Giao dịch tại Maritime BankNăm 2010 vẫn còn nhiều khó khăn đối với nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam, đặc biệt với ngành ngân hàng (NH). Nhận thức được những thách thức này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần (NH TMCP) Hàng Hải (Maritime Bank) đã chủ động xây dựng các giải pháp mang tính chiến lược, qua đó đã đem lại kết quả kinh doanh rất khả quan. Nhân dịp công bố kết quả hoạt động 6 tháng, P.V Báo Bình Dương đã phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank về kết quả hoạt động cũng như giải pháp mà NH thực hiện hiệu quả...
- Xin ông cho biết đôi nét về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Maritime Bank?
- Tính đến thời điểm 30-6, Maritime Bank đã đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Lợi nhuận hợp nhất trước dự phòng đạt hơn 766 tỷ đồng, sau trích lập dự phòng đạt gần 660 tỷ đồng, hoàn thành 55% kế hoạch năm, trong đó lợi nhuận từ tín dụng chiếm 25%; Tổng tài sản đạt 84.000 tỷ đồng (hơn 91% kế hoạch năm); Tổng huy động đạt gần 80.000 tỷ đồng, trong đó vốn huy động thị trường 1 đạt gần 53.000 tỷ đồng (đạt 110% kế hoạch năm). Cùng với việc chú trọng quản trị rủi ro, tỷ lệ nợ xấu luôn được kiểm soát ở mức dưới 1,5%.
- Theo ông, nguyên nhân nào để đạt được kết quả khả quan trên?
- Maritime Bank đã tiến hành đổi mới đồng bộ, toàn diện với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm cho mọi hoạt động nghiệp vụ của mình. Cụ thể năm 2010, Maritime Bank đã đầu tư mạnh cho việc nghiên cứu và đổi mới mô hình chiến lược dựa trên sự ứng dụng một cách sáng tạo các mô hình thành công nhất trên thế giới vào thị trường Việt Nam. Sau khi triển khai, mô hình kinh doanh mới đã thể hiện rõ hiệu quả hoạt động. Các chỉ tiêu về huy động vốn, dư nợ tín dụng, số lượng khách hàng đều có bước tăng trưởng quan trọng và mức độ hài lòng của khách hàng tăng lên đáng kể.
Dựa trên cơ sở mô hình kinh doanh mới, Maritime Bank đã đẩy mạnh nhiều giải pháp phát triển về chiều sâu như chuẩn hóa tổ chức bộ máy, tạo ra tính đồng bộ và hướng đến việc hoàn thành chiến lược kinh doanh chung trong công tác quản lý và tác nghiệp của các đơn vị trên toàn hệ thống. Cùng với tiến trình đó, để gia tăng thuận tiện cho khách hàng, Maritime Bank đã đầu tư mạnh về công nghệ. Bằng việc mở rộng kết nối với hệ thống chuyển mạch VNBC thông qua Smartlink, thẻ ghi nợ nội địa của Maritime Bank có thể thực hiện được nhiều giao dịch tại hơn 6.500 ATM trên toàn quốc. Ngoài ra, Maritime Bank cũng đang đầu tư các hệ thống thu thập thông tin và tự động hóa, trợ giúp ra quyết định các khoản vay, xử lý tập trung hệ thống thanh toán...
- Năm 2010, Maritime Bank đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu với logo mới, ông cho biết rõ hơn về sự kiện này?
- Với mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đưa một hình ảnh Maritime Bank năng động, mới mẻ hơn đến với khách hàng, từ đầu năm 2010
Maritime Bank đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu với logo mới. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước chuyển mình tất yếu và toàn diện của Maritime Bank, từ định hướng kinh doanh mới đến diện mạo mới và phong cách mới. Với việc thay đổi chiến lược thương hiệu, Maritime Bank muốn khẳng định hơn nữa cam kết “Tạo lập giá trị bền vững”, không ngừng đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng nhằm đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng và cổ đông của NH. Đây cũng là khởi đầu cho những bước đi vững chắc hướng đến tương lai của Maritime Bank bằng một tâm thế hoàn toàn mới”. Bên cạnh bộ nhận diện thương hiệu mới, Maritime Bank cũng đã xây dựng lại toàn bộ hệ thống nội - ngoại thất ở tất cả các điểm giao dịch của Maritime Bank trên toàn quốc theo mô hình hiện đại, chuyên nghiệp, tạo cảm giác thoải mái, tiện lợi cho khách hàng khi đến giao dịch.
- Về vốn và mạng lưới của Maritime Bank hiện nay?
- Hiện nay, Maritime Bank đang tiến hành tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, đồng thời phát hành thêm 2.000 tỷ trái phiếu chuyển đổi; NH cũng vừa phát hành thành công 3.000 tỷ trái phiếu trung và dài hạn. Với những bước tiến nổi bật cả về mức độ tăng trưởng và chất lượng dịch vụ NH đã được nhiều DN lớn như Công ty Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF), Công ty Tài chính Cổ phần Sông Đà (SDFC), NH Phát triển Việt Nam (VDB), Công ty IBM Việt Nam... tin tưởng lựa chọn là đối tác chiến lược. Đầu năm 2010, Maritime Bank đã trở thành NH đầu tiên tại Việt Nam là thành viên liên kết của Sàn Giao dịch hàng hóa Singapore (Sicom). Về hệ thống mạng lưới, đến nay các điểm giao dịch của Maritime Bank đã gần đạt mốc 130 điểm, được đặt tại hầu hết trọng điểm kinh tế của cả nước. Các điểm giao dịch với những thay đổi đột phá về thiết kế không gian, phương tiện, phương thức giao dịch và cơ cấu nhân sự dựa trên sự nghiên cứu kỹ lưỡng tâm lý người tiêu dùng đã mang lại sự thuận tiện và tâm lý hài lòng thực sự cho khách hàng.
Với những kết quả đạt được và các giải pháp mang tính chiến lược, chúng tôi rất vững tin vào tốc độ tăng trưởng của Maritime Bank và mong muốn trở thành NH hiện đại, chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.
- Cám ơn ông
T.MINH (thực hiện)