Thực hiện chủ trương chuyển đổi những vùng đất chuyên sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây bắp (2 vụ lúa xen 1 vụ bắp) theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tháng 9-2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành khảo sát, chọn hộ ký hợp đồng triển khai mô hình Trồng bắp lai trên cánh đồng lớn trên địa bàn xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng và phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên với quy mô 9,6 ha.
Nông dân tham quan mô hình trình diễn giống bắp CP 333 tại phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Qua điều tra sơ bộ tại huyện Dầu Tiếng, TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên của ngành chức năng cho thấy, tổng diện tích đất lúa trong quy hoạch khoảng hơn 2.600 ha. Trong quá trình sản xuất 3 vụ lúa, vụ Đông - Xuân điều kiện khí hậu không phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển cây lúa. Do vậy, hiệu quả kinh tế không cao, mặc dù người dân đầu tư chi phí vào sản xuất rất lớn. Trong khi đó, đối với 1 ha trồng bắp năng suất đạt 7 - 10 tấn/ha; với giá bán 5.000 đồng/kg doanh thu đạt từ 35 đến 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi thu được khoảng từ 11 đến 26 triệu đồng. Như vậy, trồng bắp hiệu quả hơn trồng lúa; sản phẩm làm ra còn được bao tiêu theo giá thị trường.
Tham gia thử nghiệm mô hình, gia đình ông Phùng Văn Còn, ở phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên đã thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng giống bắp lai CP333. Theo ông Còn, trước khi thực hiện mô hình, gia đình ông được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc bắp lai, được hỗ trợ 100% giống và 30% vật tư để đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông từ cách xử lý đồng ruộng, xuống giống, xịt cỏ, bón phân đến cách xác định sâu bệnh hại để có cách phòng trừ hợp lý nên sau 100 ngày kể từ khi bắt đầu trồng đến khi thu hoạch, mô hình đã thu được kết quả khả quan. Theo đó, năng suất đạt 7,45 tấn/ha; với giá bán 5.000 đồng/kg đã mang lại doanh thu hơn 37,2 triệu đồng.
Mô hình Kỹ thuật trồng bắp lai trên cánh đồng lớn theo phương pháp làm đất tối thiểu lần đầu tiên được trình diễn trên địa bàn tỉnh đã giúp nông dân tiếp cận với phương pháp canh tác mới, giảm công lao động, giảm áp lực nước tưới trong vụ Đông - Xuân trên các địa bàn triển khai mô hình. Với công tác luân canh các loại cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích đã giúp người nông dân cải thiện môi trường đất, cắt đứt nguồn sâu bệnh cho các vụ sau. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện mô hình, ngành chức năng cũng đã gặp không ít khó khăn. Khó khăn trước hết là do mô hình Kỹ thuật trồng bắp lai trên cánh đồng lớn chuyển giao biện pháp canh tác bắp không làm đất, không vun xới khác với tập quán canh tác lâu nay của nông hộ, nên một số hộ còn e dè trong việc đăng ký tham gia mô hình. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai mô hình do biến động giá cả trên thị trường làm giá bắp giảm hơn 40% đã gây khó khăn trong việc thuyết phục nông dân chuyển đổi cách làm ăn mới.
Nhằm nhân rộng mô hình cho bà con nông dân trong vùng tạo thành vùng chuyên canh sản xuất lớn, đáp ứng sản lượng cho nhu cầu tiêu thụ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trồng bắp lai tại các địa phương triển khai dự án. Bà Lương Thị Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, thời gian qua, việc đưa vào trồng các giống bắp lai trên đất khô hạn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Chính vì thế, trung tâm đã và đang liên kết với các doanh nghiệp để tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm ổn định đầu ra cho nông sản. Từ đó, để người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cũng như tham gia nhân rộng mô hình trong vụ Đông - Xuân năm 2016-2017.
QUỲNH NHIÊN