Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, tối 29-7, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,2 độ vĩ Bắc và 111,1 độ kinh Đông, chỉ còn cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 580km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Khoảng tối 30-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ vĩ Bắc và 107,3 độ kinh Đông, cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 170km về phía Đông. Sau đó, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Chiều và đêm 31-7, tâm bão ở khu biên giới Việt - Lào, thuộc địa phận các tỉnh Nghệ An-Thanh Hóa.
Sơ đồ hướng đi của bão số 3.
* Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, hiện áp thấp ngoài khơi Philippines đã mạnh lên thành bão với tên quốc tế Muifa. Bão Muifa tiếp tục mạnh dần lên, tương tác với bão Nock-ten khiến diễn biến của bão Nock-ten trở nên phức tạp. Sự tương tác này có thể khiến bão Nock-ten đi chệch xuống khu vực Bắc Trung bộ chứ không phải vào Bắc bộ như đã dự báo trước đó. Như vậy, tâm bão có thể đi vào Thanh Hóa - Hà Tĩnh vào đêm 30-7, rạng sáng 31-7. Do thời điểm bão đổ bộ sớm, kết hợp với triều cường sẽ khiến nước biển dâng cao, sóng biển gần bờ cao 4-5m.
* Tin cho biết, tàu đánh cá QNg 95010 do ông Nguyễn Văn Pho làm thuyền trưởng đã bị sóng lớn đánh chìm ở khu vực đảo Trường Sa. 11 người trên tàu được một tàu Philippines cứu vớt. Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo tiến hành xác minh thông tin về tàu và liên lạc với tàu Philippines để sớm đưa ngư dân được cứu trở về.
Từ chiều và tối 30-7, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh từ Hải Phòng - Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 3 - 5m.
Tại cuộc họp giao ban phòng chống bão tổ chức sáng 29-7 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cử hai đoàn công tác đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để đôn đốc công tác phòng chống bão. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị tốt phương án 4 tại chỗ, sơ tán dân khi cần và địa điểm sơ tán dân phải làm từ trước. Các tỉnh trong phạm vi bão đổ bộ trực tiếp phải chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, các công trình công cộng, trường học, cơ sở y tế.
Người dân ven biển khẩn trương đưa những chiếc thuyền thúng câu mực vào bờ an toàn.
Đặc biệt, các địa phương cần có kế hoạch sơ tán dân ở vùng nguy hiểm vì nhiều khả năng bão đổ bộ vào nửa đêm, đúng lúc triều cường. Việc sơ tán dân phải xong trước 15 giờ chiều 30-7. Ngoài ra, các địa phương phải chủ động cấm biển đối với các phương tiện hoạt động ở vịnh Bắc bộ, bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải. Hướng dẫn tàu thuyền, lồng bè trên biển vào nơi trú tránh an toàn. Nghiêm cấm người ở lại các chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản và trên tàu thuyền tại khu neo đậu.
Rà soát lại việc chuẩn bị 4 tại chỗ ở khu tâm bão đi qua, trong đó đặc biệt là việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng bão và lũ lớn gây chia cắt dài ngày. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương phối hợp bảo vệ an toàn hồ chứa, Bộ GTVT kiểm đếm tàu thuyền và chỉ đạo các hạt giao thông sẵn sàng chuẩn bị các phương tiện ứng phó khi có sự cố xảy ra, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẵn sàng lực lượng để sơ tán dân khi cần.
Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, hiện đã kêu gọi được 36.091 tàu, thuyền với 177.906 người và 1.701 lồng bè với 3.933 người vào bờ hoặc biết thông tin đường đi của bão để trú tránh.
Ngày 29-7, tin từ Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên cho biết, hiện nay khu vực miền Trung còn gần 10.000 tàu thuyền đang hoạt động trên biển; trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa còn 23 tàu của Quảng Ngãi với hơn 320 lao động. Đây là khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của cơn bão số 3. Tuy nhiên, hiện bão đi cách đảo Hoàng Sa 200km về phía Bắc, trong khi đó, số tàu thuyền trên của Quảng Ngãi đã được hướng dẫn vào núp gió ở khu vực phía Nam đảo Trụ Cẩu nên vẫn an toàn. Hầu hết tàu cá khu vực miền Trung đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của cơn bão số 3 để vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.
Bên cạnh đó, đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Vùng C Hải quân cho biết, Bộ Tư lệnh vùng C Hải quân đã yêu cầu các tàu đang làm nhiệm vụ ngoài biển thường xuyên ứng trực, theo dõi diễn biến cơn bão số 3 để có phương án chủ động khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Vùng C Hải quân cũng yêu cầu các lực lượng rà soát lại phương án phòng chống lụt bão, sẵn sàng phương tiện, lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn trên biển khi có sự cố.
Ngày 29-7, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp và phát công điện hỏa tốc yêu cầu lãnh đạo 12 huyện, thị xã, thành phố và nhân dân trên toàn địa bàn sẵn sàng các phương án phòng tránh bão số 3. Tỉnh đã lên phương án sẵn sàng sơ tán khẩn cấp 27.403 người dân ở các vùng ven biển, cửa sông đến nơi trú ẩn an toàn khi bão số 3 đổ bộ vào.
Chiều tối 29-7, UBND tỉnh Nghệ An đã có phiên họp khẩn cấp bàn các biện pháp chủ động phòng chống bão số 3. Ngoài các biện pháp chung, ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lưu ý các ngành, địa phương rà soát, kiểm tra các khu vực trọng yếu trên các tuyến đê sông và đê biển, hồ đập… lên phương án cụ thể, chi tiết và chủ động phòng tránh lũ ống, lũ quét tại các huyện miền núi, thực hiện nghiêm túc phương án 4 tại chỗ.
Đến chiều tối qua, tại Nghệ An trời bắt đầu mưa. Dọc tuyến đê sông Lam, chủ các vuông tôm tại xã Hưng Hòa (TP Vinh) đang tập trung be bờ, giăng lưới đề phòng ngập nước. Trong khi đó tại cảng Cửa Hội, tàu thuyền từ ngoài biển bắt đầu vào để trú tránh bão.
* Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn An Giang ngày 29-7 cho biết mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. Mực nước đo đạc cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,29m; trên sông Hậu tại Châu Đốc đạt 1,77m; lần lượt tăng 79cm và tăng 28cm so với cùng kỳ năm ngoái. Từ ngày 25-7 đến nay, mỗi ngày mực nước tăng 3 – 5cm. Do ảnh hưởng của trục rãnh áp thấp, kèm theo đó là lượng nước thượng nguồn đổ về nhiều kết hợp với lượng mưa tại chỗ khiến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tăng cao.
Trước diễn biến mưa lũ phức tạp hiện nay, các địa phương đầu nguồn đang tập trung các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Đến nay, huyện An Phú, tỉnh An Giang vừa hoàn tất kiên cố 85 cống đập, 125 trạm bơm điện, phục vụ tưới tiêu, chống úng cho gần 100% diện tích (hơn 2.700ha) lúa vụ 3. Trong khi đó, huyện đầu nguồn Phú Tân (An Giang) thành lập gần 70 chốt cứu hộ cứu nạn với 700 thanh niên tham gia. Trong đó, 18 chốt túc trực 24/24 giờ tại các nơi xung yếu. Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp đã dành hơn 1 tỷ đồng mở các lớp tập bơi cho trẻ em nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em chết đuối trong mùa nước lên.
Tổng hợp