Theo đánh giá của Tổng cục Dân số (Bộ Y tế): Sau 15 năm thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tuy có đạt được kết quả khả quan, giảm tỷ suất sinh thô, giảm tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên... nhưng lại nổi lên vấn đề bức xúc cần báo động đó là việc mất cân bằng giới tính khi sinh rất nghiêm trọng.
Tỷ số giới tính khi sinh (RSB) bình thường ở mọi quốc gia là 103-107 bé trai/100 bé gái, trung bình là 105. RSB cao có nghĩa là số bé trai sinh ra lớn hơn 107 so với 100 em gái. Năm 2000, RSB của cả nước là 106,2 nhưng đến năm 2004 tỷ số này có chiều hướng ngày càng gia tăng và đến năm 2009 tỷ số này là 110,6. Riêng Bình Dương tỷ số này là 111,6. Trong đó có một số tỉnh có tỷ số RSB rất cao như Hà Tây (114,9), Bắc Ninh (122,1), Hải Dương (120,3), Hưng Yên (128,8), Bắc Giang (118,2), Thanh Hóa (122,2), đặc biệt có huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (160)... Nhìn chung, tỷ số RSB trên toàn quốc đã vượt quá mức bình thường.
Nếu tình trạng này tiếp diễn thì 15 - 20 năm nữa, chúng ta sẽ mất cân bằng về tỷ số giới tính một cách nghiêm trọng. Các nhà khoa học đã tính toán, đến thời điểm đó, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,5 - 3 triệu nữ giới, cũng đồng nghĩa với khoảng chừng đó nam giới Việt Nam không có cơ hội lấy vợ người Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ số giới tính khi sinh tăng, nhưng chỉ xin nêu những nguyên nhân chủ yếu đó là: Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các căp vợ chồng có thể đạt mục tiêu sinh con theo ý muốn. Y học hiện nay cho phép chúng ta có thể biết trước giới tính của trẻ thông qua siêu âm chẩn đoán giới tính trước khi sinh. Ở Việt Nam, nạo phá thai là hợp pháp và dễ dàng dùng siêu âm để chẩn đoán giới tính thai nhi và nạo phá thai nhằm lựa chọn giới tính mong muốn của cha mẹ.
Tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn khá nặng nề trong một bộ phận dân cư. Sự tồn tại dai dẳng của truyền thống ưa thích con trai vì có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên và chăm sóc cha mẹ già; có con trai phản ánh nam tính, người đàn ông hoàn thiện, có phúc, có lộc; vị thế của phụ nữ phụ thuộc vào khả năng “biết” đẻ con trai. - Chính sách dân số của Việt Nam hiện nay khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1 -2 con, cộng với tư tưởng trọng nam khinh nữ nói trên dẫn đến nhiều gia đình muốn sinh ít nhất là một con trai. - Môi trường sống ở một số địa phương như miền biển, miền núi cần có con trai mạnh khỏe để lao động sản xuất, gánh vác các công việc nặng nhọc.
Do có những quan niệm lệch lạc của người dân trong việc lựa chọn giới tính sẽ dẫn đến hậu quả về mất cân bằng giới tính trong tương lai. Do đó ngay từ bây giờ, các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội và ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về nguyên nhân, tác động xấu của việc mất cân bằng giới tính khi sinh; tuyên truyền phổ biến thực hiện nghiêm khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh Dân số về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Bao gồm cả nâng cao nhận thức của cán bộ y tế về hậu quả khôn lường của lựa chọn giới tính trước sinh và hiểu rằng hỗ trợ lựa chọn giới tính trước sinh là bất hợp pháp.
Tuyên truyền nâng cao vị thế của phụ nữ; tập trung tuyên truyền chuyển đổi hành vi dẫn đến loại bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, dân trí chậm phát triển; tuyên truyền về giá trị của trẻ em gái; tuyên truyền các gia đình chỉ có con gái nhưng biết nuôi dạy khéo vẫn thành đạt và hạnh phúc; về những tấm gương của những phụ nữ thành đạt trong xã hội. Ngoài ra, Nhà nước cần cải thiện các chính sách xã hội và khuyến khích phát triển các dịch vụ xã hội cho người già... Xem xét chính sách về nạo phá thai, nhất là phá thai sau 12 tuần. Quản lý và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dịch vụ y tế liên quan đến lựa chọn giới tính trước sinh. Xây dựng các chế tài hợp lý nhằm nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính trước sinh.
XUÂN QUỲNH