(BDO) Chiều cuối tuần, sau giờ tan học, đứa con gái đang học lớp 11 của tôi rủ một vài người bạn đến nhà, cả bọn nhóm lại làm quà tặng thầy cô nhân ngày 20-11. Bọn trẻ vừa làm vừa cười đùa rôm rả khiến lòng tôi dâng lên một nỗi buồn.
Nhìn cô con gái của tôi hồn nhiên chăm chút từng nét vẻ trên bức thiệp làm tặng thầy cô, tôi chợt giật mình vì cháu mau lớn quá, mới đó mà đã bước qua tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu rồi. Nhìn món quà bọn trẻ cùng làm chung để tặng thầy chủ nhiệm, tôi chợt nhớ về những món quà ngày 20-11 tôi đã được nhận suốt gần 20 năm đi dạy học của mình cùng những gương mặt thân thương của những cô cậu học trò nhỏ sau bao nhiêu năm xa cách không biết bây giờ đang ở đâu, làm gì?
Là giáo viên trường làng, món quà ngày 20-11của các em đơn giản chỉ là một cành hoa, một tấm thiệp hoặc là một chiếc cà vạt tặng thầy, bánh xà bông thơm tặng cô. Trong số những món quà được nhận vào ngày 20-11, tôi luôn nhớ đến những món quà của các học sinh cá biệt. Đó là em Hải, một học sinh ngổ nghịch khiến giáo viên đứng lớp vô cùng mệt mỏi vì vào lớp học em này chỉ giỏi quậy phá các bạn, khi giáo viên gọi đứng lên phát biểu ý kiến thì lại im như thóc, kết quả học tập của em không bao giờ trên mức trung bình. Ấy vậy mà vào đúng ngay ngày 20-11 năm đó, Hải đã làm cả lớp bất ngờ vì liên tục xung phong đứng lên phát biểu ý kiến và trả lời rất tốt các câu hỏi của giáo viên. Tất cả các thầy cô đều xúc động khi Hải tâm sự rằng em muốn từ nay chăm chỉ học tập thật tốt để làm món quà nhỏ tặng thầy cô nhân ngày 20-11. Và kể từ đó Hải đã cố gắng vươn lên thành một học sinh giỏi của lớp.
Đó là Thu Uyên, cô học trò nhà nghèo nhưng học rất giỏi mặc dù một buổi đi học, một buổi em phải đi bán vé số kiếm tiền phụ mẹ nuôi ba không may bị tai nạn lao động. Ngày 20-11, Uyên không có tiền mua hoa hoặc quà tặng thầy cô như các bạn. Thế nhưng em đã lặng lẻ nhiều đêm cặm cụi xếp những con hạc giấy bằng những tờ vé số cũ làm quà tặng thầy cô. Không ai nỡ từ chối món quà bình dị rất đỗi chân thành của em.
Thế nhưng món quà 20-11 làm tôi xúc động nhất, vui sướng nhất đó là một chiếc áo sơ mi tay ngắn màu xanh da trời tôi vừa được nhận từ một cô học trò vô cùng đặc biệt của tôi. Tôi thật sự thích thú chiếc áo mới này và quyết định mặc nó ngay trong buổi tối cùng cả nhà xuống phố dạo chơi nhân ngày 20-11. Sau khi tôi mặc vào, đứa con gái của tôi ngắm nghía rất kỹ: “Hình như áo hơi chật phải không ba?”. “Không chật lắm đâu con, tại ba vừa mới ăn cơm xong nên mặc áo vào trông có vẻ như hơi chật”. “Anh à, chiếc áo này màu sắc tươi tắn quá so với độ tuổi của anh đấy!”- Vợ tôi khẽ nhắc. “Ồ, anh chỉ mới ngoài 40, mặc chiếc áo này vào trông vẫn hợp với anh mà em”.
Ngày mai tôi sẽ mặc chiếc áo này đến trường để khoe với tất cả đồng nghiệp của mình. Và chắc chắn tôi sẽ cất giữ chiếc áo này mãi mãi cho dù sau này chiếc áo có sờn rách, cùng với bức thư mà chủ nhân của nó đã nắn nót đề tặng cho tôi nhân ngày 20-11: “Ba kính yêu của con, hôm qua nhìn ba thức khuya ngồi soạn giáo án, con giật mình chợt nhận ra rằng, mặc dù ba chưa từng đứng lớp dạy con nhưng ba mới chính là người thầy lớn nhất của đời con. Ba là người thầy đầu tiên dạy con từ lúc con mới chập chững bước đi, từ lúc con vừa bập bẹ gọi tiếng ba mẹ. Ba đã dạy con từng li từng tí. Ngày con còn bé, mỗi lần dắt con về quê, ba dạy con biết khoanh tay cúi đầu chào người lớn, ai cũng khen con ngoan, lễ phép. Và cho đến bây giờ, dù con đã lớn khôn, ba vẫn quan tâm dạy con cách ứng xử với mọi người xung quanh sao cho lịch sự, đúng đắn đàng hoàng. Vậy mà, suốt mười mấy năm qua, đến ngày 20-11 con hầu như nhớ đến tất cả các thầy cô đã từng dạy dỗ mình, riêng với ba - Người thầy đặc biệt nhất của con thì con lại quên. Mặc dù lâu nay con vẫn vô tâm không nhận ra điều đó, ba vẫn không một lần trách móc, vẫn âm thầm dõi theo từng bước chân của con, sẵn sàng nâng đỡ khi con vấp ngã và tận tụy dìu dắt khi con đi qua những đoạn đường trắc trở, gập ghềnh.
Ba ơi, với món quà nhỏ này nhân ngày 20-11, con muốn ba biết rằng, ba chính là người thầy kính yêu nhất của con. Con kính chúc “Thầy” thật nhiều sức khỏe và thật nhiều niềm vui trong cuộc sống. Con gái bé bỏng của ba, đứa học trò không bao giờ “tốt nghiệp” của ba!”.
HOÀI VŨ