Miễn giảm thuế là chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp

Cập nhật: 06-08-2011 | 00:00:00

Đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do cơn bão lạm phát, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, tạm ngưng hoạt động; người làm công ăn lương phải thắt lưng buộc bụng bởi giá cả hàng hóa dịch vụ tăng cao chóng mặt. Trong bối cảnh này, Chính phủ đã có kế hoạch trình Quốc hội xem xét cắt giảm, miễn một số loại thuế nhằm bảo đảm an sinh xã hội và giúp DN vượt qua khó khăn. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương, Tiến sĩ Mai Hữu Tín cho rằng đây là một động thái hết sức kịp thời của Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn đối với người dân và DN...

  Miễn giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, duy trì sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Doanh nghiệp tư nhân May Quốc tế (Bến Cát)

- Thưa ông, trước tình hình khó khăn do những bất ổn vĩ mô mang lại, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét cắt giảm một số loại thuế cho các DN, người dân. Ông có bình luận gì về động thái này của Chính phủ?

- Nhìn lại tình hình kinh tế thời gian qua, trong năm 2010, sau khi Chính phủ áp dụng các biện pháp kích cầu do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Các biện pháp này vừa phát huy tác dụng chưa bao lâu thì nền kinh tế lại phải đối mặt với khó khăn do lạm phát tăng cao trong năm 2011 này. Việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát để ổn định vĩ mô của Chính phủ là do yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, mặt trái của các biện pháp này lại gây ra nhiều khó khăn cho DN trong sản xuất, kinh doanh với lãi suất, chi phí đầu vào tăng cao, khiền nhiều DN lao đao. Cả DN và người dân đều đang chịu khó khăn rất lớn, cho nên bất kỳ phương án nào làm giảm nhẹ gánh nặng cho họ đều đáng được hoan nghênh. Đề nghị miễn giảm thuế mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét là rất đúng lúc, kịp thời.

- Với các DN, hiện đang gặp nhiều khó khăn, điều họ mong đợi nhất là được miễn giảm thuế thu nhâp DN. Tuy nhiên thuế này lại là một trong những nguồn thu ngân sách lớn, việc miễn giảm lại sẽ ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước cũng như những cân đối vĩ mô. Theo ông, việc miễn giảm nên thực hiện thế nào?

- Thật ra miễn giảm thuế thu nhập DN không phải là điều các DN mong đợi nhất. Nếu DN làm ra được lợi nhuận trong tình hình rất khó khăn hiện nay thì việc nộp thuế hay không không phải là việc lớn. Do đó, nếu miễn giảm thuế mà giúp DN duy trì được tăng trưởng doanh số thì sẽ có tác động tích cực đối với ngân sách. Nếu lo miễn giảm thuế sẽ làm thâm hụt ngân sách thì cũng chưa đúng. Tôi cho rằng, điều quan trọng hơn với các DN là làm sao để không thua lỗ, làm sao để tiếp tục tồn tại, làm sao để giữ được việc làm cho người lao động. Chính phủ đã đưa ra hướng miễn giảm (giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp năm 2011 đối với DN nhỏ và vừa, DN thuộc một số lĩnh vực có sử dụng nhiều lao động) và tôi đồng ý với phương án này. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc miễn giảm thuế như vậy sẽ giúp cho DN có thêm khả năng để duy trì sản xuất.

- Trước đó, Chính phủ cũng có ý định xem xét giảm, miễn đối với thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến cho rằng, các đối tượng được miễn giảm này chủ yếu là người có thu nhập cao, rất ít những đối tượng làm công ăn lương phải chịu thuế thu nhập cá nhân, cho nên mục đích hỗ trợ khó khăn cho các đối tượng làm công ăn lương không có tác dụng. Theo ông có nên miễn, giảm loại thuế này?

- Trong phương án của Chính phủ trình Quốc hội, tôi vẫn thấy Chính phủ đề nghị miễn thuế thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1-8-2011 đến hết ngày 31-12-2011 đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh của cá nhân có thu nhập đến mức phải chịu thuế ở bậc 1. Theo tôi việc này là hợp lý. Người đang chịu thuế ở bậc 1 cũng là người làm công ăn lương và cần hiểu rằng tính bình quân thì mỗi người lao động hiện tại đang nuôi thêm 2 người khác ngoài bản thân họ. Mọi sự hỗ trợ cho nhóm này đều có tác động lan tỏa lớn hơn nhiều lần trong xã hội sẽ giúp chính sách an sinh xã hội của Chính phủ trên thực tế hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

- Việc giảm các loại thuế trên, theo anh có giúp cho tình hình sản xuất, kinh doanh của DN nhanh chóng phục hồi trở lại trong thời gian còn lại ít ỏi của năm 2011 này?

- Thật ra, hoạt động của DN có hiệu quả, có tăng trưởng hay không, sản xuất, kinh doanh của DN có phục hồi hay không còn phụ thuộc vào nhiều tố khác về các chính sách vĩ mô, diễn biến tình hình nền kinh tế trong và ngoài nước và bản thân nôi tại của mỗi DN... Đối với việc xem xét miễn giảm một số loại thuế, tôi xem đây là sự chia sẻ khó khăn của Chính phủ với DN và người dân chứ không phải là giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

- Xin cám ơn ông!

ĐÀM THANH

Có nên miễn giảm thuế VAT?

Theo Tiến sĩ Mai Hữu Tín, đối với thuế VAT, không thấy Chính phủ đưa ra các phương án miễn giảm hay giãn thuế cho DN trong đợt này. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn của các DN, nhiều quan điểm cho rằng miễn giảm thuế VAT trong tình hình hiện này có hiệu quả hơn. Một số DN cho biết, với tình hình khó khăn hiện nay, các DN tồn tại được đã là may rồi, DN có lãi rất ít. Trong trường hợp này, việc miễn, giảm thuế thu nhập DN không có ý nghĩa, vì DN có thu nhập đâu mà phải chịu thuế. Tuy nhiên, với thuế VAT thì rất cần. Ví dụ, với các sản phẩm nội địa bán ra sau 1 tháng khai thuế xong là trong tháng đó phải đóng VAT, nhưng DN xuất hóa đơn ra cho khách hàng có khi 90 ngày sau mới nhận được tiền, do đó thuế VAT là một áp lực rất lớn đối với DN nhỏ và vừa. Nếu chỉ cắt giảm thuế thu nhập DN thì chỉ DN lớn có lãi được hưởng, còn với các DN nhỏ khó có lãi nên cũng khó mà được hưởng chính sách này.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên