Tính đến thời điểm hiện tại, các tân sinh viên đã trải qua khoảng 3 tháng đầu ở giảng đường đại học. Đa số đều bỡ ngỡ khi tiếp xúc với phương pháp giảng dạy hoàn toàn khác với thời phổ thông, nhưng cảm thấy bổ ích và lý thú.
Tại các cấp học phổ thông, các kỹ năng như thuyết trình, nghiên cứu, phản biện rất ít khi được nhắc đến. Ở bậc đại học, với những phương pháp giảng dạy hiện đại, buộc sinh viên phải tư duy, nghiên cứu vấn đề ngoài giờ lên lớp để hiểu rõ, hiểu sâu hơn.
Trong thời đại 4.0 hiện nay, để trả lời cho một câu hỏi, hay muốn tìm kiến thức, chỉ cần vài cú nhấp chuột, chúng ta đã có rất nhiều nguồn khác nhau để tham khảo. Cái sinh viên cần rèn luyện là kỹ năng tư duy, kỹ năng tra cứu và xác nhận tính đúng sai của nguồn tài liệu mình tìm hiểu được. Sau khi nghe xong một bài giảng, hãy tự đặt ra cho bản thân những câu hỏi liên quan đến bài học, từ đó sinh viên có thể nhìn nhận vấn đề theo nhiều góc độ và hiểu rõ bài, nắm vững kiến thức.
Bản thân mỗi người phải tự biết cách lên thời gian biểu phù hợp, tự đăng ký môn học, tự chịu trách nhiệm với việc học của bản thân. Nếu không đạt yêu cầu về số môn hoặc điểm số, sinh viên phải đối mặt với việc tốt nghiệp trễ, học lại, tiêu tốn đến thời gian, tiền bạc cũng như công sức. Vì vậy, các sinh viên phải biết lên kế hoạch cụ thể cho từng nhiệm vụ, đặt ra thời hạn để hoàn thành mục tiêu.
Một điều cần lưu ý là đừng quá phụ thuộc vào công nghệ. Nhiều sinh viên khi gặp câu hỏi khó chỉ tra cứu trên mạng rồi trả lời y hệt. Càng lạm dụng công nghệ, chúng ta sẽ dần mất đi tinh thần tự học, khả năng tư duy của bản thân, thậm chí kỹ năng đọc và viết cũng bị ảnh hưởng. Hãy tìm hiểu xem thông tin chúng ta vừa tìm nói về vấn đề gì, hiểu rõ về nó, tập trung xâu chuỗi kiến thức để rút ra bài học cho bản thân. Công nghệ hỗ trợ tuyệt vời, nhưng chỉ nên xem nó là công cụ cho quá trình học và làm việc.
LÊ NAM