Mây, tre xuống phố

Cập nhật: 22-03-2012 | 00:00:00

Buổi trưa nắng nóng, đặt cái chõng tre ngay căn nhà phố để nghỉ trưa cũng có cái thú như là được về với tuổi thơ, được ngủ chõng tre dưới rặng tre xanh của làng quê một thuở... 

Khởi nghiệp từ niềm đam mê

Thời gian gần đây, có nhiều cửa hàng bán đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ làm từ mây, tre, lá. Nếu như trước đây, các mặt hàng này chủ yếu làm để xuất khẩu thì nay người làm đã tìm được đầu ra thông qua các chủ doanh nghiệp đam mê với nghề đan lát này. Trên đại lộ Bình Dương đoạn đi qua Chánh Mỹ, TX.TDM có nhiều cửa hàng bày bán hàng mây, tre với đủ thứ sản phẩm để khách hàng dễ chọn mua. Qua kênh phân phối này, cơ hội kiếm tiền của thợ thủ công ở TX.TDM, Bến Cát, Tân Uyên... cũng dễ dàng hơn trước đây. 

Chị Bích giới thiệu các mặt hàng mây tre mỹ nghệ

Anh Trịnh Đình Ngọc, SN 1974, quê Thanh Hóa cùng vợ là Lê Thị Bích, SN 1975, là một trong những ông bà chủ trẻ kinh doanh mặt hàng này. Anh Ngọc cho biết: “Tôi quê Thanh Hóa, vào Nam lập nghiệp và lấy vợ người Bình Dương. Ban đầu cũng làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Gần 2 năm nay chuyển sang kinh doanh hàng mây, tre, lá. Tôi chọn nghề này là vì đam mê và còn vì đã trót... gắn với nghề đan lát từ nhỏ”.

Anh Ngọc kể, hồi nhỏ anh thường thấy ông và ba mình đan từng cái rổ rá bằng tre để dùng. Mà không riêng anh, những ai xuất thân từ những ngôi làng Việt đều thương nhớ đôi “triêng gióng” (quang gánh) của mẹ cũng làm từ mây, tre. Cái đòn gánh tre kĩu kịt trên vai mẹ đã “chở” biết bao giấc mơ tuổi thơ của những đứa trẻ khi mẹ đi chợ về. Riêng anh Ngọc, anh “mê những thứ giản dị mà đẹp đẽ” được đan bằng mây, tre hay thân lục bình phơi khô. Từ chuyện đam mê này mà anh đi khắp các cơ sở mây, tre, lá của quê vợ để xem người ta làm ăn như thế nào rồi bàn với vợ mở cơ sở kinh doanh Ngọc Bích, tên hai vợ chồng ghép lại làm tên doanh nghiệp.

Hàng mây, tre rất phong phú về kiểu dáng và giá khá bình dân. Đắt nhất là salon mây có giá vài triệu đồng/bộ tùy loại, còn lại hàng gia dụng chỉ từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn. Bộ salon tre có giá 700.000 đồng; bàn ghế tre với 4 ghế, bàn nhỏ rất hợp cho một bữa uống trà, cà phê cùng bạn bè có giá 350.000 đồng/bộ. Nôi tre cho em bé 150.000 đồng/chiếc. Lồng đèn trang trí, rổ rá, thùng đựng gạo... khoảng vài chục ngàn đồng mỗi món. Giỏ xách làm bằng lục bình với kiểu dáng rất đẹp có giá vài chục ngàn đến 100.000 đồng/chiếc. Khách du lịch thường chọn mua những thứ nho nhỏ, xinh xinh này về làm quà tặng. Đồ chơi cho bé gái thì có đủ thứ, tha hồ chọn, từ rổ rá, đôi gióng, đòn gánh nhỏ... được làm rất công phu và rất dễ thương. Tất tần tật những thứ dụng cụ nhà bếp lâu nay bà nội trợ quen mua bằng nhựa cũng có thể thay thế bằng vật liệu mây, tre...

 

Thị trường rộng

Những người kinh doanh mặt hàng thủ công từ mây, tre, lá cho biết thời gian đầu họ cũng “mất ăn mất ngủ” vì lo lắng! Lo lắng là vì đồng vốn bỏ ra liệu có thu hồi được không? Rất may là vẫn còn đó rất nhiều người hoài cổ, thích sự thanh tao, đơn giản của mây, tre. Bắt đầu là những người yêu tre, gắn bó với tre từ nhỏ nay có điều kiện “đi mua cho thỏa mong ước”; đến các quán cà phê, nhà hàng chọn để bài trí. Rồi đơn đặt hàng của Đài PT-TH các tỉnh, thành và những công ty tổ chức sự kiện. “Nhà đài” mua đồ tre là để làm đạo cụ, khung cảnh cho những vở kịch truyền hình, cải lương thể hiện cảnh nhà quê. Cả người làm nghề lẫn người bán đều vui mừng khi có đầu ra và họ cùng thi đua với nhau để có những mẫu mã đẹp, phong phú kiểu dáng cho khách hàng lựa chọn. Khi tôi đi tìm hiểu để viết bài này, chị Bích cũng vui mừng báo tin là đang đón xe khách gửi bàn, ghế mây, tre và nhiều “đạo cụ” khác cho Đài PT-TH Đắc Nông. Nhiều cơ quan của các tỉnh Bình Phước, Đắc Lắc... cũng đặt hàng mỹ nghệ với mỗi đơn hàng lên đến vài ba chục triệu đồng.

Khách mua là người nước ngoài chiếm phần lớn doanh thu của những cửa hàng bán hàng mây, tre, lá. Ông Kawasaki, một thương gia người Nhật cho biết ông từng “mê” bánh xe bò ở Vĩnh Phú, TX.Thuận An và nay “đến lượt” mê hàng mỹ nghệ mây, tre, lá. Ông đã trầm trồ mê mẫn trước những chiếc xe quay nước bằng tre mà theo ông, đặt bên bánh xe bò để bài trí khung cảnh nhà vườn thì đẹp và nên thơ lắm! Thế nên ông đã đặt hàng tại cơ sở Ngọc Bích với 100 chiếc xe nước có đơn giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/chiếc. Chị Bích khoe thêm: “Vài ngày nữa chúng tôi giao hàng cho ông khách người Nhật này và thợ thủ công ở các cơ sở tại Bến Cát đang làm cật lực cho kịp thời gian trong hợp đồng”.

Một chuyên gia người Đức làm việc tại thị trấn Mỹ Phước (Bến Cát) có nhà ở Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) cũng mê mẫn các mặt hàng mây, tre và “cho chở một xe đủ các món về nhà”. Ông cho biết ngồi ghế tre... mát hơn ghế gỗ! Ghế thì nhẹ, dễ di chuyển, muốn đặt đâu cũng được. Ông còn giới thiệu cho nhiều bạn bè cùng mua với lời giải thích: “Giá rẻ thế nên tuổi thọ vài ba năm là phù hợp rồi! Sau vài năm, mình lại đi mua bộ mới, mẫu mã đẹp hơn”... Giải thích cho “cái sự yêu” mây, tre, lá này, những ông khách ngoại quốc dí dỏm: “Chúng tôi ở nước công nghiệp phát triển và cảm thấy rất tù túng, chật chội trong những ngôi nhà “đóng” với quá nhiều tiện nghi đều là máy móc. Đất nước các bạn có tre, nứa, mây, lục bình để làm những mặt hàng gia dụng rất hay. Sử dụng các đồ vật làm từ mây, tre chúng tôi có cảm giác như được sống gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ... Các đồ vật ấy làm cho con người thấy thư thái, dễ chịu hơn”.

 “Đó cũng là cách đưa chúng ta về với thế giới trẻ thơ, với quê nhà”, một  chủ doanh nghiệp đã nói với chúng tôi như thế khi ông giới thiệu cái góc riêng của mình với bộ sưu tập mây tre, như: Bộ bàn ghế để ngồi uống trà, mấy cái ghế tre ngồi ngắm trăng sao... cho đến rổ rá con nít chơi bán hàng và cả cái nơm bắt cá! Riêng tôi thì mong ngày càng có nhiều người thích thú với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ mây, tre, lục bình hơn để những làng nghề truyền thống sống lại, để bà con mình có thể kiếm được tiền và để con người thấy hiền hơn khi sống với thiên nhiên, về với thiên nhiên...

 Theo anh Lê Quang Lợi, giáo viên trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương, ngày càng có nhiều người thích thú với hàng mỹ nghệ được sản xuất từ mây, tre, lá. Đồ nội thất từ mây, tre được nhiều chủ nhân chọn như một cách vừa sử dụng, vừa trang trí cho căn nhà của mình. Sản phẩm mây tre tạo cảm giác thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, làm cho không gian sống như ấm cúng hơn. Tuy nhiên, theo anh Lợi thì khi sử dụng các mặt hàng gia dụng làm từ mây, tre cần phối hợp sao cho hài hòa với khung cảnh xung quanh. Đồ nội thất làm bằng mây tre rất hợp với gốm đất nung, nhà rường nhưng lại khá chỏi nếu đặt bộ bàn tre trong một gian phòng gạch men, kiếng... bóng loáng! Với những ngôi nhà sang trọng, hiện đại, nếu chủ nhân “mê” mây, tre vẫn có thể làm cho mình một tiểu cảnh với cái chõng tre, bàn ghế mây, tre đặt dưới bóng mát vài gốc cây để ngồi uống trà, cà phê và nằm đọc sách. Cũng theo anh Lợi, đường hoa  Bạch Đằng xuân Nhâm Thìn vừa qua công ty của anh nhận thiết kế, thi công đã sử dụng nhiều nguyên vật liệu từ mây, tre. Cổng chào được dựng bằng tre và hoa làm cho không gian đường hoa trở nên duyên dáng hơn...

 

QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2768
Quay lên trên