Ngày càng có nhiều Việt kiều trở về VN tìm cơ hội làm ăn và họ cảm nhận được tình cảm với quê hương.
Mỗi năm có ít nhất 500.000 Việt kiều trở về quê hương VN. Một số người trong số đó còn xem đây là một miền đất nhiều cơ hội. Lý giải vì sao số lượng Việt kiều về nước ngày càng tăng, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Trường Đại học George Mason ở Fairfax, bang Virginia (Mỹ), nhấn mạnh: “Cuộc cải cách kinh tế và sự tăng trưởng của VN cũng như tình trạng suy thoái kinh tế ở Mỹ có thể là một phần nguyên nhân. Ngoài ra, cũng có một nguyên nhân về mặt tình cảm: Đó là cảm giác ở nhà, trong một nền văn hóa quen thuộc với một lối sống quen thuộc”.
Diễn viên Johnny Trí Nguyễn ký tặng người hâm mộ tại VN
Cảm giác như ở nhà
Dựa theo số liệu của Công ty Tư vấn tài chính PricewaterhouseCoopers, báo USA Today (Mỹ) đưa ra nhận định kinh tế của VN là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á.
Và trường hợp đầu tiên được báo này nêu ra là diễn viên Johnny Trí Nguyễn. Sau 17 năm sống ở Mỹ, anh đã trở về VN để làm một bộ phim dựa trên cơ sở cuộc đời ông nội anh. Anh rời VN khi mới 9 tuổi nhưng trong lòng vẫn hằng nung nấu hy vọng trở về quê hương. Anh tâm sự: “Tôi nhận thấy đây là một nơi sinh sống rất thoải mái”.
Trường hợp khác, bà Đặng Tuyết Mai đã trở về quê hương sau 30 năm sống ở Mỹ và mở quán Phở Ta tại TPHCM. Bà bộc bạch: “Ở đây, tôi có một cảm giác lẫn lộn. Nhưng một khi bạn là người VN, bạn luôn luôn suy nghĩ đến việc trở về đất nước nơi bạn sinh ra”. Bà tự hào kể rằng một số quan chức cao cấp đã đến quán của bà.
Đối với Trung Dũng, nhà sáng lập Công ty Thanh toán điện tử Mobivi, sức thu hút chính của VN là ở đây anh có cảm giác như ở nhà mình. Một điểm đáng chú ý là anh đã trở thành tỉ phú trong độ tuổi 30. Anh nhận xét: “Tôi đã rất may mắn được chứng kiến cuộc cách mạng internet ở Mỹ... Một sự việc tương tự đang xảy ra ở VN. Chúng ta ở trong giai đoạn sơ khai để tạo ra những điều sẽ tồn tại ở đây một thời gian dài”.
Sự gắn bó
Điều gây ấn tượng mạnh nơi diễn viên Johnny Trí Nguyễn khi anh lần đầu tiên trở về VN là sự gắn bó anh cảm thấy với đất nước này và quang cảnh đẹp đẽ ở đây. Anh nói: “Cảnh vật nơi này có nhiều triển vọng về điện ảnh”.
Tháng 7 vừa qua, nhà làm phim Jimmy Nghiêm Phạm, anh rể của Johnny Trí Nguyễn, tìm cách đầu tư vào nền điện ảnh ở VN. Trong bộ phim mới Khát vọng Thăng Long, được sản xuất có sự giúp sức của anh, Jimmy đưa vào đó những cảnh phim nhằm miêu tả một nước VN đã trở thành một miền đất nhiều cơ hội đối với các nhà làm phim độc lập. Anh nhận định như một lời khen ngợi phong cảnh VN: “Nếu như anh không có nhiều tiền thì VN là một nơi tốt nhất để làm phim”.
Anh đã sinh sống ở bang California (Mỹ) hơn một thập kỷ trước khi trở về quê nhà VN. Nhưng anh đã cảm nhận một mối quan hệ gắn bó với nơi này.
Trong khi đó, đối với Henry Hoàng Nguyễn, 37 tuổi, sự gắn bó của anh với VN đang trở nên có sức thuyết phục hơn mối quan hệ với nước Mỹ. Sau 9 năm tìm kiếm các cơ hội kinh doanh ở VN, hiện Hoàng Nguyễn là giám đốc điều hành của Quỹ Đầu tư IDG Ventures tập trung đầu tư vào công nghệ, viễn thông ở VN.
Anh đã lập gia đình với một phụ nữ VN, một người không hề có ý định rời bỏ đất nước này. Và chàng trai này đang tự hào tái khám phá gia đình mở rộng của anh. Anh thú nhận: “Tôi cảm thấy một sự gắn bó thực sự chặt chẽ và lòng yêu nước với VN”.
Doanh nhân Việt kiều David Thái cũng có tình cảm như thế. Thái lớn lên ở Seattle (Mỹ) nhưng đã trở về quê hương để nghiên cứu văn minh VN. Và các cơ hội làm ăn đã giữ chân anh ở đây.
Theo NLĐ