Mô hình kinh tế tổ hợp tác phát huy hiệu quả

Cập nhật: 19-04-2023 | 08:53:24

Thực tế cho thấy, mô hình tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả thúc đẩy phát triển sản xuất ở nông thôn, giúp các hộ sản xuất nhỏ lẻ liên kết lại, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật và ổn định đầu ra của sản phẩm. Đồng thời, tạo tiền đề để phát triển thành mô hình kinh tế hợp tác xã, nòng cốt của kinh tế tập thể.

 THT bonsai, cây cảnh thị trấn Tân Thành thành lập năm 2022 góp phần phát triển nông nghiệp đô thị

Phát triển kinh tế hộ

THT bonsai cây cảnh (thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên) mới thành lập hơn 1 năm nhưng đã phát huy được vai trò “bà đỡ” trong phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời thúc đẩy nông nghiệp đô thị của địa phương phát triển. THT có 4 thành viên với tổng cộng hơn 200 gốc mai, đáp ứng nhu cầu mua hoặc thuê người dân và các nhà đầu tư, cơ quan, quán cà phê trên địa bàn.

Anh Hồ Nghĩa Vinh, Tổ trưởng THT bonsai cây cảnh thị trấn Tân Thành, cho biết khi chưa thành lập THT, các thành viên làm nhỏ lẻ theo sở thích. Trở thành thành viên THT được tham dự các lớp tập huấn để có thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây, tạo dáng cây đẹp hơn. Đây cũng là dịp để các nhà vườn trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đồng thời tạo cơ hội quảng bá sản phẩm của mình. Mặt khác, việc chăm sóc cây sẽ thuận lợi hơn bởi các thành viên sẽ hỗ trợ nhau. Đặc biệt, chi phí đầu tư cho mai rất lớn, tham gia THT thành viên được tiếp cận nguồn vốn vay để nhập thêm giống và làm thêm các hạng mục khác.

“Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các thành viên bán được khoảng 60% gốc mai, sử dụng vốn thu hồi được để mua phân, giống chăm sóc số cây còn lại. Trồng bonsai, cây cảnh nếu bán không hết hoặc cây chưa đạt yêu cầu có thể giữ lại chăm sóc cho đạt đợi có giá để bán”, anh Vinh cho biết thêm.

Tương tự, THT chăn nuôi bò xã Long Hòa (huyện Dầu Tiếng) với 11 thành viên, thành lập năm 2020 hoạt động tương đối hiệu quả, các thành viên có thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Thanh Hà, Tổ trưởng THT chăn nuôi bò xã Long Hòa, cho biết lợi thế của xã là có đất đai rộng lớn, thuận lợi cho phát triển chăn thả, nguồn thức ăn dồi dào. THT có khoảng 300 con bò, các thành viên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tăng đàn giúp tăng thêm thu nhập. Ông Nguyễn Văn Chua, thành viên THT chăn nuôi bò xã Long Hòa, chia sẻ: “Tham gia THT các thành viên được trao đổi kinh nghiệm, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Tôi mong muốn địa phương quan tâm, hỗ trợ công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi để bảo đảm ổn định và phát triển bền vững”.

Có thể nhận thấy, trong sản xuất nông nghiệp, mô hình THT chăn nuôi bò xã Long Hòa đã giúp cho nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa; giải quyết tình trạng sản xuất manh mún và tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn đáp ứng yêu cầu thị trường. Ngoài ra, các thành viên cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ cũng như tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế bền vững.

Tiền đề thành lập hợp tác xã

Các hợp tác xã (HTX) đi lên từ THT hoạt động hiệu quả là nền tảng để phát triển mạnh, bền vững. Điển hình như HTX Nông nghiệp sạch Minh Hòa Phát (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng). Từ mô hình THT với 10 thành viên, năm 2017 phát triển thành HTX, đến nay gồm 15 thành viên. Thời điểm kinh doanh hiệu quả, HTX đạt lợi nhuận 12 tỷ đồng/năm. Hiện nay, mặc dù sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nhưng HTX vẫn bảo đảm hoạt động sản xuất, thu nhập cho thành viên, người lao động.

Ông Tống Văn Hướng, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Minh Hòa Phát cho rằng: “Việc phát triển lên thành HTX giúp các thành viên hoạt động theo tổ chức có tư cách pháp nhân. Từ đó thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao uy tín trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi hơn”.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã ưu tiên thành lập các THT để phát triển sản xuất hàng hóa, các sản phẩm có thế mạnh, sản phẩm chủ lực của địa phương. Từ đó, lựa chọn các THT hoạt động tốt để khuyến khích phát triển lên thành HTX. Ông Phạm Bình Long, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân (huyện Dầu Tiếng), cho biết trên địa bàn xã có các THT đang hoạt động hiệu quả như THT thu gom rác thải và THT hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su. Xã có định hướng nâng tầm các THT để thành lập HTX, tạo tiền đề để phát triển thực chất, hiệu quả.

Ông Trần Trung Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, cho biết cây trồng chủ lực của xã vẫn là cao su. Một số hộ thanh lý cây cao su kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái. Điển hình THT trồng và chăm sóc cây sầu riêng có tới 40 thành viên, xã tạo điều kiện đầu tư sản xuất, tạo động lực phát triển lên HTX trồng và chăm sóc cây sầu riêng để có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn.

 Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 201 THT, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2022. Đa số THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 106 THT trồng trọt với 899 thành viên; 70 THT chăn nuôi với 590 thành viên. Các THT đã tạo được việc làm cho một bộ phận lớn lao động ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=854
Quay lên trên