Chiều 9-2, trao đổi với PV, ông Đỗ Thanh Duy, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, sau khi dự thảo học sinh nước ngoài có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ Việt Nam không phải dự thi được công bố nhiều góp ý đã gửi về.
Miễn thi đại học cho học sinh nước ngoài
Hầu hết ý kiến từ các trường đều đồng thuận mới với điểm mới đưa ra.
Tuy nhiên, đó là khung quy định chung, còn hiệu trưởng các trường, căn cứ kết quả học tập bậc trung học phổ thông của học sinh (bảng điểm), khi đạt yêu cầu kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường, sẽ xem xét quyết định cho vào học - ông Duy nói.
Trong khi các HS Việt Nam vẫn phải tham dự các kỳ thi tuyển sinh thì dự kiến năm 2011 HS nước ngoài chỉ phải xét tuyển hồ sơ khi có nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam.
Quy định này không phân biệt học sinh nước ngoài phải tốt nghiệp THPT ở nước ngoài. Học sinh quốc tế theo học phổ thông ở Việt Nam cũng được hưởng ưu tiên "không phải dự thi tuyển sinh".
"Nhiều lần họp góp ý, tôi đều ủng hộ điểm mới này bởi, Việt Nam đã mở cửa hội nhập nên việc có chính sách "hút" người nước ngoài vào Việt Nam học là cần thiết" - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Đỗ Văn Xê nhìn nhận.
Ông Xê phân tích, người nước ngoài vào Việt Nam học ngày một nhiều lên, sẽ tạo cơ hội cho học sinh Việt Nam có thể giao lưu với học sinh quốc tế; đồng thời còn trao đổi, học hỏi môi trường giáo dục giữa Việt Nam và bạn bè ngoại quốc.
Còn Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Lê Hữu Lập khẳng định, việc miễn thi cho học sinh quốc tế ở một số nước đã thực hiện nhiều năm nay.
Chính sách này không những thu hút được nhiều người nước ngoài đến học mà còn giúp tăng trưởng GDP cho các nước. Do vậy, chủ trương "miễn thi đại học cho người nước ngoài" là hợp lý.
Theo quan điểm của ông Lập, điều quan trọng hơn cả trong đào tạo ĐH phải là đầu ra, còn đầu vào nên mở.
Nếu học sinh nước ngoài có nguyện vọng, trường ông sẽ nhận hết. Vấn đề là quá trình học tập, nếu học sinh không thạo tiếng Việt thì học sẽ không giỏi. Do vậy, song song với việc trợ giúp dạy tiếng Việt thì cần phải thắt chặt quá trình đánh giá thi cử.
Thực tế, mùa tuyển sinh năm nào, học viện cũng nhận khoảng 10 học sinh nước ngoài nhập học.
"Học sinh đến từ những nước lớn thì không lo lắm về chất lượng. Nhưng nhiều học sinh đến từ nước Lào, Campuchia thì ngược lại" - ông Lập cho hay.
Với nhiều học sinh đến từ Lào mà học yếu, nhà trường phải có kế hoạch phụ đạo, thường xuyên trợ giúp các môn xã hội. Những học sinh học không được, nhà trường tạo điều kiện cho học lại.
"Lo học sinh nước ngoài không giỏi tiếng Việt thì sẽ rất khó khăn trong việc học" là tâm tư của nhiều lãnh đạo các trường ĐH.
Nhưng, Phó Hiệu trưởng Đỗ Văn Xê lại cho rằng, đó không phải là vấn đề đáng lo vì học là quá trình lâu dài.
Để đảm bảo công bằng trong quá trình học thì nhà trường quy định, học sinh người nước ngoài chỉ được miễn thi đầu vào, còn quá trình học được thực hiện theo quy định. Sau hai học kỳ liên tiếp mà kết quả học đạt quá thấp sẽ bị buộc thôi học.
Từ nhìn nhận "không phải tất cả học sinh nước ngoài đều giỏi" nên Giám đốc ĐH Đà Nẵng Trần Văn Nam cho rằng, để phân loại được học sinh, các em phải cùng được tham gia một sân chơi. Do đó, học sinh nước ngoài có nguyện vọng học tại ĐH Đà Nẵng đều phải tham gia quá trình thi tuyển hoặc xét tuyến.
Ông Nam cũng đồng tình với chủ trương cần có chính sách để "hút" học sinh nước ngoài đến học. Nếu quy định được Bộ trưởng phê duyệt thì nên giao cho các trường thực hiện xét tuyển. Tức là, thay vì tổ chức thi chung thì từng trường có hình thức xét tuyển riêng đối với đối tượng học sinh nước ngoài để tạo công bằng với học sinh Việt Nam.
Nội dung này sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị tuyển sinh dự kiến tổ chức ngày 19-2.
Theo VNN