Mong được đến trường

Thứ tư, ngày 02/03/2011

Gần 9 giờ đêm, quán cơm chay Khai Tâm (ngã tư Tân Lập, phường Phú Hòa, TX.TDM) chỉ còn thưa thớt vài khách, đây cũng là lúc bé Cường khẩn trương bắt tay dọn dẹp công việc trong ngày. Năm nay, Cường mới tròn 11 tuổi, nhưng em đã có nhiều năm kinh nghiệm phụ việc, mong kiếm được tiền chữa bệnh cho mẹ. Em ao ước một ngày nào đó sẽ được đến trường để biết đọc, biết viết như bao bạn khác.

Tâm sự với em Lê Văn Cường, tôi thấy em khá hoạt bác, thông minh... và cũng khá già dặn so với cái tuổi của mình. Tuy còn nhỏ nhưng em rất siêng năng, thức khuya dậy sớm và từng kinh qua nhiều công việc phụ trợ. Cường mới đến phụ việc ở quán cơm Khai Tâm được khoảng 4 tháng nhưng ai cũng thương. Để kiếm được 600.000 đồng/tháng, mỗi ngày em phải thức từ 6 giờ sáng và kết thúc công việc vào khoảng 9 giờ đêm. Với số tiền nhọc công kiếm được, em không dám xài một đồng, tất cả đều để dành lo thuốc men cho người mẹ đang mắc bệnh thiếu máu cơ tim, còn ba thì mắc bệnh suyễn khá nặng.

 

Tuy phải vất vả kiếm tiền, nhưng em Cường luôn ao ước được đến trường

Cực khổ là thế, nhưng nhiều năm nay, Cường vẫn luôn mơ ước được đến trường. Em mong được biết đọc, biết viết như bao bạn bè. Nhưng càng mong thì ước mơ tưởng chừng nhỏ nhoi ấy lại càng khó khăn, càng xa tầm với của em. Nghe những lời tâm sự của em, chắc không một ai khỏi động lòng: “Con không sợ cực khổ. Ngày nào con cũng làm việc mà đâu thấy cực gì đâu. Con chỉ buồn vì không biết chữ. Mỗi lúc ra đường thấy người ta giăng đầy chữ, ai đưa cái gì trên tay cũng không đọc được, con thấy tức lắm” - Cường cho biết. Cố lắm đến nay Cường mới tự mày mò viết được vài ba con số nghoệch ngoạc. Tìm hiểu lý do thì được biết cả Cường cùng em ruột của mình là Lê Văn Phong năm nay 9 tuổi đều không có giấy khai sinh, nên cả hai không đủ điều kiện đến trường. Nói về Cường, chị Huỳnh Thị Bích, chủ quán cơm Khai Tâm cho biết: “Hoàn cảnh của thằng nhỏ thương lắm. Thấy cháu siêng năng nên tháng nào buôn bán đắc tôi cũng cho thêm tiền lương. Nó cũng là đứa rất có hiếu. Nó thường kể, tiền lương hàng tháng thường chia đều cho ba và mẹ. Những lúc rảnh là thu gom vỏ chai trong quán đem bán bỏ ống heo để mua quần áo cho hai anh em. Nghe đâu nó cũng để dành được chút đỉnh để dành mua tập sách nếu được đi học. Tôi cũng hứa với cháu, nếu nó được đi học tôi sẽ tạo điều kiện để cháu làm việc bán thời gian tại quán”.

Theo sự chỉ dẫn của Cường, tôi đã tìm đến nhà của em ở hẻm 137, tổ 16, khu phố 1, phường Phú Cường, TX.TDM vào một ngày khác. Đó là một căn nhà nhỏ xiêu vẹo, che tạm vài ba tấm tôn cũ. Bên trong nhà trống hoác, không có một vật dụng gì giá trị. Mẹ Cường - chị Trương Thị Sen năm nay mới 40 tuổi nhưng sức khỏe rất yếu do cơn bệnh tim hành hạ nhiều năm. Kể về hoàn cảnh gia đình, cũng như việc hai đứa con trai không được đến trường, chị Sen đã không cầm được nước mắt. Chị kể, từ nhỏ chị đã mồ côi cha mẹ, lưu lạc từ miền Trung vào Nam. Ai thuê gì làm đó, sống nay đây mai đó, bản thân lại không biết chữ nên ngay cả một mảnh giấy tùy thân chị cũng không có. Năm 1996, chị gặp anh Lê Văn Lô, một người chung dãy trọ làm nghề phụ hồ rồi dọn về sống chung, không cưới hỏi, không giấy kết hôn. Cuộc sống cứ thế trôi qua khi những đứa con của họ lần lượt ra đời, không làm giấy khai sinh. Anh Lô cho biết: “Cách đây mấy năm, tôi đến phường Phú Cường xin làm giấy khai sinh cho con đi học thì người ta đòi giấy chứng sinh nhưng không có. Chúng tôi sống tạm bợ khi đó khi đây nên thất lạc giấy tờ hết. Cả hai vợ chồng tôi trình độ thấp kém nên không mấy quan tâm đến việc lo làm giấy tờ cho con, suốt ngày chỉ lo kiếm tiền mưu sinh. Đến khi chúng khôn lớn, đòi đi học thì mọi chuyện mới vỡ lẽ...”.

Tìm hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình, chị Sen cho biết do không tiền ở trọ nên anh Lô đã gom góp từng cây gỗ, tấm tôn củ từ công trình xây dựng đem về cất tạm căn nhà trên mãnh đất trống cạnh khu gò mã trong khu phố. Chị Sen làm công việc phụ việc nhà cho người khác mỗi tháng được 1,5 triệu đồng, nhưng do sức khỏe yếu nên rất bấp bênh. Trong khi mỗi tháng chị phải trị bệnh ít nhất là 2 triệu đồng tiền thuốc. Tháng nào thiếu thuốc, chị liên tục bị ngất, không đi nỗi. Anh Lô làm thợ hồ nhưng lại mang trong mình cơn bệnh xuyễn khá nặng, mỗi ngày tốn 25.000 đồng tiền thuốc. Chị Sen tâm sự: “Cả hai vợ chồng tôi đều không biết chữ, chúng tôi đã thấm thía với bao thiệt thòi. Điều tôi mong ước lớn nhất là chính quyền địa phương làm sao tạo điều kiện cho hai đứa con của tôi có được mảnh giấy khai sinh để chúng nó vào một lớp học bổ túc nào đó cũng được. Tôi cũng rất mong có nhà hảo tâm nào đó giúp đỡ để vợ chồng tôi có được 2 sổ bảo hiểm khám bệnh...”.

Quả thực thì những mong ước của chị Sen rất nhỏ, nhưng nếu không được sự trợ giúp từ phía các ban ngành thì xem ra khó thành hiện thực!

QUANG TÁM