Miền Trung và Tây Nguyên bùng phát sốt xuất huyết bùng phát

Cập nhật: 09-07-2010 | 00:00:00

730 ca bệnh ở Phú Yên trong vài tháng nay, một người tử vong, khiến tỉnh quyết định công bố dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Tỉnh Gia Lai cũng có một người chết vì bệnh này. Nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, số người nhập viện tăng cao.

 

Trong quyết định công bố dịch sốt xuất huyết của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chiều 8-7, thời gian xảy ra dịch từ ngày 14-6. Hai địa phương là phường 9 ở thành phố Tuy Hòa và xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) có quy mô dịch ở mức độ trung bình. Các phường 2, 6, 7, 8, Phú Đông, xã Bình Kiến (Tuy Hòa); các xã Hòa Thắng, Hòa Trị, Hòa An (huyện Phú Hòa), xã An Cư (huyện Tuy An); xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu); xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), đều ở quy mô dịch mức độ nhỏ.

   Đội phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Gia Lai tiến hành phun thuốc trừ muỗi ở nhiều khu dân cư.

 

Trước tình hình trên, Sở Y tế Phú Yên đã thành lập Ban điều hành phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Nhiệm vụ xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phòng chống dịch sốt xuất huyết; tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở điều trị, dự phòng chuẩn bị và triển khai phòng chống dịch.

 

Tại các địa phương có dịch, UBND tỉnh yêu cầu kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch.

 

Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai, trong vòng một tháng qua, gần 200 bệnh nhân đã nhập viện vì mắc bệnh sốt xuất huyết. Ông Phạm Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Gia Lai cho biết, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát và có chiều hướng gia tăng đột biến ở các địa phương trong tỉnh.

 

Bệnh viện Đa khoa thành phố Pleiku đang bị quá tải khi số người nhập viện ngày càng đông. Đặc biệt nhiều ca nặng phải chuyển về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Trong đó, một trường hợp bị tử vong là anh Tạ Văn Hiệu (37 tuổi) ở thị trấn Phú Túc. Kết luận bệnh án khẳng định anh Hiệu tử vong do sốt xuất huyết diễn tiến nặng sang xuất huyết não.

 

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết gia tăng đột biến, ngành y tế Gia Lai đã triển khai các biện pháp phòng chống như: phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành ở những khu nhà, địa điểm có bệnh nhân trong vòng bán kính 200 mét; diệt loăng quăng, bọ gậy tại các phường trọng điểm như Ia Kring, Yên Đỗ, Diên Hồng, TP. Pleiku. Người dân cũng được khuyến cáo dọn vệ sinh, nằm màn kể cả ban ngày.

 

Tại Kon Tum, ngành y tế tỉnh này cũng thống kê đã có 110 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết.

 

Chiều 8-7, bác sĩ Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ngãi cho biết, năm nay dịch sốt xuất huyết ở Quảng Ngãi diễn biến bất thường. Dịch xuất hiện trên diện rộng, kể cả địa bàn miền núi và hải đảo, số ca mắc bệnh tăng cao.

 

Cả tỉnh có 677 trường hợp ở 9 trong số 14 huyện, thành phố bị bệnh này, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhiều nhất là thành phố Quảng Ngãi, hai huyện Đức Phổ và Sơn Tịnh.

 

Ngành Y tế Quảng Ngãi đang tập trung phối hợp với các địa phương khoanh vùng ổ dịch, xử lý môi trường, phun hóa chất. “Điều đáng lo là trong khi dịch sốt xuất huyết đang hoành hành thì ý thức của người dân ở nhiều nơi còn khá lơ là, chủ quan trong việc phòng chống nên dễ khiến cho dịch bệnh lây lan trên diện rộng trong thời gian tới”, ông Nên lo lắng nói.

 

Bình Định nằm trong nhóm tỉnh, thành có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong 6 tháng đầu năm có 676 ca bệnh, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu ở thành phố Quy Nhơn, các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát.

 

Tỉnh cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đều là trẻ em. Đó là em Nguyễn Thị Bích Ngọc (11 tuổi, ở thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) và Trần Xuân Trí (7 tuổi, ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn).

 

Nhận định của ngành chức năng, với số ca bệnh sốt xuất huyết ở độ 3, 4 tăng cao trong thời gian qua, thì nguy cơ tử vong sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

 

Theo Tiến sĩ Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn: “Tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp có nhiều nguyên nhân, trong đó thời tiết có nắng có mưa là điều kiện thuận lợi cho loại muỗi vằn phát sinh và phát triển; hiệu quả hoạt động phòng chống dịch của các địa phương chưa cao”.

 

Ông Trung cho biết, Viện đang phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tổ chức những hoạt động giám sát và hỗ trợ các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết lây lan.

 

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận gần 20.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 20 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2009, số ca mắc sốt xuất huyết giảm hơn 25% nhưng lại tăng cục bộ tại khu vực miền Trung, miền Nam, nhất là Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Đăk Nông, An Giang, Sóc Trăng...

 

Dịch bùng phát mạnh ở các địa phương này do hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để dịch xuất hiện và lan nhanh như mưa nắng thất thường, triều cường... Tại các tỉnh miền Bắc, số ca sốt xuất huyết cũng tăng nhanh trong 5 tháng đầu năm với 520 trường hợp, trong đó Hà Nội chiếm tới 80%.

 

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành.

 

Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách.

 

Muỗi vằn chích hút máu người cả ngày lẫn đêm. Theo khuyến cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, gia đình cần phải đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá diệt bọ gậy.

 

Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước bình hoa mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi.

(THEO VNE)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên