Món quà từ… đất

Cập nhật: 06-09-2010 | 00:00:00

Sau bao chờ đợi, hồi hộp và cả âu lo, lễ khai mạc festival gốm sứ Bình Dương - Việt Nam 2010 cuối cùng đã diễn ra tốt đẹp. Có thể nói đây là kết tinh của dòng chảy gần 200 năm nghề gốm ở Bình Dương. Đây cũng là kết tinh của món quà từ đất mà các thế hệ nghệ nhân nghề gốm khắp mọi miền đất nước đã tạo ra, khẳng định nghề gốm có vị thế hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

Có tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm sứ trưng bày tại festival lần này mới thấy hết sự phong phú của món quà từ đất, mới cảm nhận được nét tài hoa của đôi bàn tay Việt. Từ nguyên liệu chính là đất, những nghệ nhân nghề gốm đã làm cho đất có hồn, có tiếng nói riêng, nói lên suy nghĩ của con người. Từ sản phẩm gốm mộc, gốm thô bình dị đến những dòng sản phẩm đỉnh cao nghệ thuật đang hội tụ tại festival đều có nét đẹp riêng. Mỗi sản phẩm chứa đựng một câu chuyện về con người, về vùng đất gắn với lịch sử dân tộc.

Không phải ngẫu nhiên mà Bình Dương được chọn là nơi tổ chức festival gốm sứ lần đầu tiên của Việt Nam. Bởi từ lâu đất Bình Dương đã nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống khác nhau, trong đó nghề gốm chiếm giữ vị trí khá quan trọng. Nói quan trọng là vì nghề gốm cung cấp nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội, đem lại thu nhập cho một bộ phận khá lớn người dân làng nghề. Sản phẩm gốm sứ Bình Dương từ rất sớm đã có mặt hầu khắp mọi miền đất nước từ ngoài Bắc đến trong Nam, mà nhất là tại các tỉnh miền Tây Nam bộ với những bình, tách, chén, lu, hũ, khạp... Hiện tại, sản phẩm gốm sứ của Bình Dương không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế với những thương hiệu nổi tiếng, được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá rất cao.

Người làm gốm ở Bình Dương thời hội nhập sớm biết cách tân để tồn tại và phát triển. Bình Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ lò nung gas vào sản xuất gốm, thay thế phương pháp lò nung củi truyền thống vốn không còn phù hợp. Nghệ nhân gốm đất Bình Dương còn biết ứng dụng máy móc để tạo hình sản phẩm đồng nhất phục vụ xuất khẩu, thay thế cho phương pháp tạo hình thủ công truyền thống vốn khó làm ra nhiều sản phẩm giống nhau. Cũng nhờ năng động và sớm biết cách tân mà nghề gốm ở Bình Dương đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài đổ vốn làm ăn, tạo ra các dòng sản phẩm gốm mới phục vụ ngành xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tất cả những điều đó đã góp phần đem về kim ngạch bình quân hàng năm với khoảng 120 triệu USD, chiếm đến 70-80% kim ngạch xuất khẩu gốm sứ trên cả nước. Thông qua festival gốm sứ, Bình Dương còn muốn gởi đến bạn bè trong nước và quốc tế một thông điệp, nếu biết khai thác hợp lý thì nghề truyền thống cũng sẽ đem lại giá trị kinh tế cao.

Festival gốm sứ Bình Dương - Việt Nam 2010 đang diễn ra, có thể sẽ có nhiều điều chưa thật vừa ý về cách thức tổ chức, nhưng tin rằng xuyên suốt các chương trình tại lễ hội lần này sẽ là câu chuyện sinh động về nghề gốm, về lịch sử hình thành và phát triển của các làng nghề gốm trên mọi miền đất nước; khẳng định giá trị gốm Việt và trên hết là cung cấp cho những người thưởng lãm cái nhìn xuyên suốt của món quà mà đất mẹ đã ban tặng cho con người.

 Lê Quang

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2018
Quay lên trên