Mở rộng đối tượng được tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

Cập nhật: 19-10-2012 | 00:00:00

Sáng 18-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

  Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè có 3 con trai hy sinh và 1 người bị thương trong chiến trường T3. Theo đó, đối tượng được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” sẽ được mở rộng. Cụ thể, những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”: 1- Có 2 con trở lên là liệt sĩ; 2- Chỉ có 1 con, mà người con đó là liệt sĩ; 3- Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; 4- Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; hoặc có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên”. Theo gợi ý của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Pháp lệnh sẽ được ký ban hành đúng vào ngày 20-10-2012 - ngày Phụ nữ Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, hai vấn đề được UBTVQH cho ý kiến là phí điều tiết hoạt động điện lực và cơ quan điều tiết hoạt động điện lực. Theo Tờ trình, Chính phủ vẫn giữ quan điểm cần bổ sung phí điều tiết hoạt động điện lực vào Danh mục phí và lệ phí của Pháp lệnh phí và lệ phí, dù UBTVQH đã từng bác bỏ kiến nghị này.

Được yêu cầu giải trình rõ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trần tình: “Lâu nay kinh phí của Cục Điều tiết Điện lực vẫn phải nhờ Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (EVN) gánh vác một phần nên hoạt động khó mà thật sự công bằng, khách quan. Việc thu phí từ người tiêu dùng sẽ giúp thoát khỏi tình cảnh “tế nhị” đó”. Tuy nhiên, đề nghị này vẫn không nhận được sự đồng tình của UBTVQH.

Một số nội dung của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực cũng đã được các ủy viên UBTVQH tập trung thảo luận. Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, một số ý kiến đề nghị cần thực hiện như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để hợp tác xã có thu nhập, tạo việc làm, mang lại lợi ích cho thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của hợp tác xã. Về tỷ lệ góp vốn, hầu hết các ủy viên UBTVQH tán thành với quy định tỷ lệ vốn góp của mỗi thành viên không quá 20% vốn điều lệ hợp tác xã (như dự thảo luật).

Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về kết quả rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và phương án phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013 - 2015.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, báo cáo bổ sung lần này của Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến của UBTVQH tại phiên họp thứ 8 (ngày 4-5-2012) và của Ủy ban Tài chính Ngân sách. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần được tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện. Đơn cử, đến nay Chính phủ cũng chưa xác định được thời gian kết thúc các chương trình mục tiêu quốc gia mà mới chỉ xác định về thời gian thực hiện của các chương trình là giai đoạn 2012 – 2015. Việc phân giao vốn cụ thể cho từng chương trình còn nhiều điểm chưa rõ ràng và không hợp lý; đặc biệt vẫn còn tình trạng vốn “rải” đều mỗi bộ, mỗi địa phương một ít, khó đảm bảo hiệu quả thực tế.

Nhiều thành viên UBTVQH đồng tình với quan điểm này. Đặc biệt, nhiều ý kiến phân vân về các dự án thành phần trong chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn: “Các đồng chí phải lý giải được tại sao chỉ giao vốn ứng phó BĐKH cho 2 tỉnh, mỗi tỉnh 15 tỷ đồng, như vậy thì đủ để làm được gì? Tại sao phần vốn để lại trên các bộ ngành nhiều như vậy (hơn 230 tỷ đồng)? Sử dụng vào mục đích gì? Có thực sự cần thiết không?”. Sau khi nghe báo cáo danh mục các dự án sự nghiệp của các bộ, Chủ tịch QH đã chỉ rõ một số dự án không có ý nghĩa thiết thực.

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận, UBTVQH sẽ ban hành Thông báo ý kiến về danh mục các chương trình cũng như phần giao vốn cụ thể đối với những dự án đã rõ tính khả thi và hiệu quả, trình QH phê chuẩn. Tuy nhiên, một số dự án chưa có tính thuyết phục cao thì tạm dừng, chưa quyết định ngay. Đề nghị Chính phủ thuyết minh rõ, các cơ quan của QH sẽ tiếp tục thẩm tra, đánh giá. UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn 3 năm 2013 - 2015 cho các chương trình mục tiêu quốc gia khi Chính phủ có Tờ trình và UBTVQH được QH ủy quyền. Chính phủ cũng cần xác định rõ thời điểm kết thúc từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Sau gần 18 năm thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đã có 49.609 bà mẹ được tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Tổng hợp kết quả báo cáo nhanh của 63 tỉnh thành về số gia đình có 2 liệt sĩ trở lên do địa phương (ngành lao động - thương binh và xã hội) đang quản lý, dự kiến số lượng bà mẹ được tặng hoặc truy tặng theo Pháp lệnh sửa đổi là 19.992 mẹ. Trong đó, còn sống 6.785 mẹ (Trích Tờ trình số: 264/TTr-CP ngày 9-10-2012).

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=331
Quay lên trên