Mỡ máu cao ở tuổi đôi mươi

Cập nhật: 13-11-2024 | 16:23:24

Tăng 8 kg trong vài tháng, cơ thể mệt mỏi, Ngọc Linh, 25 tuổi, sốc khi nhận kết quả cholesterol 14, cao gần gấp ba lần bình thường.

Linh, ở Hà Nội, là người review (đánh giá) đồ ăn trên mạng xã hội. Mỗi ngày, cô dành 3-4 tiếng để chuẩn bị và quay video. Các món ăn cô gái tiêu thụ đa dạng, từ nem rán, xúc xích, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào, đến nước ngọt, trà sữa, "càng bắt mắt càng thu hút nhiều người". Cô lựa chọn bữa ăn khổng lồ, khẩu phần ăn gấp ba người bình thường để quay, lượt xem tăng lên hàng trăm triệu, kiếm được nhiều hợp đồng hơn.

8 tháng đầu năm nay, người phụ nữ tăng từ 54 kg lên 62 kg, cơ thể ì ạch, nặng nề. Tuy nhiên, Linh bị tích mỡ chủ yếu ở bụng, đùi, mông... còn gương mặt vẫn thon gọn. Đầu tháng 11, cô đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Đại học Y, hoảng hốt khi chỉ số mỡ máu tăng đột biến, cholesterol là 14 mmol/l. Chỉ số cholesterol toàn phần bình thường là <5.1 mmol/L.

Không tin vào chẩn đoán, cô đến bệnh viện khác kiểm tra, "nghĩ mình cao 1,6 m, cơ thể cân đối, không thể bị mỡ máu". Khi nhận về các kết quả giống nhau, cô mất ăn mất ngủ, lo lắng vì bản thân là trụ cột gia đình. Bác sĩ khuyến cáo cô cần giảm cân, hạn chế ăn thức ăn nhanh, tích cực vận động để giảm chỉ số mỡ máu, tránh nguy cơ biến chứng về tim mạch.

Tương tự, Long, 25 tuổi, cao 1,73 m, nặng 100 kg, khiến gia đình lo lắng vì kết quả xét nghiệm cho thấy mỡ máu tăng gấp ba lần, chỉ số creatinin được dùng để chẩn đoán và đánh giá chức năng thận cao bất thường.

Long thường xuyên ăn thực phẩm chế biến sẵn, trà sữa, cà phê để giải stress do áp lực công việc. Nghĩ tuổi trẻ, chăm tập thể thao, chàng trai ăn uống "thả ga", không nghĩ bản thân mắc bệnh. Khi nhận kết quả, cùng cảnh báo nguy cơ bị suy thận, Long thường xuyên suy nghĩ tiêu cực, mất ngủ.

Một số người dân đạp xe tập thể dục ở Hồ Tây, quận Tây Hồ (Hà Nội).

Cholesterol là một thành phần của lipid máu, vai trò quan trọng trong hoạt động của tế bào sợi thần kinh và sản xuất hormone, giúp cho cơ thể hoạt động bình thường, khỏe mạnh. Cholesterol có 2 loại chính là LDL (cholesterol xấu) và HDL (cholesterol tốt). Cholesterol xấu hay chất béo trung tính (triglycerides) gia tăng là nguyên nhân dẫn đến mỡ máu cao.

Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết đây là một dấu hiệu xấu về sức khỏe vì nó liên quan đến các vấn đề về bệnh lý xơ vữa mạch máu và các bệnh lý khác. "Điều nguy hiểm là bệnh thường không có triệu chứng điển hình nên nhiều người chủ quan", bác sĩ nói.

Mỡ máu cao ngày càng trẻ hóa, xuất hiện nhiều ở những bệnh nhân 20-30 tuổi, thay vì từ 50 tuổi trở lên như trước. Khi mắc bệnh, nhóm này có xu hướng sốc, không tin vào chẩn đoán vì nghĩ bản thân còn trẻ khỏe, không thể mang bệnh người già. Ngoài ra, nhiều người trẻ không khám, xét nghiệm định kỳ, chỉ tình cờ phát hiện bệnh, nên càng có tâm lý lo lắng.

Kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam 2022 cho thấy hơn 29% người Việt Nam trưởng thành bị rối loạn mỡ máu, trong đó tỷ lệ này ở dân thành thị lên tới 44,3%. Cuộc khảo sát trên 4.800 người, công bố vào năm 2010, cho thấy cứ khoảng 2 người dân thành thị thì một người có cholesterol cao. Gần 50% người trưởng thành sống ở các đô thị bị bệnh mỡ máu cao.

Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết mỡ máu không phân biệt người gầy hay mập, trẻ hay già. "Nếu người trẻ, gầy nhưng ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động, hút thuốc lá, rượu bia thì vẫn bị nhiễm mỡ máu", bác sĩ nói. Song, nhóm người trẻ bị béo phì, thừa cân, béo phì có nguy cơ rối loạn mỡ máu (rối loạn chất béo) cao hơn.

Lý giải nguyên nhân, bác sĩ cho rằng chủ yếu do lối sống không lành mạnh, thừa cân, lười vận động khiến cơ thể không thể đào thải kịp. Chẳng hạn, thói quen ăn uống nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn khiến lượng mỡ thừa tích tụ lâu ngày trong cơ thể, dần tiến triển thành bệnh lý. Nhiều người còn nhầm lẫn giữa cholesterol cao với béo phì, cho rằng gầy thì không bị mỡ máu nên chủ quan, ăn uống không khoa học.

Hơn nữa, đồ uống và thực phẩm đường bán ở nhiều nơi, dễ dàng mua đã dẫn đến việc tiêu thụ nhiều đường bổ sung hơn, góp phần làm tăng mức chất béo trung tính và giảm mức cholesterol HDL (tốt).

Một trong những khía cạnh đáng lo ngại nhất của cholesterol cao ở người trẻ là bản chất không có triệu chứng của nó. Điều này dẫn đến cảm giác an toàn giả tạo, cho phép tình trạng này tiến triển không kiểm soát cho đến khi phát sinh biến chứng nghiêm trọng.

Nếu không phát hiện sớm và điều trị, mỡ máu cao có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ, viêm tụy, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Theo nghiên cứu năm 2020, tuổi càng nhỏ nhưng mức cholesterol cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong suốt cuộc đời càng lớn. Nhiều trường hợp mỡ máu cao nhưng không phát hiện kịp thời đã bị tăng huyết áp, đột quỵ, dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.

Những người từ 20 tuổi trở lên nên kiểm tra cholesterol 5 năm một lần ngay cả khi họ trông khỏe mạnh. Khi phát hiện bệnh sớm, bạn sẽ thay đổi lối sống phù hợp và có biện pháp can thiệp y tế thích hợp.

Tập trung vào chế độ ăn uống cân bằng giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Hoạt động thể chất thường xuyên và duy trì cân nặng khỏe mạnh cũng rất quan trọng để kiểm soát mức cholesterol. Bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch.

Nếu mức cholesterol của bạn cao đến mức cần phải dùng thuốc hạ cholesterol như statin, việc thay đổi lối sống có thể giúp tăng hiệu quả của thuốc.

Tuyệt đối không tin vào quảng cáo lọc mỡ máu để phòng bệnh. Kỹ thuật lọc mỡ máu hiện chỉ áp dụng cho những trường hợp viêm tụy cấp kèm theo chỉ số triglycerid tăng cao (trên 11 mmol/L).

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=42
Quay lên trên