“Mở cửa” lại hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lộ trình

Cập nhật: 11-09-2021 | 07:46:11

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình các ý kiến đóng góp của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và một số giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong các tháng cuối năm 2021.

 Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu giải đáp ý kiến của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Khẩn trương thực hiện các công trình trọng điểm

Giải trình ý kiến về tiến độ triển khai thực hiện một số công trình trọng điểm còn chậm; công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là vấn đề phức tạp, khó khăn trong thời gian qua. Lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và có nhiều giải pháp quyết liệt. Tuy nhiên, cùng với tác động của dịch bệnh và những nguyên nhân trước đây như đơn giá bồi thường, chưa kịp thời bố trí dự án dẫn đến áp lực công việc và ảnh hưởng thời gian hoàn thành dự án...

Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với từng công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn; rà soát, nghiên cứu tạo quỹ đất sạch, lập phương án đầu tư, xây dựng các khu tái định cư để bố trí tái định cư. Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị, thành phố trong quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.

Tăng cường đổi mới công nghệ

Giải trình các ý kiến đề nghị cần khuyến khích doanh nghiệp (DN) sử dụng các vật tư, thiết bị, nguyên liệu trong nước; đồng thời chú trọng không làm đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất của các DN, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thời gian qua, tỉnh đã chủ động tuyên truyền, khuyến khích DN ưu tiên sử dụng các vật tư, thiết bị, nguyên liệu trong nước; chất lượng hàng hóa, nguyên vật liệu trong nước được cải thiện. Hiện nay, các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh cũng đã phát huy vai trò là cầu nối để sử dụng nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, tạo thành chuỗi cung ứng khép kín nên tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong nước từng bước được nâng lên.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT ngày 17-8-2021, có hiệu lực kể từ ngày 2-10- 2021 về việc Ban hành danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được. Đây là căn cứ xác định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đối tượng miễn thuế nhập khẩu; là cơ sở để khuyến khích các DN sử dụng nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập quốc tế, các hiệp định tự do thương mại có hiệu lực nên hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh bởi trang thiết bị nhập khẩu. UBND tỉnh đề nghị các DN tăng cường đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.

Thực hiện ngay nhiều giải pháp sau thời gian giãn cách

Giải trình các ý kiến đề nghị tiếp tục quan tâm đến các hoạt động KT-XT sau thời gian giãn cách xã hội, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh đến việc thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sớm đưa tỉnh trở về trạng thái “bình thường mới”. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo xuyên suốt, kịp thời nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với tình hình phát triển KT-XH của tỉnh.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4370/KH-UBND ngày 1-9-2021 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển KT-XH sau thời gian giãn cách xã hội; trong đó tập trung thực hiện 2 nhóm giải pháp với 8 nhóm nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị của tỉnh. Ngoài ra, để sớm đưa toàn tỉnh trở về trạng thái “bình thường mới” vào ngày 15-9-2021, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch khôi phục các hoạt động KT-XH với mục tiêu từng bước mở cửa, hồi phục nền kinh tế, giải quyết việc làm và an sinh xã hội; cho phép mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh được hoạt động khi bảo đảm các điều kiện an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trước mắt là quản lý thật tốt việc giãn cách và khóa chặt “vùng đỏ”, “điểm đỏ”, xét nghiệm thần tốc hơn nữa để nhanh chóng phát hiện, tách nguồn lây F0 ra khỏi gia đình, cộng đồng. Thực hiện lộ trình nới lỏng giãn cách “vùng xanh” từ ngày 10 đến 15-9 cho lưu thông trong phạm vi phường, xã. Sau 15-9 cho lưu thông trong phạm vi liên huyện, thị xã, thành phố. Sau 20-9, cho lưu thông trong phạm vi toàn tỉnh. Cùng với đó xác định các trường hợp người dân không được ra đường; hướng dẫn cho gia đình, khu phố, ấp, cơ quan, đơn vị tự thực hiện xét nghiệm; hoàn thành trạm y tế lưu động tại các địa phương, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; áp dụng công nghệ thông tin để quản lý toàn dân theo mã QR-code trên nên tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân biết và thực hiện.

Tập trung phục hồi kinh tế

Về giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp để “mở cửa” trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lộ trình; tổ chức lưu thông trên địa bàn trong trạng thái “bình thường mới”, xây dựng các chính sách thuộc thẩm quyền để hỗ trợ DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; bảo đảm nguyên vật liệu và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu.

UBND tỉnh sẽ tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển, sớm triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn để khởi công mới các công trình đủ điều kiện tại các “vùng xanh” trên địa bàn; tiếp tục thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Bình Dương sẽ tạo đột phá trong cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh và hoạt động sản xuất, kinh doanh; đổi mới cách thức giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tỉnh thành lập các tổ công tác đặc biệt để nhanh chóng giải quyết các khó khăn trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động. Cùng với đó là thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ tạo việc làm mới cho người lao động, triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và DN, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, phục vụ đời sống người dân...

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên