Mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến ở bậc tiểu học: Ngày càng phát huy hiệu quả

Cập nhật: 12-11-2024 | 09:16:23

 Để nâng cao chất lượng giáo dục, bắt kịp với xu thế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng mô hình “Lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến”. Mô hình này được xây dựng nhằm hướng đến thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, sử dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

 Một tiết dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trường Tiểu học Khánh Bình, TP.Tân Uyên

Xu hướng giáo dục hiện đại

Mô hình “Lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến” do Trường Tiểu học Trừ Văn Thố thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bàu Bàng nghiên cứu, xây dựng thành công trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai giảng dạy trực tiếp tại một điểm cầu vàtrực tuyến tại nhiều điểm cầu khác nhau. Với thực tếnày, trong một tiết học giáo viên (GV) có thể giảng dạy cho hàng trăm em học sinh (HS) bao gồm cả lớp học trực tiếp và các lớp kết nối trực tuyến qua đường truyền internet. Hiện tại, mô hình này đã và đang được SởGD&ĐT triển khai thực hiện toàn tỉnh.

Theo ghi nhận lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến môn âm nhạc khối lớp 4 tại Trường Tiểu học Khánh Bình (TP.Tân Uyên), GV đứng lớp sẽ dạy trực tiếp tại một lớp 4 và 13 lớp 4 còn lại của nhà trường ở 2 cơ sở được kết nối tham gia vào lớp học. Là người trực tiếp dạy ở tiết học này, thầy Nguyễn Ngọc Quân, GV âm nhạc chia sẻ: “Với phương pháp dạy này sẽ giúp giảm tải cho chúng tôi trong bối cảnh GV âm nhạc thiếu nhưng số HS của trường quá đông. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi nỗ lực để thực hiện tốt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT, cho biết mô hình này được Sở GD&ĐT triển khai thực hiện từ năm học 2021-2022 và duy trì cho tới nay. Khi thực hiện mô hình sẽ tùy theo thực tếcủa các trường để áp dụng nhằm tạo môi trường học tập hữu hiệu, công bằng, HS được tiếp cận với các GV giỏi và những phương pháp giáo dục tiên tiến. Đặc biệt, mô hình này còn giải quyết tình trạng thiếu giáo viên bộ môn ở các trường hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh.

Là một trong những GV có nhiều kinh nghiệm trong triển khai dạy học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thầy Trần Cao Đại, GV Trường Tiểu học Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng), chia sẻ: “Mô hình này giúp giảm tải cho GV rất nhiều”. Thầy Đại dẫn chứng trước đây một tuần có khi phải dạy trên 30 tiết nhưng từ khi áp dụng mô hình này đã giảm xuống còn khoảng 25 tiết.

 Sở GD&ĐT tổ chức báo cáo chuyên đề, tập huấn cho các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh về mô hình “Lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến”

Hướng tới nhân rộng

Thời gian qua, Sở GD&ĐT cũng đã có nhiều hoạt động giúp các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt mô hình này, từ đó nhân rộng trên địa bàn tỉnh để tổ chức giảng dạy, đáp ứng yêu cầu dạy và học hiện nay. Cụ thể, sở đã tổ chức chương trình tập huấn chuyên đề “Lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến” để các trường thấy được hiệu quả từ mô hình mang lại, qua đó giúp các trường nắm bắt được việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, các phần mềm, phương pháp, thiết bị cần thiết để trang bị cho lớp học này.

Tại hội thi GV dạy giỏi - Giải thưởng Võ Minh Đức năm 2024, Sở GD&ĐT đã áp dụng hình thức thi mới góp phần duy trì và nhân rộng mô hình “Dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến”. Cô Nguyễn Thị Hoa, GV Trường Tiểu học Tân Đông Hiệp C (TP.Dĩ An), chia sẻ: “Hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến là hình thức dạy học linh hoạt, tạo cơ hội để GV được trải nghiệm và nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Đồng thời, mang lại cho người học sự hứng thú bởi sự mới mẻ trong hình thức và không gian học tập”.

“Sở GD&ĐT đánh giá rất cao mô hình này, vìnó rất phù hợp trong chuyển đổi số và tình hình thực tế của ngành giáo dục Bình Dương. Việc áp dụng mô hình sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại một số trường hiện nay; đồng thời giúp học sinh tiếp cận, học tập với các giáo viên giỏi, theo xu hướng công nghệ số hiện nay. Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị tham gia học tập và triển khai thực hiện nhằm phát huy hiệu quả tối ưu nhất”, bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT, cho biết thêm.

Mô hình dạy học kết hợp đang được nhiều trường học áp dụng và hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích vẫn còn đó những khó khăn như về đường truyền, các sự cố kỹ thuật hay việc thiếu sự tương tác trực tiếp với HS học trực tuyến, khiến GV khó nắm bắt được tiến độ học tập và tâm lý của các em. Việc sử dụng nhiều công cụ công nghệ mới cũng đòi hỏi GV phải không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ năng.

Đối với HS, việc chuyển đổi từ hình thức học tập truyền thống sang mô hình kết hợp cũng là một thách thức không nhỏ. Có thể thấy việc dạy học kết hợp là một xu hướng trong giáo dục hiện đại, tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ, cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng của GV và HS.

 Trong năm học 2023- 2024, toàn tỉnh có 142/153 cơ sở giáo dục lắp đặt phòng dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến và khai thác hiệu quả đạt tỷ lệ 93%. Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin, tập huấn cho đội ngũ GV bảo đảm vận dụng linh hoạt chuyên đề “Dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp”...

 HỒNG PHƯƠNG - KHẮC THỊNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=79
Quay lên trên
X