Cho rằng giao thông vùng giáp ranh giữa hai địa phương chính là “điểm nghẽn” khiến TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương chưa thể phát huy hết khả năng kết nối phát triển, để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh đã thống nhất nhiều dự án kết nối giao thông. Điều này sẽ tạo động lực phát triển không chỉ cho hai địa phương mà còn cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hai đoàn công tác Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh phối hợp khảo sát thực tế nút giao Sóng Thần nối với đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: MINH DUY
Kết nối hạ tầng giao thông để phát triển
Chiều 15-6, tại TP.Dĩ An, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh về kết nối hạ tầng giao thông giữa hai địa phương. Tham dự còn có lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Dĩ An, TP.Thuận An và TP.Thủ Đức cùng lãnh đạo một số sở, ngành của hai địa phương.
Tại buổi làm việc, hai địa phương đã thông báo, trao đổi về các quy hoạch phát triển giao thông kết nối giữa TP.Thủ Đức với TP.Dĩ An và TP.Thuận An. Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải hai tỉnh đã báo cáo tóm tắt về những quy hoạch, kết quả làm việc giữa hai địa phương về kết nối hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đại diện lãnh đạo TP.Thủ Đức cũng đã trình bày đề xuất kết nối giao thông tại 5 vị trí trọng điểm với TP.Dĩ An và TP.Thuận An để tạo sự đồng bộ, giải tỏa áp lực giao thông trong khu vực, nhất là tuyến Tỉnh lộ 43, nút giao Sóng Thần, tuyến đường Đào Trinh Nhất kết nối với phường An Bình (TP.Dĩ An). Đoàn công tác của Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh cũng đã có buổi khảo sát đường dẫn cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành tại TP.Thủ Đức, nút giao Sóng Thần - Phạm Văn Đồng.
Hai địa phương cũng đã thảo luận và thống nhất một số vấn đề về việc nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1 để tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa trên sông Sài Gòn. Lãnh đạo hai địa phương cũng đã trao đổi về những đề xuất đối với vị trí cầu bắc qua sông Sài Gòn trên đường Vành đai 4 - TP.Hồ Chí Minh; dự án nút giao thông Sóng Thần và dự án nâng cấp mở rộng đường An Bình và cầu kết nối cầu vượt Sóng Thần - Quốc lộ 1A; một số tuyến đường do TP.Dĩ An đã và đang triển khai xây dựng chưa thể kết nối giao thông ra Quốc lộ 1A. Về dự án nút giao thông Sóng Thần và dự án Nâng cấp mở rộng đường An Bình và cầu kết nối cầu vượt Sóng Thần, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ngành lập chủ trương đầu tư 2 dự án trên.
Giải tỏa “điểm nghẽn” giao thông
Trong buổi làm việc, đoàn công tác của TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương đã khảo sát đường dẫn cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành tại TP.Thủ Đức, nút giao Sóng Thần - Phạm Văn Đồng. Tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành dài 60,4km, trong đó đoạn qua Bình Dương dài 53,3km. Đoạn dẫn cao tốc từ nút giao thông Gò Dưa đến đường Vành đai 3, TP.Hồ Chí Minh dài 8,8km, trong đó đoạn từ Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đến nút giao thông Gò Dưa, TP.Hồ Chí Minh dài khoảng 1,6km.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh đã thống nhất các vấn đề về phát triển giao thông kết nối giữa hai địa phương
Lãnh đạo hai địa phương cũng đã thảo luận, trao đổi về các quy hoạch để giải tỏa áp lực giao thông tại các địa bàn tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh, trong đó có đề xuất xây dựng cầu Tân An để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực Tỉnh lộ 8 qua cầu Phú Cường kết nối với đường Huỳnh Văn Cù, đồng thời mở ra không gian phát triển đô thị trong khu vực. Đây được xem là dự án có ý nghĩa quan trọng và hết sức cần thiết. Việc đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Vĩnh Bình đến đường Lê Hồng Phong dài 13,7km với quy mô 8 làn xe nhằm giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị của Bình Dương cũng rất cần thiết. Tuyến đường Vành đai 3 cũng đang được tỉnh Bình Dương khẩn trương thực hiện công tác giải tỏa đền bù và dự kiến khởi công vào cuối tháng 6 theo kế hoạch.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành TP.Hồ Chí Minh cần khẩn trương thực hiện các nội dung mà hai địa phương đã thống nhất và không có lý do gì để trì hoãn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ phát sinh những vấn đề, vì vậy hai địa phương cần thường xuyên trao đổi để giải quyết, tháo gỡ. Ông Phan Văn Mãi cũng đồng ý với 5 đề xuất kết nối giao thông trọng điểm giữa TP.Thủ Đức với TP.Dĩ An, TP.Thuận An và đề nghị rà soát đưa vào quy hoạch kế hoạch trung hạn hoặc thời gian tới. TP.Hồ Chí Minh mong muốn mở rộng kết nối sông Sài Gòn giữa hai địa phương, nhất là trên tuyến sông Sài Gòn qua địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi; mong muốn hai địa phương cùng chia sẻ những quan điểm kết nối bước đầu cũng như đề xuất ý tưởng phát triển bến thủy, cầu, cảng trên lưu vực sông Sài Gòn…
Ông Phan Văn Mãi cũng mong muốn thời gian tới, hai địa phương tiếp tục phát huy công tác tuyên truyền để vận động người dân đồng thuận cao đối với công tác giải tỏa đền bù phục vụ các dự án. Việc tăng cường kết nối hạ tầng giao thông chính là tháo “điểm ghẽn” để tạo động lực phát triển không chỉ cho hai địa phương mà còn cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong khi đó, ông Võ Văn Minh cho rằng TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương đều là hai địa phương có đầu mối giao thông với nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua, như: Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, cao tốc đi cửa khẩu Mộc Bài. Việc mở rộng kết nối giao thông giữa hai địa phương sẽ tạo động lực phát triển cho các địa phương và cho cả khu vực phía Nam. Hai địa phương cũng đã thống nhất về quy hoạch phân khu chi tiết tại 3 thành phố giáp ranh là Thủ Đức, Dĩ An và Thuận An nhằm tạo quy hoạch đồng bộ, kết nối giữa các địa phương…
MINH DUY