Mexico gần như chắc chắn sẽ có nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên vào năm 2024, sau khi đảng cầm quyền MORENA và liên minh đối lập Mặt trận Mở rộng đều chọn các “nữ tướng” làm ứng cử viên cho cuộc đua tới ghế tổng thống.
Cuộc đối đầu của hai “nữ tướng”
Giữa tuần qua, đảng cầm quyền của Mexico, MORENA đã chọn bà Claudia Sheinbaum - cựu Thị trưởng thủ đô Mexico City - làm ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống nước này vào năm tới.
Quyết định của MORENA đã tạo ra một bước ngoặt ở quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha lớn nhất thế giới, khi các cử tri Mexico dự kiến sẽ lần đầu tiên bầu một phụ nữ làm tổng thống. Sở dĩ nói vậy bởi phe đối lập mạnh nhất tại nước này, liên minh trung hữu có tên Mặt trận Mở rộng cũng chọn cho mình một nữ ứng cử viên, đó là bà Xóchitl Gálvez.
Hai ứng cử viên Xóchitl Gálvez và Claudia Sheinbaum sẽ tranh cử Tổng thống Mexico vào năm sau
Bà Sheinbaum, 61 tuổi, một nhà vật lý có bằng tiến sĩ về kỹ thuật môi trường, đã xây dựng sự nghiệp chính trị của mình chủ yếu dưới cái bóng của Tổng thống López Obrador và đã nổi lên với tư cách là lựa chọn được đảng ưu ái để kế nhiệm ông này. Theo Hiến pháp Mexico, các tổng thống sẽ không được tái tranh cử nên ông López Obrador sẽ rời khỏi cương vị hiện tại sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm sau.
Sheinbaum học vật lý và kỹ thuật năng lượng ở Mexico trước khi thực hiện nghiên cứu tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley ở California (Mỹ). Sau khi tham gia chính trường, bà trở thành quan chức môi trường hàng đầu của ông López Obrador khi ông còn là Thị trưởng Mexico City.
Khi bản thân được bầu làm thị trưởng thủ đô năm 2018, bà Sheinbaum đã coi các vấn đề giao thông công cộng và môi trường là ưu tiên hàng đầu nhưng cũng là mục tiêu chỉ trích về những rủi ro chết người trong hệ thống giao thông của thành phố, bao gồm vụ sập cầu vượt khiến 26 người thiệt mạng vào tháng 6/2021.
Các cuộc thăm dò tại Mexico cho thấy, phần lớn công chúng coi bà Sheinbaum là người đặc biệt trung thành với ông López Obrador và có thể ủng hộ tổng thống ngay cả khi không đồng ý với các quyết định của ông. Tuy nhiên, trên thực tế thì dù tán thành các chính sách của ông López Obrador, bà Sheinbaum cũng đưa ra tín hiệu về một số thay đổi tiềm ẩn, đặc biệt là bày tỏ sự ủng hộ đối với các nguồn năng lượng tái tạo.
Tương phản với đối thủ, bà Gálvez, một thượng nghị sĩ, thường đi vòng quanh thành phố Mexico bằng xe đạp điện, đã tập trung vào nguồn gốc của mình là con gái của một người cha là người Otomí bản địa và một người mẹ là người mestiza (lai giữa châu Âu và bản địa).
Cô gái Gálvez lớn lên ở một thị trấn nhỏ cách thủ đô Mexico City khoảng 2 giờ lái xe, không có nước sinh hoạt và nói tiếng Hnahnu của cha cô. Sau khi nhận được học bổng của Đại học Tự trị Quốc gia Mexico, bà Xóchitl Gálvez trở thành kỹ sư rồi thành lập công ty thiết kế mạng lưới truyền thông và năng lượng cho các tòa nhà văn phòng.
Khi ông Vicente Fox đắc cử Tổng thống Mexico năm 2000, bà được ông bổ nhiệm làm người đứng đầu Văn phòng Tổng thống dành cho người bản địa. Năm 2018, bà được bầu làm thượng nghị sĩ đại diện cho đảng Hành động Quốc gia (PAN) theo đường lối bảo thủ.
Giấc mơ của phong trào nữ quyền
Với những nhà quan sát chính trị tại Mexico, cuộc đua tới ghế tổng thống giữa bà Sheinbaum và bà Gálvez không chỉ là màn đối dầu kịch tính của hai “nữ tướng” đang nổi như cồn, mà còn đại diện cho xu hướng bình đẳng giới đang lên cao trên chính trường nước này.
Giáo sư Maricruz Ocampo, nhà hoạt động nữ quyền ở bang Querétaro (Mexico), nói với tờ The Times: “Đây là giấc mơ của các nhà nữ quyền” và cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới “sẽ đánh dấu một sự thay đổi trong cách chúng ta nhìn nhận phụ nữ trong chính trị”.
Trong khi đó, tiến sĩ Christopher Sabatini, thành viên cấp cao về Mỹ Latinh tại tổ chức nghiên cứu chính trị Chatham House có trụ sở tại London (Anh), nhận định: “Họ thực sự đã tự mình làm được những điều xuất sắc. Khẳng định nữ quyền chính là động lực và quỹ đạo sự nghiệp của họ”.
Ở nhiều nước Mỹ Latinh, một số ứng cử viên nữ cho vị trí nguyên thủ quốc gia từng là vợ hoặc vợ cũ của các ứng cử viên nam nổi tiếng. Chẳng hạn tại Argentina, cựu Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner trực tiếp nhậm chức sau khi chồng bà kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2007.
Tại Honduras, Tổng thống đương nhiệm Xiomara Casto là vợ của cựu Tổng thống Honduras Manuel Zelaya. Và, ở Guatemala, người về nhì trong cuộc bầu cử tháng trước, Sandra Torres, là cựu Đệ nhất phu nhân, người đã ly dị ông Álvaro Colom để lách luật khi hiến pháp ngăn cản người thân của tổng thống ra tranh cử. Khi đó, bà Sandra Torres nói: “Tôi sẽ không phải là người phụ nữ đầu tiên hay cuối cùng quyết định ly hôn, nhưng tôi là người phụ nữ duy nhất ly hôn vì đất nước của mình”.
Nhưng, sự vươn lên của nữ quyền trong nền chính trị của Mexico thậm chí còn độc đáo hơn bởi nước này đang ở tuyến đầu về khía cạnh phụ nữ tham gia chính trị, ở nhiều cấp chính quyền.
Hiện tại, một nửa số ghế quốc hội ở Mexico và một nửa số ghế trong nội các chính phủ do phụ nữ nắm giữ. Trong cơ quan lập pháp của 32 bang tại Mexico, phụ nữ chiếm 47%, tăng 10% kể từ năm 2018, theo dữ liệu từ Liên minh Nghị viện Thế giới. 9 thống đốc bang của nước này là phụ nữ và đó cũng là con số cao nhất từ trước tới nay. Đầu năm nay, lần đầu tiên một phụ nữ trở thành Chánh án Tòa án Tối cao Mexico và 3 trong số 5 thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Mexico, bao gồm cả thống đốc, là phụ nữ.
Những tiến bộ của Mexico về nữ quyền trong chính trị khởi nguồn từ các sự kiện xảy ra vào những năm 1990, khi 71 năm cầm quyền của đảng Cách mạng Thể chế (PRI) tại đất nước này bắt đầu chấm dứt do các vụ bê bối tham nhũng và khủng hoảng kinh tế.
Trong bối cảnh nhiều người Mexico háo hức với bối cảnh chính trị khác hẳn so với những gì họ đã trải qua trước đây, các nhà lập pháp nước này đã đưa ra nhiều cải cách giúp nâng cao vai trò của nữ giới trên chính trường, trong đó đáng chú ý nhất là hạn ngạch về số lượng phụ nữ ở các vị trí chính trị.
“Những quy định này đã được điều chỉnh để làm tăng không chỉ sự đại diện của phụ nữ trên các lá phiếu bầu cử quốc gia mà còn cả việc phân phối những lá phiếu đó. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó có thể nói Mexico đã vượt xa nhiều nước khác vì những quy định bình đẳng giới trong chính trị của họ mở rộng đến cả những cấp độ hành chính rất thấp”, tiến sĩ Sabatini đánh giá.
Phần thắng sẽ nghiêng về ai?
Một cuộc thăm dò gần đây do Báo Reforma của Mexico tiến hành cho thấy bà Claudia Sheinbaum đang dẫn đầu cuộc đua tới ghế tổng thống với 44% người được hỏi bày tỏ sự tin tưởng vào thắng lợi của bà, trong khi con số tương ứng của thượng nghị sĩ Xóchitl Gálvez chỉ là 27%.
Lợi thế của bà Sheinbaum không chỉ đến từ sự ủng hộ từ Tổng thống López Obrador mà còn cả sự hỗ trợ của bộ máy nhà nước trong chiến dịch tranh cử sắp tới. Song, bà Sheinbaum cũng có điểm yếu: Những người chỉ trích Sheinbaum nói rằng việc thiếu kết nối với các cử tri độc lập và sự đồng thuận cao với các chính sách của ông López Obrador có thể chống lại bà.
Giáo sư Carlos Ramírez, nhà phân tích chính trị tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico, cho biết: “Claudia Sheinbaum sẽ nhận được sự hỗ trợ của đương kim Tổng thống López Obrador, nhưng việc xây dựng câu chuyện của riêng mình, tạo dựng hình ảnh của riêng mình, sẽ là thử thách đầu tiên của bà ấy”.
Ngược lại, bà Gálvez lại ghi điểm nhờ hình ảnh một thượng nghị sĩ có xuất thân khiêm tốn và tính cách thân thiện. Nổi lên vào tháng 6 với tư cách là một nhân vật chính trị quốc gia, bà Gálvez tiếp thêm sinh lực cho phe đối lập và thách thức MORENA bằng thông điệp về sự thay đổi và đoàn kết. Nhờ vậy chỉ trong vài tháng, bà đã vươn lên trở thành ứng cử viên số 1 của liên minh đối lập bao gồm PAN, PRI và PRD, 3 đảng chính thống lâu đời nhất đất nước.
Là ứng cử viên của các đảng truyền thống ở Mexico, Gálvez dễ bị cáo buộc rằng bà được tầng lớp quý tộc doanh nghiệp hậu thuẫn. Nhưng, điều này không đang lo vì sau nhiều năm tham gia chính trường - với tư cách là thị trưởng một đô thị vệ tinh của thủ đô Mexico City trước khi trở thành thượng nghị sĩ - bà Gálvez vẫn chưa bị vấy bẩn bởi các vụ bê bối tham nhũng.
Và, dù đại diện cho đảng PAN bảo thủ, bà Gálvez vẫn ủng hộ các chính sách tiến bộ về môi trường, quyền phá thai và quyền của cộng đồng LGBTQ+. Lập trường cấp tiến này có thể giúp bà Gálvez lấy bớt sự ủng hộ dành cho MORENA và biến bà trở thành niềm hy vọng lớn nhất của phe đối lập trong cuộc đua tới chiếc ghế Tổng thống Mexico vào năm sau.
Theo CAND