Mẹ vinh dự với danh hiệu này
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thế trận lòng dân là điểm mạnh của cách mạng. Ý thức được điều này, nên khi giặc gom dân vào ấp chiến lược, mẹ cùng chồng vẫn ở lại ấp 7, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (nay là huyện Bàu Bàng) bám trụ sản xuất lương thực tiếp tế cho bộ đội. Ban ngày, cả nhà mẹ trồng khoai, làm lúa, bẻ măng, một phần đem ra chợ bán đổi lấy thuốc men, rồi góp với phần còn lại lén tiếp tế cho tiền tuyến vào ban đêm.
Bà Hồ Thị Hạnh, con gái của mẹ Trí tự hào kể lại: “Ngày đó, mẹ kiên cường lắm. Khi giặc tới, sau khi đưa mọi người xuống hầm ẩn núp, ba mẹ vẫn ở trên quan sát và báo động cho bộ đội”.
Trước tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, ngày càng nhiều người dân thiệt mạng, các người con của mẹ lần lượt thoát ly gia đình vào chiến trường. Con gái mẹ là Hồ Thị Hạnh làm y sĩ phục vụ Ban giao bưu Phân khu 5 Bưu điện tỉnh Thủ Dầu Một. Xuân 1968, trong lúc đang tải gạo ở ấp chiến lược về thì bị B52 phục kích, bà Hạnh bị đất cát vùi lấp, xương sống bị cong và đến nay mỗi khi nắng nóng kéo dài là toàn thân đau nhức, đầu óc quay cuồng. Năm 1969, chồng bà Hạnh là Trần Xuân Lập (trưởng trạm giao bưu) đã hy sinh trong lúc đưa cán bộ bí mật xuống đường ở ấp Bình Cơ, xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên. Ông bị xe tăng cán tan xác.
Bước sang tuổi 96, trí nhớ có thể giảm sút nhưng những ký ức về hai người con anh dũng Hồ Văn Rít và Hồ Văn Sấm vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí mẹ. Được mẹ động viên, 2 anh em Rít và Sấm lên đường tham gia kháng chiến. Anh Rít là chiến sĩ thông tin bộ đàm ở Tiểu đoàn Phú Lợi. Còn anh Sấm là chiến sĩ ở C61 huyện Bến Cát. Hai con mẹ anh dũng kiên cường trong chiến đấu lập được nhiều thành tích, mẹ rất mừng. Năm 1967, anh Rít hy sinh ở xóm Cây Tràm (Mỹ Phước). Ba năm sau, năm 1970, anh Sấm hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ ở C61. Mẹ nào mà chẳng thương con. Liên tiếp 2 người con hy sinh, mẹ đau như đứt tùng đoạn ruột. Mẹ nói: “Các anh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, anh Rít mới 23 tuổi, còn anh Sấm chưa được 20 tuổi. Và cho đến nay vẫn chưa tìm được xác đứa nào”.
Không có nỗi đau nào sánh bằng nỗi đau của người mẹ mất con, nhưng mẹ luôn tự nhủ mình không thể gục ngã. Nuốt nước mắt vào trong, mẹ lại kiên cường cùng chồng lao động, sản xuất để góp sức chi viện cho kháng chiến, nuôi dạy các con lớn khôn, nên người.
(BDO) Hòa bình trở lại, gia đình mẹ được Đảng và Nhà nước quan tâm, chính quyền và các đoàn thể địa phương thường xuyên động viên, thăm hỏi và tặng quà cho mẹ và gia đình, nên trong lòng mẹ vui lắm. Mẹ vui nhất là sống trong gia đình có 4 thế hệ nhưng ai nấy đều hòa nhã, thân thiện và luôn biết yêu thương nhau. Trong cuộc sống thường ngày, mẹ luôn khuyên dạy các con, cháu phải gương mẫu, phát huy truyền thống của một gia đình cách mạng. Các con còn lại của mẹ giờ đây đều đã yên bề gia thất, có công việc ổn định, mẹ luôn nhận được sự yêu quý, kính trọng của con cháu cũng như bà con lối xóm; gia đình mẹ nhiều năm liền được công nhận là gia đình cách mạng gương mẫu và gia đình văn hóa tiêu biểu.
MINH HIẾU