Mấy vấn đề cần quan tâm trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch

Cập nhật: 29-11-2023 | 10:49:43

Trong nhiều cuộc họp bàn về công tác tư tưởng và tổ chức, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Kẻ thù chống phá ta nhiều mặt, nhưng tập trung nhất là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Chúng chọn đây là mũi đột phá, có sức lan tỏa, tác động nhanh nhất đến công chúng xã hội theo ý đồ thâm độc của chúng là lật đổ Đảng và chế độ ta”.


Trưng bày sách chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: dangcongsan.vn

Là một đảng viên lâu năm, hiện đang sinh hoạt chi bộ ở cụm dân cư, tôi nhất trí rất cao về chủ trương của Đảng ta là, cùng với việc đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, chúng ta cần tăng cường cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch. Song, để nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh, tôi thấy cần làm rõ mấy điểm căn cốt sau đây:

1. Thế nào là thông tin, quan điểm sai trái, thù địch? 

Tôi nêu vấn đề này, vì ở đây đó, có biểu hiện “vơ đũa cả nắm”, ai nói điều gì không thuận tai lãnh đạo thì dễ bị quy chụp là “người có quan điểm sai trái”, rằng “đã rập khuôn những thông tin sai trái”…

Theo tôi, thông tin sai trái là thông tin không đúng sự thật, trái với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đó là điều cần phải phê phán, uốn nắn những ai đã sử dụng các thông tin sai trái để tuyên truyền, quảng bá, thậm chí lồng ý kiến cá nhân với một động cơ chính trị vụ lợi, dùng thông tin sai trái biện minh cho quan điểm của mình, từ đó gây sức ép với Đảng, Nhà nước phải chấp nhận ý kiến của mình - đó là quan điểm sai trái, cần kiên quyết vạch trần, bác bỏ. 

Nhưng, quan điểm sai trái có các cấp độ khác nhau. 

Cấp độ thứ nhất: Có người khi truyền đạt đường lối, chủ trương, chính sách, khi phát biểu ý kiến thì tán đồng, nhưng khi triển khai công tác cụ thể thì làm ngược lại.

Cấp độ thứ hai: Trong truyền đạt nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, họ đã tranh thủ lồng quan điểm, ý kiến cá nhân, làm cho người nghe phân tâm, thậm chí gây hoang mang, dao động. 

Cấp độ thứ ba: Bên ngoài, họ có vẻ công nhận về cơ bản học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng, nhưng khi vận dụng vào thực tiễn, nói và viết thì họ phủ nhận hầu như toàn bộ thành tựu; chỉ tô đậm mặt yếu kém, tiêu cực trong quản lý, điều hành nền kinh tế cũng như các chủ trương, chính sách của chúng ta về đối nội, đối ngoại. 

Cấp độ thứ tư: Họ phủ định sạch trơn những giá trị lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ định toàn bộ thành tựu của chủ nghĩa xã hội; phủ nhận ý nghĩa to lớn của các cuộc kháng chiến chống xâm lược cùng các thành tựu của nhân dân ta trong đổi mới và hội nhập hiện nay. Họ dùng những thông tin đó nhằm chia rẽ, kích động cán bộ, đảng viên, tập hợp lực lượng để lật đổ Đảng và chế độ. Đó là thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.


Để chống lại các luận điệu xuyên tạc, các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị của ta luôn tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhiều tài liệu, sách chính luận và hình ảnh về cuộc đời, thân thế các lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.

2. Về con người có biểu hiện quan điểm sai trái, thù địch

Theo tôi, để phân loại các cấp độ biểu hiện khác nhau, cần phân loại các đối tượng để ta có đối sách đấu tranh, phân hóa, thuyết phục:

Loại thứ nhất: Không nghiên cứu hệ thống, nhưng lại tỏ ra hiểu “thiên kinh vạn quyển”. Khi viện dẫn lại cắt xén; trong truyền đạt, trò chuyện chỉ coi ý kiến mình là đúng; chỉ có cách diễn đạt của mình mới nói được bản chất chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Loại thứ hai: Chỉ nghe một chiều. Đặc biệt hiện nay, nhờ công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, họ chỉ đọc, xem trên mạng những luận điệu của các thế lực cơ hội, thù địch; từ đó, mang các thông tin trên mạng nói lại cho người khác nghe, không có phân tích, không có kiểm chứng. 

Loại thứ ba: Do bất mãn cá nhân, cố tình tung thông tin sai, hoặc xuyên tạc sự thật để “nói cho hả dạ”, lôi kéo những người xung quanh tán đồng với mình.

Loại thứ tư: Họ sử dụng thông tin sai trái vào mưu đồ chính trị với động cơ chính trị; muốn hình thành “ngọn cờ” để tập hợp lực lượng, ra đời một đảng đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. Để thực hiện bằng được động cơ chính trị đó, họ bất chấp sự thật, dùng đủ mọi cách để xuyên tạc, bôi nhọ, thậm chí dựng chuyện, vu cáo các đồng chí lãnh đạo cao cấp, nhằm vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù đã được cảnh báo, thuyết phục, nhưng họ vẫn “chứng nào tật ấy”, ngày càng có thêm những vi phạm nghiêm trọng buộc ta phải xử lý theo pháp luật. Họ đã đứng vào hàng ngũ của “thế lực thù địch”.


Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội luôn lợi dụng mạng xã hội làm công cụ để đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm sai trái, xuyên tạc

3. Về những nội dung cụ thể của luận điểm sai trái 

a. Về tư tưởng chính trị: 

Có mấy luận điểm quan trọng: 

1. Tập trung phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin; theo đó phủ định chủ nghĩa xã hội với các cấp độ khác nhau. 

Biểu hiện thứ nhất, họ cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin ngay từ đầu được vận dụng vào Việt Nam là đã “không phù hợp” vì các nhà kinh điển sáng tạo ra học thuyết này đã không nghiên cứu đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn trên toàn thế giới, cho nên nó “khập khiễng” từ đầu; do đó khi đưa vào Việt Nam là “không phù hợp”. Theo họ, chủ nghĩa Mác ra đời khi Mác - Ăng ghen chỉ nghiên cứu tình hình kinh tế, chính trị ở một số nước tư bản ở châu Âu, mà tập trung là ở Nga, Pháp, Đức và Anh. Hai ông chưa bao giờ đề cập “phương thức sản xuất châu Á”, mà trên thực chất, phương Tây và phương Đông rất khác nhau về thực tiễn kinh tế - xã hội. Cho nên không thể có một học thuyết nảy sinh từ phương Tây, lại đem áp dụng vào Việt Nam!

Biểu hiện thứ hai, trong sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản hiện nay, từ chỗ “không phù hợp”, chủ nghĩa xã hội đã thực sự tỏ ra “rất lạc hậu”, bởi từ khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thế giới không còn hai hệ thống tư bản chủ nghĩa đối lập với hệ thống xã hội chủ nghĩa. Vậy chủ nghĩa Mác - Lênin đâu còn nữa? Họ chứng minh, cho đến hôm nay, chỉ còn bốn nước mang danh là “xã hội chủ nghĩa”, như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, Cu Ba gặp quá nhiều khó khăn; còn Triều Tiên thì triền miên đói kém. Chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc có nhúc nhích, nhưng đang phải đương đầu với vô vàn thách thức. Từ thực tiễn ấy, họ quy chụp: nếu ai đó vẫn nói chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng thì đó là ảo tưởng. Họ còn khẳng định như dao chém đá: thực tiễn thế giới hiện nay đã chứng minh rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã cáo chung; theo đó, chủ nghĩa xã hội cũng đã cáo chung! Bằng chứng rõ nhất là Liên Xô và Đông Âu cùng lúc sụp đổ. Sự sụp đổ ấy là biểu hiện rõ nhất sự cáo chung của chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội (!). 

2. Từ phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, họ phủ định toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Theo cách lập luận của họ, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng một cách toàn diện những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin để xác định đường lối, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam thì khi chủ nghĩa Mác - Lênin - “cái gốc” đã đổ thì “cái ngọn” phải đổ theo! Đó là hệ quả tất yếu!

3. Về vấn đề dân chủ, họ cho rằng, không thể có dân chủ ở Việt Nam khi Đảng Cộng sản vẫn là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước và xã hội Việt Nam như Hiến pháp quy định. 

Lập luận của họ là: 

+ Thứ nhất, khi theo chế độ một đảng, tất yếu dẫn tới chế độ độc tài, độc trị và đã độc tài, độc trị thì không thể có dân chủ. Không có dân chủ, đất nước không thể phát triển. Các nước tư bản sở dĩ phát triển mạnh vì họ chú trọng mở rộng dân chủ.

+ Thứ hai, đã là độc đảng thì sẽ kéo theo độc quyền, tham nhũng… 

+ Thứ ba, là đảng độc quyền nên Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên vi phạm nhân quyền, ngăn cấm tự do ngôn luận, tự do báo chí. Họ tập trung kích động dư luận quốc tế lên án Việt Nam khi chúng ta xử lý những người chống lại Đảng, Nhà nước. Họ tố cáo đó là “cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến”. 

+ Thứ tư, họ đòi để đất nước này có dân chủ đích thực, phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. 

4. Về “nền kinh tế thị trường” định hướng xã hội chủ nghĩa: 

Họ bác bỏ hoàn toàn và cho rằng, đây là luận điểm mị dân, là sự thể hiện quyền lực của một nhóm người đang lãnh đạo đất nước, muốn nắm và chi phối toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Nếu đã chấp nhận kinh tế thị trường, mà lại gắn với “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì trên thực chất, Đảng đang tự mâu thuẫn với chính mình. Công nhận kinh tế thị trường là công nhận kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng gắn với “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì là sự khiên cưỡng, duy ý chí, khác chi “đầu Ngô mình Sở”, như nước với lửa, không thể dung hợp! Để đất nước phát triển, theo họ, dứt khoát Việt Nam phải xây dựng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và nên lấy mô hình lý tưởng nhất hiện nay là mô hình kinh tế Mỹ!

b.Về văn hóa: 

Họ khuếch trương cái gọi là “sự tiên tiến của văn hóa phương Tây” vì ở đó đề cao “cái tôi” cá nhân, đề cao dân chủ, nhân quyền. Còn ở ta thì khư khư bám lấy cái gọi là “truyền thống dân tộc”, mà trên thực chất là duy trì cái xưa cũ, lạc hậu, kìm hãm sự sáng tạo của người làm văn hóa, nhất là các văn nghệ sĩ có tư tưởng cách tân, muốn tiếp nhận vào nước ta cái gọi là “tiên tiến”, “tinh hoa” - những yếu tố cực kỳ quan trọng để thay đổi diện mạo văn hóa đất nước.

Các thế lực cơ hội, thù địch triệt để sử dụng các loại hình văn học, nghệ thuật để hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh. (Ví dụ, hai bộ phim của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ ở Mỹ, hay tác phẩm “Đỉnh cao chói lọi” của Dương Thu Hương xuất bản tại Pháp; hồi ký “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên xuất bản ở Mỹ… đã làm phân tâm một số người). 


Trưng bày cuốn sách “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới qua đấu tranh chính luận“.

4. Những biểu hiện đáng chú ý trong thời gian gần đây của các thế lực cơ hội, thù địch

- Khuếch trương cái gọi là “sự đấu đá, trừng phạt nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam” thông qua việc Đảng, Nhà nước ta quyết tâm xử lý cán bộ vi phạm nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả là cán bộ cấp cao ở cương vị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ trưởng…

- Khi Trung ương Đảng ta ban hành Quy định “19 điều đảng viên không được làm” thì họ cho rằng, Đảng đã “tước đoạt quyền tự do cá nhân”, trái ngược với tiêu chí Đảng đã đề ra là “độc lập, tự do, hạnh phúc”.

- Khi Đảng ta xử lý những người lợi dụng tôn giáo đã lập ra các tà đạo, lôi cuốn, tụ tập, kích động nhân dân tham gia các cuộc biểu tình chống lại Đảng, Nhà nước và lợi ích nhân dân thì họ lu loa là “Cộng sản đang đàn áp các tôn giáo và dân tộc”. Họ yêu cầu các tổ chức quốc tế can thiệp, ngăn chặn việc đàn áp này.

- Trong những năm 2020, 2021, cả thế giới và Việt Nam gồng mình chống đại dịch Covid-19, chúng ta được Tổ chức Y tế thế giới và bạn bè quốc tế đánh giá Việt Nam là số ít trong các nước phòng, chống đại dịch có hiệu quả nhất, thì chúng lại tung ra luận điệu “nhân dân bị bỏ rơi, nhiều người bị chết oan uổng” vì “không được chăm sóc thuốc thang”…

- Khi các cơ quan chức năng xử án những người dùng mạng xã hội loan truyền những thông tin thất thiệt, gây tác động tiêu cực trong dư luận xã hội thì họ lại rêu rao rằng “một chiến dịch đàn áp dân chủ, nhân quyền đang diễn ra”, hòng “bịt miệng những người có lương tri muốn thay đổi tình hình đen tối của đất nước” (!).

- Một điều đặc biệt, như đã thành quy luật, mỗi khi chuẩn bị diễn ra các hội nghị Trung ương, các kỳ họp Quốc hội, nhất là khi tổ chức đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, thì họ huy động “tối đa công suất” các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhằm vu cáo “tội của ông A, bà B” - những người đang có quyền lực, “có liên quan các vụ việc tiêu cực” do họ nặn ra hoặc thổi phồng, rồi đòi cấp trên “phải xem xét, xử lý”, gây sự phân tâm, hoang mang trong dư luận xã hội…


Gắn kết chặt chẽ yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên, học viên, sinh viên (Ảnh: Tư liệu)

5. Vậy cần làm gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch?

Là cán bộ có ít nhiều thời gian tham gia lĩnh vực này, nay về sống đời thường ở cơ sở, lắng nghe và tiếp nhận nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tôi mạnh dạn kiến nghị mấy giải pháp cơ bản như sau:

- Thứ nhất, cần tăng cường giáo dục lý luận chính trị, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng nước ta và thế giới; khẳng định sự kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nguyên tắc hàng đầu của một đảng cách mạng chân chính. 

Trước hết, chúng ta cần chỉ rõ, chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết mở, mang bản chất cách mạng và khoa học. Nó đã được trải nghiệm qua thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới. Đến nay, cho dù chủ nghĩa tư bản trên thế giới đã có điều chỉnh đôi chút, nhưng ta có thể khẳng định, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn có sức sống bền vững vì mang tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn, coi con người là trọng tâm của sự phát triển; mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát phục vụ con người. Còn chủ nghĩa tư bản chỉ coi lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu, do vậy, khoảng cách mức sống giữa tầng lớp trung lưu, thượng lưu với đại đa số nhân dân ngày càng doãng rộng, không thể thu hẹp và khắc phục. Lúc sinh thời, cả Mác, Ăngghen, Lênin đều khẳng định học thuyết của các ông không bất biến, không đóng kín, thậm chí, khi có những biểu hiện lệch lạc của một số đảng, thì chính Mác, Lênin đã uốn nắn rằng, “Mỗi đảng cộng sản phải căn cứ vào tình hình thực tế của nước mình để đưa ra những phương thức cách mạng thích hợp. Không thể có một phương pháp cách mạng chung cho tất cả các nước”. Chính Mác, Ăngghen, Lênin đã nhiều lần điều chỉnh một số điểm trong học thuyết của mình1

Theo hướng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn vận dụng sáng tạo, góp sức bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Ví dụ, về điều kiện ra đời một đảng cách mạng, nếu ở các nước tư bản chủ nghĩa, Mác chỉ nói đến hai điều kiện: phong trào công nhân và chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhưng với đặc thù của mình, Đảng ta nói tới ba điều kiện để có một đảng cách mạng chân chính: chủ nghĩa yêu nước; chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chúng ta sáng tạo phương thức chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ; đề ra phương châm “ba mũi giáp công”, “ba vùng chiến lược” - đó là sự sáng tạo lớn. Đặc biệt, chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự sáng tạo cực kỳ có ý nghĩa của Đảng ta trong việc bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, được các đảng cộng sản, đảng cánh tả trên thế giới ghi nhận. 

Đảng ta nhất quán mục tiêu: coi trọng phát triển kinh tế gắn liền với văn hóa, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng chính sách cụ thể. Đây chính là điểm căn cốt của nội hàm “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cần khẳng định rằng, Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực, chứ không phải là sự sụp đổ của một học thuyết với tư cách là học thuyết khoa học về chủ nghĩa xã hội. 

Về đối ngoại, chúng ta kiên trì nguyên tắc: độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế, nhất quán chủ trương “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới; là thành viên có trách nhiệm đối với quốc tế”.

- Cần bác bỏ luận điểm cho rằng, việc duy trì một đảng “tất yếu dẫn đến tình trạng độc quyền, độc tài, độc trị, tham nhũng tràn lan” (!).

Thực tế chứng minh rằng, nếu chỉ có chế độ đa đảng mới có tự do, dân chủ là hoàn toàn ảo tưởng. Trên thực chất, chế độ đa đảng trong hệ thống chính trị tư sản là dựa trên cơ sở nhất nguyên chính trị. Đó là sự phân chia quyền lực giữa các đảng với nhau. Mỹ là một ví dụ tiêu biểu. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau nắm quyền lãnh đạo. Nhưng dù đảng Dân chủ hay Cộng hòa nắm quyền đều có một mục tiêu mà họ không bao giờ thay đổi là, xây dựng nước Mỹ trở thành một cực, mưu toan điều khiển, chi phối toàn bộ thế giới. 

Trong thực tế, chế độ độc tài đã xuất hiện ở nhiều nước có thể chế chính trị đa đảng, như Hàn Quốc, Indonesia, Philippin, Chilê, Lybi, Ai Cập… 

Từ phân tích trên đây, chúng ta rút ra hai kết luận: 

Một là, duy trì chế độ độc đảng hay đa đảng không phải là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, độc tài, độc quyền. 

Hai là, việc duy trì độc đảng hay đa đảng phụ thuộc vào những điều kiện chính trị, lịch sử, xã hội, văn hóa, tôn giáo của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia; vào quyền tự quyết của dân tộc đó chấp nhận độc đảng hay đa đảng. Điều này phù hợp với Điều 1, Công ước Liên Hợp quốc về quyền dân sự. 

Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp tư tưởng.

Trước hết, trong tình hình hiện nay, cần tạo ra sự thống nhất trong nhận thức, đánh giá đúng nguyên nhân những quan điểm sai trái, thù địch. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng phải khẳng định, nguyên nhân bên trong là chủ yếu. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chính là do chúng ta, tất nhiên có sự tác động từ bên ngoài. Do vậy, ngăn ngừa từ bên trong và làm quyết liệt từ bên trong thì mới tạo ra sự chuyển biến căn cốt trong tư tưởng và hành động.

Hai là, cần thay đổi mạnh mẽ phương thức tuyên truyền, coi trọng việc gắn lý luận với thực tiễn, chọn cách diễn đạt phù hợp với từng loại đối tượng người nghe, đề cao yêu cầu sát cơ sở, bảo đảm tính thuyết phục, tính hấp dẫn, tính hiệu quả.

Ba là, cần tranh thủ phân hóa, lôi kéo những người từ chỗ chống đối cực đoan đến chỗ họ từng bước giác ngộ, nhận ra sự thật và lẽ phải; ví dụ điển hình là ông Nguyễn Văn Hùng, Việt kiều ở Mỹ, ban đầu tuyên truyền chống phá chế độ ta kịch liệt; sau khi ta tạo điều kiện cho ông Hùng về nước thăm nhiều nơi, nhất là ra quân đảo Trường Sa; khi trở về Mỹ, ông đã viết nhiều bài bảo, tổ chức nhiều buổi nói chuyện về “những điều mắt thấy, tai nghe” trong các nơi ông từng đến thăm. Việc làm đó của ông Hùng cũng như nhiều Việt kiều khác, đã có hiệu ứng tích cực, điều chỉnh cách nhìn nhận của nhiều Việt kiều do không đủ thông tin chính xác về Việt Nam.

Tóm lại, các thế lực cơ hội, thù địch không phải muốn làm gì thì đều làm được, một khi công tác tư tưởng được gắn chặt công tác tổ chức và tiến hành nhất quán; một khi các tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần cảnh giác và tích cực đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; một khi Đảng và Nhà nước ta phát hiện sai lầm, thì dũng cảm sửa chữa, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn từng thời kỳ… - thì đó chính là cơ sở quan trọng tạo nên sức mạnh nội sinh, làm thất bại mọi mưu toan, thủ đoạn của các thế lực xấu xa; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng ta.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương,
nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân

__________________________________

Khi khởi thảo “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và viết bộ Tư bản, Mác nói: “Chúng ta không tỏ ra là những nhà lý luận suông, tay cầm một mớ nguyên lý có sẵn và nói rằng, đây là chân lý, hãy phục tùng nó đi”. Lần thứ hai, Mác tuyên bố, “Chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo”. Còn Ăngghen cũng đã nói: “Học thuyết của chúng tôi không phải là giáo điều, mà là kim chỉ nam cho hành động”. “Lê nin nói: “Hiện thực cuộc sống sinh động hơn nhiều so với cương lĩnh mà chúng ta đã soạn trước đó”.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên