Mong trời đừng mưa!

Cập nhật: 07-06-2010 | 00:00:00

Cứ mưa là bị ngập, con đường 22-12 đoạn đi qua ấp Hòa Lân 2 (Thuận Giao, Thuận An) sau mỗi cơn mưa nước cuồn cuộn đổ về như một dòng sông. Mùa mưa bắt đầu, cuộc sống của những người dân ở hai bên đường bắt đầu đảo lộn, họ tất bật xoay trở chống ngập. Đơn thư kêu cứu liên tục gửi đến cơ quan chức năng, nhưng 3 năm nay người dân vẫn “sống chung” với nước ngập. Lúc này họ chỉ biết trông mong ông trời... đừng mưa.

  Đang đẩy xe một thanh niên bất cẩn để lọt cốngBe bờ ngăn nước

Cơn mưa chiều ngày 3-6-2010 không lớn lắm, vậy mà đoạn đường này vẫn ngập có nơi lên đến 0,8m. Những hộ dân sống ven đường của ấp Hòa Lân 2 vô cùng tất bật. Thanh niên khiêng cát be bờ ngăn nước tràn vào nhà, phụ nữ lúi cúi tát nước ra vì be bờ chỉ là tình thế, ngăn nước bao nhiêu hay bấy nhiêu, chớ mỗi lần xe tải lớn cố chạy qua, những cơn sóng nước dồn dập tràn vào nhà. Con nước trên đường 22-12 đen ngòm, nồng nặc mùi ô nhiễm như nước kênh Nhiêu Lộc tại TP.HCM mấy năm về trước. Như mọi năm, cứ nước bẩn tràn vào nhà kéo theo nhiều mầm bệnh, người dân sống yên sao được!

Ông Nguyễn Văn Sương nhà 168 đường 22-12 cho biết, người dân ở đây quá sợ với cảnh ngập này rồi. Ai cũng biết mưa đến mực nước sẽ dâng qua khỏi con lộ, len lỏi vào từng ngõ hẻm, mấp mé tràn vào nhà. Bởi vậy ai cũng phải tất bật chạy đua cùng thời gian để ứng phó ngập lụt. Người thì khuân vác bao cát chắn ngay cửa làm bờ bao “dã chiến”; người cơi nới vật dụng lên cao - dù nhà dân đã nâng cao lên 50 - 60cm so với mặt đường; người thì hì hục với cái máy bơm để tháo nước ra bên ngoài... “Chú thấy ở đây giống miền Trung mùa mưa lũ không, nhà nào cũng thủ sẵn mấy bao cát, chỉ khác ở đây dùng cát để be bờ ngăn nước tràn vào nhà. Nhà tôi mấy năm nay lúc nào cũng thủ sẵn chục bao cát và mua thêm một máy bơm nước để ứng phó!”.

Thấy chúng tôi lội bì bõm khó khăn dưới dòng nước đen ngòm, tay liên hồi bấm máy ảnh, người dân ở đây không một chút chia sẻ, ngược lại còn mỉa mai: “Ổng chụp hình thì chụp chứ có làm được gì đâu. 3 năm rồi mỗi lần ngập là báo, đài kéo đến quay phim chụp hình: phát, đăng liên tục mà có ai đến giải quyết đâu!”. Không thể trách họ vì trước mặt chúng tôi là một em học sinh đang hì hục lội nước, một bà già độ ngoài 70 cũng đang khó khăn nhích từng bước đi. May mà những thanh niên trai tráng ở đây tốt bụng nhanh chóng đến dìu họ đi vào chỗ cạn. Một thanh niên tên Cường đang ướt sũng nước nhìn tôi cười nói: “Năm nào cũng vậy, cứ mưa là chúng tôi phải ra đứng nhìn con đường ngập nước và giúp đỡ những ai cần, nhất là những em học sinh. Mấy năm nay chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp cố lội qua dòng nước, không biết đâu là chỗ nguy hiểm lọt xuống cống vừa uống nước ô nhiễm vừa bị thương. Anh mới tới đây chụp hình cũng phải cẩn thận coi chừng cống đấy, trợt chân là cái máy ảnh của anh đi đời!”.

Theo chúng tôi được biết không riêng gì cơn mưa này, đường 22-12 là tâm điểm ngập lụt lâu lắm rồi. Ngay cả những ngày nắng chói chang, trời quang mây tạnh, những cống nước hai bên đường nước vẫn phun trên mặt đường những dòng nước đen kịt, nồng nặc mùi hôi, con đường nhựa loang lổ nước ô nhiễm.

Nỗi lo bệnh tật

Hai giờ đồng hồ nán lại đây, con đường vẫn chìm ngập trong nước (ngập sâu 50 - 80cm). Đường 22-12 lúc này vẫn như là một khúc sông, khiến người lạ như tôi rất khó nhận biết đâu là đường đâu là lề, nếu như không lấy hàng trụ điện để làm ranh phân định. Trời chập tối trên đường xe vẫn dập dìu qua lại, xe lớn đủ mạnh vượt qua, xe nhỏ lự khự nhích từng tấc nước, còn người đi xe máy thì bì bõm dắt xe, miệng lẩm bẩm như oán trách “mấy ông” ngành giao thông.

  Nước ngập đến ầm ô tôĐóng cửa quán từ chiều sớm, anh Trương Công Vinh nhanh chóng thu dọn thức ăn, vật dụng. Trời mà đổ mưa vào buổi chiều là không bán buôn gì được. Gia đình anh bán cơm cho công nhân nhưng chiều nay nước ngập không ai vào ăn. Anh Vinh lo không bán cơm được không có tiền trả tiền thuê nhà, mỗi tháng 2 triệu đồng. Cái lo của Anh Vinh cũng như nhiều tiệm buôn bán khác. Ông Nguyễn Văn Sương lại có nỗi lo khác, gia đình ông cũng như nhiều gia đình trong ấp xài nước giếng đóng, nước đôi khi có mùi nồng nồng khó chịu. Ai cũng phải cẩn trọng từng giọt nước, chớ lơ mơ là mang bệnh. Chị Thu Hồng vừa lúi cúi tát nước trong nhà ra vừa đứng canh cửa để ngăn không cho con nhỏ ra ngoài, tâm sự: “Nhà có con nhỏ, nước ngập, lũ trẻ chỉ quanh quẩn trong nhà và được người thân quản lý chặt chẽ, sơ sẩy một tí là tai họa có thể ập đến bất ngờ. Khá nhiều trường hợp trẻ em té nước, may mắn được người dân kịp thời cứu vớt”.Ngoài hiểm họa chết đuối đối với trẻ em, nước ngập còn tiềm ẩn dịch bệnh ngoài da, sốt xuất huyết... cho cả người lớn. Theo lời anh Sương, mấy năm trước con nước mang theo dịch sốt xuất huyết, người già, trẻ em đều bị bệnh, có cả những công nhân nhà trọ khỏe mạnh phải ngừng làm việc cả tuần.

Chờ mùa khô

Trao đổi cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thuận Giao Nguyễn Văn Trung cũng đang băn khoăn không biết nước ngập tới đâu, vì năm trước nước không chỉ ngập đường mà còn ngập cả hoa màu, cây trái của người dân. Dân kéo đến “bắt xã” đền bù, UBND xã phải vừa vận động vừa hỗ trợ cho bà con. “Theo tôi được biết hiện dự án thoát nước này tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Theo thiết kế ban đầu, hệ thống thoát nước sau khi lắp đặt cống xong đấu nối vào mạng thoát nước KCN Việt Hương, nhưng không ngờ đơn vị này không cho đấu nối, lý do là nước này ô nhiễm nặng. Buộc phải cho thoát tạm xuống các hố sâu 2 bên đường. Không ngờ lưu lượng nước đổ về quá lớn nên thường xuyên ngập nhà và hư hại hoa màu của người dân. Cho đến giờ địa phương rất nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa biết kế hoạch thoát nước đang tính toán tới đâu!”, ông Trung cho biết.

  Trời nắng nhưng nước ô nhiễm vẫn tràn ra đườngTiếp tục đem những bức xúc của người dân đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Văn Rum, Giám đốc sở cho biết, hiện nay dự án thoát nước trên đường 22-12 đã xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật, đã cắm mốc ranh, chờ ngày thi công. Tuy nhiên Giám đốc Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Cảnh Dần lại cho biết, hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã làm xong chuẩn bị trình duyệt, khoảng 3 tháng sau khi trình duyệt chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu, dự kiến trong 3 tháng phát thầu, mời và đấu thầu xong. Như vậy dự án triển khai nhanh nhất cũng mất 6 tháng, tức đầu mùa khô năm nay mới có thể thi công. Như vậy theo lời ông Dần người dân sinh sống trên đường 22-12 phải tiếp tục oằn mình chống chọi với nước ngập thêm một mùa mưa nữa. Điều đáng lo là nước thải gần 200 doanh nghiệp ở Thuận Giao và 500 doanh nghiệp ở xã An Phú cùng hàng ngàn căn nhà trọ đang “nhờ” vào hệ thống thoát nước của con đường 22-12 này. Nếu con đường này tiếp tục là cái túi đựng nước thì nỗi lo càng nặng hơn!

H.NHÂN - Q.TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên