Mô hình liên kết “tam giác”: Cung ứng tốt lao động cho các doanh nghiệp

Cập nhật: 19-09-2012 | 00:00:00

Để đáp ứng nguồn lao động (LĐ) cho các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, Bình Dương triển khai kế hoạch liên kết LĐ với các tỉnh theo mô hình liên kết “tam giác” nhằm liên kết giữa “3 nhà” DN, trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh và tỉnh bạn để giới thiệu và cung ứng LĐ cho DN ở Bình Dương.

Nhìn từ thực tế

Từ năm 2007, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ LĐ các địa phương làm việc tại tỉnh Bình Dương, TTGTVL Bình Dương đã ký hợp đồng liên kết với các TTGTVL Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Quảng Nam, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long về việc tuyển dụng và đưa LĐ các tỉnh làm việc tại các công ty, DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Chỉ tính riêng trong năm 2011, các tỉnh đã đưa 1.695 LĐ về Bình Dương làm việc tại các công ty gỗ Golden, Dệt Kon... Ngoài những LĐ đăng ký đi làm việc qua hệ thống TTGTVL, còn rất nhiều LĐ của các tỉnh đi làm việc tại Bình Dương bằng nhiều kênh khác nhau. Theo thống kê của các địa phương, chỉ trong năm 2011 đã có 40.000 đến 50.000 LĐ các tỉnh đến làm việc tại Bình Dương. TTGTVL Bình Dương đã phối hợp với TTGTVL các tỉnh trong việc tổ chức, sắp xếp đưa lãnh đạo các địa phương có nguồn LĐ (bao gồm lãnh đạo UBND huyện, phòng LĐ-TB&XH huyện và chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã, thị trấn...) đi tham quan thực tế tại các khu công nghiệp, các DN tại tỉnh Bình Dương có nhiều LĐ các tỉnh đang làm việc. Qua đó tìm hiểu về quy mô sản xuất, điều kiện làm việc, ăn ở, tiền lương, thu nhập của người LĐ... làm cơ sở trong chỉ đạo công tác giải quyết việc làm tại địa phương mình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị thăm hỏi công nhân ngoài tỉnh đang làm việc tại công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam

Yên tâm tuyển dụng

Đến nay, đã có 30 tỉnh, thành liên kết cung ứng LĐ vào Bình Dương làm việc qua 2 phương thức tuyển dụng: Theo mô hình liên kết “tam giác” giữa DN, các TTGTVL tỉnh và TTGTVL, các đơn vị, tổ chức của tỉnh bạn liên kết chặt chẽ với nhau để giới thiệu và cung ứng LĐ cho Bình Dương và phương thức DN tuyển dụng trực tiếp với các đơn vị, tổ chức của các tỉnh bạn.

 

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Phùng Trung nhận xét: “Cung ứng LĐ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định đời sống là một chuỗi các mục tiêu của quá trình tổ chức và thực hiện liên kết LĐ với các tỉnh. So với trước đây khi chưa thực hiện chương trình này, liên kết LĐ chỉ đơn thuần là cung ứng LĐ để giải quyết việc làm nhằm thỏa mãn nhu cầu tuyển dụng của DN và nhu cầu tìm việc của người LĐ. Các hình thức cung ứng LĐ và các phương pháp tiếp cận của DN khi tuyển dụng LĐ thông qua các TTGTVL trong và ngoài tỉnh đã làm thay đổi sự thụ động của các nhà tuyển dụng trước đây, thay vào đó là sự tự chủ và linh hoạt hơn của các nhà tuyển dụng, đã tác động tích cực đến ý thức của người LĐ và thị trường LĐ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về LĐ và việc làm của Bình Dương và các tỉnh. Từ kết quả của chương trình, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch liên kết LĐ, quản lý nguồn nhân lực của địa phương”.

Qua tìm hiểu, thực hiện kế hoạch liên kết LĐ với các tỉnh để cung ứng LĐ cho các DN, Bình Dương thực hiện những chính sách linh hoạt để hỗ trợ nhà ở đối với công nhân LĐ, khuyến khích DN trong tỉnh thực hiện tốt các chế độ để thu hút người LĐ như: xây dựng nhà ở cho công nhân, trợ cấp nhà ở và các khoản trợ cấp khác như ăn trưa, đi lại khu vực, thưởng tăng năng suất, chất lượng, hiếu hỷ... Với phương thức liên kết “3 nhà”, DN rất yên tâm khi tuyển dụng LĐ có chất lượng, ổn định về số lượng; còn người LĐ cũng như gia đình không lo ngại về “cò LĐ”. Đồng thời khi đến Bình Dương làm việc, người LĐ được lo các khoản kinh phí, được bố trí việc làm phù hợp và ổn định. Nhờ đó, trong thời gian qua đã có không ít LĐ đến Bình Dương làm việc thông qua mô hình liên kết rồi họ tự giới thiệu người thân cùng vào làm việc ở Bình Dương.

Nhưng vẫn còn vướng

Đa số người LĐ đến Bình Dương là ở nông thôn quen với tập tính tự do trong LĐ, chưa có ý thức kỷ luật LĐ trong môi trường làm việc công nghiệp nên hiệu quả công việc chưa cao, dẫn tới thu nhập thấp. Một số công ty chưa có chính sách giữ người LĐ nên thường xảy ra tình trạng LĐ đổi chỗ làm việc từ công ty này sang công ty khác, gây tình trạng khan hiếm LĐ ảo. Sự mất cân đối trong nhu cầu tuyển dụng LĐ về giới. Có quá nhiều DN cần tuyển dụng LĐ nữ và ít DN muốn tuyển dụng LĐ nam. Điều này xuất phát từ đặc thù sản xuất của DN: ngành may, điện tử, giày da... Từ đó dẫn đến sự cạnh tranh LĐ về nữ trong các DN. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho việc tuyển chọn LĐ của các địa phương. Hiện nay, do không có kinh phí trả cho người trực tiếp tư vấn nhu cầu tuyển dụng của DN tới các địa phương từ thôn, ấp nên người LĐ đi theo con đường chính thống (liên kết LĐ) ít hơn là đi theo con đường không chính thống (qua cò LĐ hoặc người thân giới thiệu), mặc dù người LĐ đi làm việc theo con đường không chính thống có thể gặp những rủi ro và việc làm không ổn định do không nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng và các chế độ của công ty tuyển dụng. Không có kinh phí hỗ trợ việc tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng LĐ của các DN tại Bình Dương đến các địa phương có nguồn LĐ. Một số công ty, DN không có nhà nội trú cho LĐ, LĐ phải thuê nhà trọ xa công ty, không có phương tiện đưa rước công nhân gây nên khó khăn cho người LĐ...

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH HUỲNH VĂN NHỊ: Chương trình liên kết LĐ được tích cực triển khai

Chúng tôi đánh giá cao tính chịu thương, chịu khó, vốn kinh nghiệm trong công việc và thiện chí gắn bó lâu dài của nguồn nhân lực mà các tỉnh đã chia sẻ với Bình Dương. Chương trình liên kết LĐ sẽ được tích cực triển khai trong giai đoạn 2011-2015 với những nhu cầu thiết thực hơn. Người LĐ sẽ được đào tạo nghề theo yêu cầu của DN trước khi bước vào làm việc, điều kiện làm việc sẽ được cải thiện, các nhu cầu an sinh xã hội, thu nhập, nhà ở, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí cũng như các ý kiến đề nghị của địa phương, DN... sẽ được tỉnh hết sức quan tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người LĐ, tạo cuộc sống ổn định để người LĐ thực sự an tâm công tác, gắn bó làm việc lâu dài tại Bình Dương.

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LĐ-TB&XH KIÊN GIANG NGUYỄN HỮU HÙNG: Cần quan tâm và có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho người LĐ

Từ những kết quả đạt được trong hợp tác đào tạo nghề và cung ứng LĐ với tỉnh Bình Dương, Sở LĐ-TB&XH Kiên Giang có những đề xuất, kiến nghị: UBND tỉnh và ngành LĐ-TB&XH Bình Dương chỉ đạo các công ty, DN cần quan tâm và có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho người LĐ về tiền lương, thu nhập, nhà ở, các khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng, các chế độ BHXH, BHYT, BHTN để người LĐ an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với DN. Đề nghị Bình Dương cần có chính sách hỗ trợ kinh phí tuyên truyền quảng cáo cho các địa phương có liên kết. TTGTVL Bình Dương tiếp tục tạo điều kiện, giúp đỡ làm cầu nối để đưa lãnh đạo chủ chốt của các địa phương đi tham quan thực tế các công ty, DN tại Bình Dương để làm cơ sở chỉ đạo công tác giải quyết việc làm trong thời gian tới.

 

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=309
Quay lên trên