Mấy suy nghĩ về tính nhân văn trong báo chí ngày nay

Cập nhật: 21-06-2012 | 00:00:00

Cùng với tính chiến đấu, tính nhân văn trong mỗi bài báo đang ngày càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhất là báo in, tính nhân văn sẽ kéo độc giả lại gần hơn trong thời buổi khó khăn trước sự cạnh tranh quyết liệt của báo hình và báo điện tử.

Thời buổi bùng nổ thông tin và đặc biệt công nghệ số đang công bố những phát minh thần kỳ, báo in đang khó càng gặp khó khăn hơn. Xu hướng các nhà mạng và thậm chí cư dân mạng ít có ai dành thời gian, không gian cho những dòng văn tự kể lể, dài dòng. Từ ngữ phải toàn là thông tin, càng ngắn, càng chứa đựng nhiều thông tin, càng tốt. Số video clip đó còn rất nhiều hạn chế, cả về số lượng cho đến những ngõ ngách đời sống của con người. Về khía cạnh này báo in hoàn toàn có thể tuyên chiến với các loại hình báo khác. Để làm được điều này, những người làm báo in phải thật sự biết nung nấu ý chí cũng như lao động cần cù hơn để chuyển tải hết những nẻo khuất của cuộc đời, của số phận mỗi con người để cây đời có thể xanh tươi trở lại.

 Phóng viên các cơ quan báo chí đang tác nghiệp tại lễ ký kết hợp tác giữa tỉnh Bình Dương và Bình Định (Ảnh: M.Dân)Trong thời buổi ngày nay, lướt trên web cư dân mạng không khó tìm gặp những cảnh đời trớ trêu, “đồng liền đi liền khúc ruột”, “huynh đệ tương tàn,” “nồi da xáo thịt”... hay những nghịch cảnh minh chứng đạo đức đang xuống cấp, tụt dốc không phanh.

Nhưng phía sau hoàn cảnh đó là gì, ai nghe thấy, ai biết, ai chia sẻ, ai thấu hiểu. Trong mỗi con người chắc chắn đâu đó còn bản năng, suy nghĩ con người. Ai sẽ đánh thức, chia sẻ. Báo chí, nhất là báo in nếu làm tốt điều này có thể nói đã thành công lớn trong công cuộc vun đắp giá trị nhân văn, một giá trị văn hóa vô giá đối với xã hội hay bất kỳ quốc gia nào.

Trở lại với báo chí thực tại, nhiều tờ báo, bài báo đang được độc giả hết sức hoan nghênh về khía cạnh nhân văn này. Vừa chiến đấu với cái xấu, cái tồn tại đang vấy bẩn xã hội, nhưng vừa hướng đến giá trị, phẩm hạnh của con người đánh thức cái chân, cái thiện, cái mỹ vốn có trong bản thân mỗi con người.

Có thể nói, chuyển tải những giá trị này, các thể loại phóng sự và ký sự pháp đình, các bút ký, ghi nhanh đang được các nhà báo khai thác mạnh và gặt hái rất nhiều thành công. Chính vì vậy những tờ báo đang tồn tại đứng vững cũng là những tờ báo đang mạnh về thể loại này.

Đối với các tờ báo địa phương như Bình Dương chẳng hạn, tính chiến đấu ở góc độ nào đó chưa cao. Và dù còn hạn chế nhưng một số nhà báo đang có những nỗ lực bồi đắp, xây dựng giá trị tốt đẹp của con người và xã hội. Đây là những tín hiệu tích cực ban đầu cần được lãnh đạo quan tâm, định hướng mạnh mẽ. Tính nhân văn phải được thể hiện không chỉ ở các mặt của đời sống xã hội, trên những thể loại, thể tài báo chí mà còn thể hiện trên những hình ảnh, chú thích ảnh.

Trong một đợt tập huấn tại Hà Nội, giáo sư Clas Thor - một trong những giáo sư có ảnh hưởng lớn trong hợp tác nâng cao chất lượng báo chí Việt Nam do Tổ chức Sida- Thụy Điển tài trợ có nói với chúng tôi, ông vô cùng ngạc nhiên khi báo chí Việt Nam dễ dàng cho đăng tải hình ảnh những con người mà họ còn có khả năng đóng góp cho xã hội lên mặt báo. Khi đưa ra quan điểm này, có nhiều quan điểm, ý kiến của các nhà báo từ Bắc chí Nam tranh luận với nhau, có người bảo đó là cách răn đe để ngăn cản họ và những người khác vi phạm pháp luật. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại cho rằng cần cho họ một cơ hội mới để làm lại cuộc đời. Trong 2 quan điểm này giáo sư Clas Thor ủng hộ quan điểm thứ 2 và ông cho biết báo chí phương Tây đang áp dụng. Chỉ những đối tượng khó có thể cải tạo họ mới đăng hình ảnh trên mặt báo, riêng những người còn có ích cho xã hội hãy tạo cơ hội cho họ. Điều chúng tôi muốn nói, việc phát hành hay đăng tải hình ảnh một con người vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội phải hết sức cân nhắc, tránh tình trạng chôn vùi đi ước mơ, khát vọng của những con người còn nhiều hữu ích.

Nói chung, ngày nay đối với tờ báo địa phương cùng với tính chiến đấu không thể bàn cãi, tính nhân văn cần được các nhà báo quan tâm sâu sắc trên mọi khía cạnh. Các cấp lãnh đạo và ban biên tập cần tạo điều kiện tốt nhất, nhất là công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng con người văn minh đô thị thì tính nhân văn trong mỗi bài báo càng có vai trò cấp thiết.

VÕ HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=447
Quay lên trên