca, được về sớm hơn 1 giờ”.
Tương tự, Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (TP.Tân Uyên) cũng quan tâm chế độ cho nữ công nhân. Hàng năm, công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS. Nhờ đó, các chị em được trang bị những kiến thức bổ ích liên quan đến SKSS và cách chăm sóc hiệu quả.
Cùng với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức chăm lo sức khỏe cho nữ CNLĐ, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và Sở Y tế cũng phát huy vai trò trụ cột của mình. Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ, hàng năm LĐLĐ tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người lao động, trong đó có chăm sóc SKSS cho nữ CNLĐ.
“Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh, Công ty Cổ phần Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường triển khai rộng khắp chương trình tầm soát miễn phí ung thư cổ tử cung bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho nữ CNLĐ. Đây là phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung mới được triển khai giúp nữ CNLĐ tiếp cận miễn phí các dịch vụ chăm sóc SKSS chất lượng. Trước đó, LĐLĐ tỉnh còn chỉ đạo, định hướng các cấp công đoàn cơ sở đưa kiến thức về chăm sóc SKSS vào sinh hoạt định kỳ công đoàn; vận động người sử dụng lao động tạo điều kiện để nữ CNLĐ tiếp cận kiến thức SKSS, kế hoạch hóa gia đình”, ông Đạt nói.
KIM HÀ