Mấy suy nghĩ về “viết cho ai?”

Cập nhật: 22-06-2010 | 00:00:00

Xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một câu hỏi lớn, luôn trăn trở trong tâm trí của người làm báo nói chung hiện nay: “Viết cho ai?”. Hồ Chí Minh, Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam, câu hỏi “viết cho ai” được đặt ra như nội dung đầu tiên trong tư tưởng về sáng tạo báo chí. Từ “viết cho ai” mới xác định “viết để làm gì?”, “viết như thế nào?”. Và ngày nay viết để làm gì, phải được đặt lên hàng đầu, đội ngũ phóng viên không ngừng lao động, sáng tạo phải trả lời câu hỏi lớn đó.

Có thể nói, nghề báo là một loại hình nghề nghiệp đặc thù với nhiều cách sáng tạo khác nhau. Nhưng dù phong cách làm báo có đa dạng đến đâu, báo chí có phát triển như thế nào, đa dạng như thế nào đi chăng nữa thì với mỗi người cầm bút, khi viết một bài báo, đều phải trả lời cho được câu hỏi: đối tượng tác động của báo chí là ai? Có giải đáp đúng câu hỏi này thì bài viết mới có hiệu quả, thông tin mới “đúng”, “trúng” và “hay”...

Theo Thạc sĩ Đỗ Chí Nghĩa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong lý luận cách mạng Hồ Chí Minh, vấn đề “quần chúng nhân dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mang” đã trở thành  một nguyên lý xuyên suốt. Quần chúng nhân dân là đối tượng tác động, đối tượng phục vụ chủ yếu của báo chí đó là sự xác định dứt khoát, thể hiện tính chất tiến bộ, mới mẻ của nền báo chí cách mạng, nền báo chí nhân dân.

Phóng viên Báo Bình Dương đang xử lý tin, bài

Viết cho người dân đọc và viết về quần chúng, đó là hai nội dung mà người làm báo ở Bình Dương nhận thức rất rõ. Rất nhiều nhà báo trẻ của Bình Dương không ngại gian khó, nguy hiểm lao động miệt mài mong có những bài báo đặc sắc nhất để được quần chúng nhân dân chấp nhận. Có lẽ đây là một tiêu chí đòi hỏi người làm báo phải không ngừng rèn luyện, “đi sâu vào thực tiễn, gắn bó với cuộc sống đang biến chuyển mạnh mẽ”. Nhưng quần chúng không phải là đối tượng chung chung; bạn đọc của mỗi chuyên mục của tờ báo có đặc thù riêng, nhu cầu, trình độ và sở thích riêng. Do đó, muốn làm tốt nhiệm vụ của mình, nhà báo phải xác định được đối tượng chính để tờ báo hướng tới phục vụ.

Bản chất của báo chí Bình Dương là gắn bó với nhân dân Bình Dương, phản ánh đầy đủ sự nghiệp cách mạng của nhân dân Bình Dương. Nhưng bản chất này cần nhiều sáng tạo trong thể hiện, đổi  mới trong phong cách. Cơ sở đầu tiên để đạt đến điều đó chính là sự đa dạng về đối tượng phục vụ: đa dạng các chuyên mục, phục vụ được những đối tượng khác nhau: thanh niên,  phụ nữ, nông dân, đảng viên... mỗi chuyên muc phải thể hiện rõ những sắc thái riêng. Những sắc thái của mỗi chuyên mục tờ báo sẽ là chất gắn kết, tạo dựng mối quan hệ mật thiết giữa báo chí và những công chúng chủ yếu của mình.

Theo ông Nghĩa đối tượng phục vụ của báo chí là quần chúng nhân dân, tư tưởng Bác đồng thời nhấn mạnh vai trò tham gia, tác động ngược trở lại của quần chúng với báo chí. Quần chúng không tiếp nhận báo chí một cách thụ động, mà trái lại, với tư cách của những người sáng tạo ra lịch sử, họ tham gia trực tiếp và giao tiếp vào việc sáng tạo báo chí.

Cũng theo ông Nghĩa, Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí đã thể hiện rõ nét “tính nhân dân”, “tính quần chúng” của báo chí cách mạng. Từ thực tiễn sinh động của sự nghiệp cách mạng do nhân dân làm chủ, báo chí tìm thấy chất liệu, tư liệu để phản ánh và nhân dân cũng có thể tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo, “tự do bày tỏ ý kiến của mình, tự do phê bình trên báo chí”. Báo chí phục vụ nhân dân ở mức cao nhất khi nó trở thành một diễn đàn đầy đủ, thuận lợi để nhân dân thể hiện tính dân chủ trong đời sống, khẳng định vai trò làm chủ của nhân dân lao động trên mọi mặt xã hội. Nhân dân có vai trò to lớn trong sự nghiệp báo chí cách mạng, bởi ngoài việc cung cấp thông tin, quần chúng nhân dân còn là “lực lượng tham gia xây dựng, ủng  hộ, phát  hành báo chí”. Quan điểm về một nền báo chí mang tính nhân dân của Hồ Chí Minh vưa là sự kế thừa những tư tưởng báo chí vô sản của chủ nghĩa Mác  - Lênin, vừa là sự đúc kết sáng tạo trong hoàn cảnh cụ thể báo chí cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, với kinh nghiệm của một nhà báo bậc thầy, Người đã truyền tải những nguyên lý cơ bản đó thành khẩu hiệu hành động cụ thể, thiết thực. Xác định rõ đối tượng phục vụ là quần chúng nhân dân, mỗi nhà báo phải tự  tìm cho mình con đường phấn đấu, làm việc cho hiệu quả, mà trước  hết là “gắn bó với nhân dân”, “học lời ăn, tiếng nói của nhân dân”, phản ánh thực tiễn lịch sử do nhân dân làm ra một cách kịp thời, chính xác..

 Báo chí Bình Dương phải dựa vào nhân dân, vì quần chúng nhân dân vừa là người cung cấp thông tin, vừa là người thẩm định giá trị và hiệu quả đích thực của tác phẩm. Quần chúng nhân dân cũng tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo báo chí thể hiện tâm tư, trí tuệ của mình, làm nên sự đa dạng của báo chí Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng.

Báo chí Bình Dương dần dần có vai trò to lớn trong việc tác động vào đời sống, hình thành dư luận xã hội. Nhưng báo chí Bình Dương cũng như báo chí cả nước là một “kênh” để những lực lượng đối địch thu thập thông tin nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng. “Giữ bí mật” là một yêu cầu sống còn, thể hiện trách  nhiệm và bản lĩnh của người làm báo. Thông tin hay, chính xác, kịp thời, nhưng không được để kẻ địch lợi dụng chống phá ta. Mặt khác, báo chí cũng phải góp phần tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về sự nghiệp cách mạng, về dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn tiến bộ trên thế giới.

Không phải ngẫu nhiên Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi nhà báo cũng phải là một nhà chính trị “chính trị phải làm chủ; chính trị đúng thì mọi việc mới đúng”. Xác định đúng đối tượng tác động của báo chí, bên cạnh kinh nghiệm nghề nghiệp còn phải cần đến tư duy chính trị sâu sắc “hiểu người, hiểu ta”. Đối tượng phục vụ chủ yếu của báo chí là quần chúng nhân dân, nhưng báo chí cũng cần làm tốt hoạt động đối ngoại, vì đó cũng là xuất phát từ quyền lợi chính đáng của nhân dân, của sự nghiệp cách mạng..

Trong bối cảnh hiện nay, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là bài học thấm thía với những người làm báo cách mạng chúng ta. Báo chí trước hết phải vì nhân dân, tác động vào đông đảo công chúng trong xã hội. Báo chí thực sự là diễn đàn thể hiện tâm tư, tình cảm, trí tuệ của quần chúng nhân dân; nhà báo phải gắn bó với thực tế đời sống, không được né tránh những vấn đề nảy sinh từ đời sống, mà phải phản ánh và  lý giải nó.

Bài  học “vì ai mà viết”, “viết cho ai xem” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở là hành trang quý giá cho mỗi nhà báo khi bước vào nghề. Đó cũng là nguyên tắc “gần dân”, “vì dân” của người can bộ cách mạng chân chính.

QUANG HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên