“Mềm hóa” các quy định trong hiệp định thương mại tự do

Cập nhật: 09-08-2024 | 08:54:24

 Ngành dệt may của Việt Nam hiện dành trên 80% năng lực sản xuất cho xuất khẩu. Theo Hiệp hội Dệt may Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2024 thị trường xuất khẩu chính của ngành vẫn là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Mục tiêu trong thời gian tới của ngành là đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phân khúc khách hàng, sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh; đặc biệt là tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Một trong những giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu này là sự hỗ trợ kịp thời về thông tin của Thương vụ Việt Nam ở thị trường nước ngoài. Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài có thể nắm bắt nhanh nhất, có những cảnh báo sớm để doanh nghiệp trong nước có biện pháp ứng phó với những diễn biến bất lợi cho DN trong nước xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, ngành dệt may cần sự hỗ trợ để tăng khả năng khai thác ưu đãi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Về CPTPP, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay qua làm việc, Hiệp hội Dệt may Canada đã chỉ ra những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng dệt may do các doanh nghiệp Việt Nam khó có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi trong CPTPP. Tuy nhiên, để bảo đảm thị phần cũng như tốc độ tăng trưởng dệt may sang địa bàn này, trong bối cảnh đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Bangladesh, Campuchia đang được hưởng ưu đãi về thuế quan nhập khẩu (GSP), việc làm “mềm hóa” hay thuận lợi hóa quy tắc xuất xứ trong CPTPP là rất cần thiết. Quan trọng là, cả Việt Nam và Canada không bị xung đột lợi ích trong vấn đề làm “mềm hóa” quy tắc xuất xứ này.

Trong thực tế, một số thành viên của CPTPP như New Zealand, Chile đã có phụ lục riêng và đơn giản hóa quy tắc xuất xứ chỉ từ cắt và may chứ không phải là từ sợi trở đi. Để có căn cứ làm việc với phía Canada, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada đề nghị Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị đề xuất bằng văn bản gửi Bộ Công thương để bộ báo cáo Chính phủ; đồng thời kiến nghị các đơn vị thuộc bộ làm việc với đối tác Canada tiến đến ký kết quy chế song phương hoặc đàm phán để thuận lợi hóa hơn nữa quy tắc xuất xứ hàng dệt may trong CPTPP.

Một vấn đề nữa, chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã phê duyệt được hơn một năm nhưng tiến độ triển khai chậm. Ngành dệt may mong muốn Bộ Công thương vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy tiến độ thực hiện chiến lược này để hình thành được các tổ hợp, khu công nghiệp dệt may lớn nhằm phát triển nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cho ngành dệt may.

 KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=526
Quay lên trên