Miền Nam đi trước…

Cập nhật: 23-09-2022 | 08:42:48

Cách đây 77 năm, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, quyết trở lại xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Nam bộ đã đồng lòng, quyết tâm, nhất tề đứng lên. “Ngày Nam bộ kháng chiến” đã mở đầu cho cuộc chiến đấu “gian lao mà anh dũng” trong suốt 30 năm trường kỳ của Nam bộ “đi trước, về sau”.

“Cuộc kháng chiến bắt đầu”

Quay ngược thời gian trở về thời điểm lịch sử của 77 năm trước, với những người như đại tá Hồ Văn Nam, bà Nguyễn Thị Lý (cô giao liên Tám Trầu)... là những ký ức khó quên, đi cùng những năm tháng kháng chiến ác liệt. Như lời kể của đại tá Hồ Văn Nam (phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) thì tình hình đất nước sau độc lập gặp muôn vàn khó khăn. Chính quyền non trẻ phải cùng lúc đối phó với thù trong, giặc ngoài và nạn đói khủng khiếp cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Trước tình hình đó, Bác Hồ, Trung ương Đảng theo dõi chặt chẽ diễn biến phức tạp ở miền Nam và căn dặn nhân dân Nam bộ bình tĩnh, nhân nhượng để giữ vững nền hòa bình. Nhưng với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, chỉ 3 tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngay trong đêm 22-9-1945, quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã quyết liệt đánh trả quân xâm lược.

Đình Bưng Cù được xem là nơi tiêu thổ kháng chiến đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một trong “Nam bộ kháng chiến”

Trước tình hình đó, Xứ ủy, UBND và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.Hồ Chí Minh). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Với tinh thần quyết chiến, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng dậy xông ra mặt trận, mở ra một trang sử mới: “Nam bộ kháng chiến”. Sau khi “Lời kêu gọi kháng chiến” của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được truyền đi, nhân dân thành phố đã thực hiện “vườn không nhà trống”, biến Sài Gòn thành một thành phố không điện, không nước, không chợ búa…

Sài Gòn đã tiến hành tổng đình công với những công sở, xí nghiệp, cửa hàng đóng cửa, chợ không họp, các ụ chiến đấu mọc lên khắp phố phường. Đội tự vệ, thanh niên xung phong cùng nhân dân chia nhau canh gác các ngả đường, giáng trả quân địch những đòn quyết liệt. Kế hoạch bình định Nam bộ trong 3 tuần của thực dân Pháp bị phá sản. Quân và dân Sài Gòn được sự chi viện của các tỉnh lân cận đã tiến hành chiến tranh du kích, bảo vệ từng căn nhà, ngõ phố, giam chân địch suốt một tháng trời. Bằng những vũ khí thô sơ, nhân dân miền Nam đã đứng dậy kháng chiến chống Pháp, bảo vệ non sông.

Những tấm gương, những tin tức đầu tiên về tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh bất khuất của quân và dân miền Nam đã làm rung động cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc, phong trào “Nam tiến” xuất hiện khắp nơi. Các đội giải phóng quân được thành lập, ra đi với quyết tâm cứu nước, khí thế bừng bừng.

Quân dân Thủ Dầu Một vùng lên!

Hòa trong khí thế quật khởi của Nam bộ kháng chiến, quân dân Thủ Dầu Một cũng nhất tề đứng dậy chống lại thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Với chủtrương “tiêu thổ kháng chiến”, thực hiện vườn không nhà trống, nhân dân khắp nơi trong tỉnh cùng lực lượng tự vệ phá hủy công sở, phá hủy đường giao thông tiếp tế, xây dựng các phòng tuyến chiến đấu, bố trí lực lượng bảo vệ địa bàn sẵn sàng chống Pháp.

Tỉnh ủy khi đó đã chỉ thị cho các địa phương nghiêm túc chấp hành lệnh kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam bộ. Nhân dân khắp nơi trong tỉnh cùng lực lượng tự vệ phá hủy công sở, phá hủy đường giao thông tiếp tế, xây dựng các phòng tuyến chiến đấu, bố trí lực lượng bảo vệ địa bàn. Trong các thôn xóm, chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, thực hiện “vườn không nhà trống” được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Mới đây, vào ngày 18-8 (âm lịch), chúng tôi có dịp đến đình Bưng Cù (còn gọi là miễu Ông Cù, đình Tân Phước Khánh) ở phường Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên) tham dự lễ Kỳ yên cầu quốc thái dân an. Đình Bưng Cù được xem là nơi tiêu thổ kháng chiến đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một năm 1945. Hiện nay, đình được xây dựng khá khang trang với đầy đủ các hạng mục thiết yếu. Xung quanh đình có Đông Lang, Tây Lang rộng rãi, có vườn cây dầu bao quanh, thích hợp cho những buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc tổ chức các nghi lễ diễn xướng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Ban nghi lễ đình Bưng Cù, cho biết qua lời kể của những bậc cao niên và sử sách còn ghi chép lại, mỗi năm vào ngày 18-8 (âm lịch), đình Bưng Cù tổ chức lễ Kỳ yên cầu quốc thái dân an. Và lễ Kỳ yên năm 1945 trùng với ngày 23-9, ngày Nam bộ kháng chiến. Khi bà con đang xem hát cúng đình thì ông Nguyễn Văn Ngang, Tổng ủy viên quân sự đã lên sân khấu xin dừng chương trình ca hát. Trước toàn thể đồng bào, ông Nguyễn Văn Ngang đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp, trắng trợn tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa và kêu gọi toàn thể nhân dân Tân Phước Khánh hãy cùng nhau đứng lên chống Pháp bằng tất cả vũ khí có trong tay như gậy tầm vông, giáo mác...

Đứng trước bàn thờ đình, hàng trăm người giơ cao nắm tay đồng thanh xin thề: “Không đi lính cho Pháp! Không làm việc cho Pháp! Không tiếp tế cho Pháp! Ủng hộ chính quyền Hồ Chí Minh”; quyết tâm hưởng ứng lệnh tiêu thổ kháng chiến của Chính phủ.

Tinh thần cách mạng lan tỏa mạnh như một “cơn lốc” lửa, nhà cửa, trường học và những gì giặc Pháp có thể sử dụng được dọc theo đường bộ đều bị phá bỏ, biến thành “vườn không nhà trống”. Chưa hết, người dân Tân Phước Khánh, nhất là lực lượng thanh niên còn vót hàng ngàn cây chông cắm trên những cánh đồng để chống Pháp nhảy dù. Bà con cũng dấy lên phong trào đắp mô, chặt cây hai bên đường làm vật cản để chặn bước tiến của giặc. Qua phong trào “tiêu thổ kháng chiến” có thể thấy lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên trung bám đất giữ làng, một lòng một dạ đi theo Đảng của nhân dân. Tinh thần yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm của nhân dân đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với ý chí “độc lập hay là chết”, đồng bào Nam bộ nói chung và Thủ Dầu Một nói riêng đã quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược, tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, tạo điều kiện để quân và dân ta bước vào giai đoạn thực hiện toàn quốc kháng chiến. Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam bộ, tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng bào Nam bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”. Với truyền thống “đi trước”, gánh chịu những hy sinh, gian khổ, mất mát lớn lao, miền Nam về đích độc lập, tự do sau cả nước 21 năm. Nhưng sự “về sau” đó đầy vinh quang, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Thành đồng Tổ quốc” mà Bác Hồ đã trao tặng.

77 năm đã qua đi, nhưng ngày Nam bộ kháng chiến mãi là mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc, là bản hùng ca bất hủ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động lực vô cùng to lớn, mãi thắp sáng con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của đất nước. Và khí thế của những ngày miền Nam “đi trước” như vẫn còn hừng hực trên con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Với ý chí “độc lập hay là chết”, đồng bào Nam bộ nói chung và Thủ Dầu Một nói riêng đã quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược, tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, tạo điều kiện để quân và dân ta bước vào giai đoạn thực hiện toàn quốc kháng chiến. Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam bộ, tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng bào Nam bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=542
Quay lên trên