Để thích nghi với việc diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp, gia đình chị Võ Thị Thu Hương (ấp Mỹ Hảo 1, xã Chánh Mỹ, TX.TDM) đã tự tìm hướng chuyển đổi từ nghề nông truyền thống sang mô hình nuôi cá dĩa theo quy mô hộ gia đình.
Chị Hương bên những bể cá dĩa của gia đình
Do ban đầu có ít vốn nhưng vì đam mê với nghề nuôi cá kiểng mà gia đình chị Hương đã mạnh dạn đầu tư nuôi những bể cá dĩa đầu tiên. Từ 1 triệu đồng tiền mua cá giống ban đầu với 4 cặp, lâu dần bầy cá lớn và tự tách cặp làm cá đẻ đã nâng số bể cá của chị từ 1, 2 bể lên thành 20 hồ lớn (khoảng 300m2), 10 hồ nhỏ (200m2) và 12 cặp cá đẻ. Chị Hương đã tự mày mò cách thức nuôi cá dĩa qua sách báo, mạng internet và “học lỏm” từ những người đi trước.
Nói về kỹ thuật nuôi cá dĩa với hơn 3 năm kinh nghiệm trong nghề chị Hương cho biết, cá dĩa là loài cá khó tính nên quá trình nuôi đòi hỏi sự cẩn thận và chu đáo. Nguồn nước là khâu quan trọng đầu tiên - bởi nó quyết định đến sự sống còn của loại cá này. Nước cần kiểm tra độ pH bằng thuốc thử do nguồn nước hay bị nhiễm phèn hoặc chứa clo, cứ 100 lít nước thì cho thêm mấy thìa muối ăn. Trong bể, cần trang trí những vật liệu như hốc đá, gốc cây cho phù hợp với môi trường tự nhiên của cá dĩa. Mặt khác, môi trường nước để nuôi cá phải được theo dõi hàng ngày để tránh sự thay đổi nhiệt độ của nguồn nước do thời tiết, bể cá phải được thay nước hàng ngày vào một giờ cố định để cá quen dần với thói quen đó. Thức ăn cho cá do chị tự chế biến từ tim bò xay nhuyễn rồi trộn với thuốc tảo, vitamine, chất kết dính ép thành bánh rồi trữ lạnh để sử dụng trong nhiều ngày, lượng thức ăn cho cá phải vừa phải, không để dư. Ngoài ra, chị còn nuôi thêm trùn quế, vừa lấy làm nguồn thức ăn nuôi cá, vừa nhân rộng để bán kiếm thêm thu nhập.
Qua tham gia hội nuôi cá kiểng, tìm kiếm thông tin trên mạng internet cũng như qua trải nghiệm thực tế, chị rút ra kinh nghiệm phòng trị bệnh cho cá nhờ kiểm soát tốt nhiệt độ, cung cấp đủ lượng ôxy nên cá không bị mắc các chứng bệnh về mang. Hiện, mỗi cá con cỡ 2cm chị bán với giá 30.000 đồng/con. Giống cá đẻ thì bán theo tùy màu sắc và chủng loại với giá trên 2 triệu đồng/cặp. Cho đến cuối tháng 10-2011 thì số lượng cá đẻ của chị đã tăng lên 20 cặp và cứ khoảng 5 - 6 ngày lại cho một lứa cá đẻ với số lượng khá lớn. Từ đó, giúp giảm tăng số lượng đàn, tiết giảm chi phí con giống nên hiệu quả mang lại khá cao. Mỗi năm chị xuất cá cho Hội Nông dân tỉnh một lần và đầu ra thường xuyên là bán cho các cửa hàng nuôi cá kiểng ở cả TP.HCM và Bình Dương.
Tuy nhiên, những khó khăn mà gia đình chị mắc phải đó là trong thời gian từ tháng 3 - 8 là khoảng thời gian cá đẻ tốt và nuôi nhanh nhất nhưng nguồn điện lại thường xuyên bị ngắt, rất khó khăn trong việc chăm sóc. Bên cạnh đó, đầu ra lại bấp bênh do cá dĩa là loài cá khó nuôi vì vậy việc bán cho các cửa hàng cũng phải tùy từng đợt mới xuất được nhiều hay ít. Hiện, do quy mô hồ nuôi còn nhỏ nên hàng năm số tiền mà anh chị thu về từ giống cá này ước khoảng 20 triệu đồng.
Nói về mô hình nuôi cá dĩa ở xã Chánh Mỹ, chị Nguyễn Kim Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, từ tháng 3-2007, khi có quyết định của UBND tỉnh về xây dựng 2 khu đô thị sinh thái và khu biệt thự nhà vườn Thanh Lễ mà sản xuất nông nghiệp phải chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị như: trồng rau màu, nuôi cá kiểng, hoa lan kiểng. Và gia đình chị Hương là một mô hình thí điểm trong những mô hình nông nghiệp đô thị đó. Để giúp đỡ nông dân thì nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh và thị xã cho vay là 15 triệu đồng/năm với lãi suất ưu đãi giúp người nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư nhân rộng.
THU THỦY