Mong ước của người dân làng chài ở Minh Hòa (Dầu Tiếng)!

Cập nhật: 19-05-2010 | 00:00:00

8 năm trước, cuộc sống và sinh hoạt của làng chài này trôi theo những chiếc bè tạm bợ trên lòng hồ Dầu Tiếng. Cuộc sống của họ chủ yếu phụ thuộc vào con cá của lòng hồ nên vô vàn khó khăn. Do vậy, Nhà nước đã khuyến khích và tạo điều kiện để những hộ dân này được lên bờ sinh sống với mong muốn họ sẽ có cuộc sống khá hơn. Tuy nhiên, sau 8 năm, con cá vẫn là nguồn thu nhập chính, những đứa trẻ lớn lên lại tiếp tục theo nghề đánh bắt cá mà không thể làm gì khác. Vì sao như vậy?

Gia đình của bà Tư trong ngôi nhà "tạm bợ"Từ trung tâm xã Minh Hòa, Dầu Tiếng, chúng tôi chạy theo đường ĐT749B đến tổ 7, ấp Hòa Lộc. Hỏi thăm thêm nhiều người, chúng tôi mới chạy đến được làng chài này. Gọi là xóm làng chài vì cả 22 hộ dân với gần 200 nhân khẩu ở đây đều sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên lòng hồ Dầu Tiếng. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một xóm nhỏ với những căn nhà tạm bợ được cất san sát nhau. Gặp chúng tôi, những người dân ở xóm làng chài này tỏ ra rất ngạc nhiên, đặc biệt là đám con nít. Có lẽ lâu lắm rồi chưa có khách đến thăm họ.

8 năm không hộ khẩu

Biết chúng tôi là nhà báo nên nhiều người dân ở làng chài tập trung đến để thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình. Bà Lê Thị Tư xin được nói trước, bà cho biết trước đây gia đình bà ở tận An Giang, cuộc sống mưu sinh theo sông nước khiến gia đình bà trôi dạt đến vùng đất này. Nhận thấy tại đây có nhiều điều kiện tốt để sinh sống nên gia đình bà quyết định dừng chân lập nghiệp. Trước kia, mọi người chưa ai lên bờ sinh sống cả mà chỉ sống và sinh hoạt ngay trên những chiếc bè của mình. Để cải thiện cuộc sống thì ngoài việc đánh bắt cá, gia đình bà cùng những hộ dân khác còn nuôi cá bè ngay trên lòng hồ. Chính vì vừa sinh sống vừa nuôi cá nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nặng cho một khúc sông của lòng hồ Dầu Tiếng. Do đó, Nhà nước đã khuyến khích và tạo điều kiện để những hộ dân như gia đình bà được lên bờ sinh sống, định cư với mục đích hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường cho lòng hồ và tạo điều kiện để con cháu bà và những hộ dân khác được đi học và làm thêm những công việc khác. Với chính sách hợp lý như vậy nên tất cả những hộ dân đều đồng thuận và những căn nhà tạm bợ được mọc lên ngay trên vùng đất bán ngập sát mép nước của lòng hồ, thuộc tổ 7, ấp Hòa Lộc.

Nói tới đây, bà Tư ngưng lại một lát rồi thở dài: “Nhưng sau 8 năm lên bờ, con cháu chúng tôi, có đứa bây giờ đã trở thành những thanh niên vạm vỡ nhưng có biết làm gì khác ngoài việc tiếp tục theo nghề đánh bắt cá. Ban ngày, có đứa ngủ để lấy sức, có đứa thì nhậu nhẹt, đánh bài để giết thời gian. Ban đêm, tụi nó đều theo những chiếc bè lang thang trên lòng hồ để kiếm cái ăn cho một ngày mới...”.

Vì sao không đi làm những việc khác? Tôi buột miệng hỏi. “Câu hỏi của nhà báo cũng là những trăn trở, nguyện vọng của chúng tôi. Tôi hỏi nhà báo, có ai nhận vào làm việc một người mà không có một tờ giấy lận lưng? Sau 8 năm lên bờ chúng tôi vẫn chưa được xem xét cấp hộ khẩu dù cuộc họp nào cũng kiến nghị. Vì không có hộ khẩu nên không thể làm chứng minh nhân dân, do vậy những đứa trẻ ở đây thậm chí còn không dám ra đường vào trời tối. Trai, gái ở xóm làng chài lớn lên tìm hiểu và thương yêu nhau, gia đình 2 bên cùng đứng ra tổ chức đám cưới chứ cũng không thể đăng ký kết hôn vì không có hộ khẩu”, bà Tư nói.

Ông Nguyễn Văn Đỏ, tổ phó tổ 7, cũng là người tại xóm làng chài cho biết thêm, vì không có hộ khẩu nên những hộ dân ở đây chỉ sống cuộc sống khép kín, ít khi ra đường. Cá đánh bắt được thì đã có người tới thu mua với giá cực rẻ, lương thực thì cũng có người bán. Muốn đi cầm cố tài sản để làm ăn cũng không được, thậm chí để được công nhận là hộ nghèo để được vay vốn làm ăn cũng bó tay vì không có hộ khẩu...

Tiếp tục phụ thuộc vào con cá lòng hồ

Nhiều người dân ở làng chài thừa nhận rằng với công việc hiện tại thì việc lo đủ cái ăn đã là một việc khó chứ nói gì đến việc mua một miếng đất để cất nhà và xin nhập hộ khẩu. Chúng tôi ghé vào nhà anh Trần Văn Dũng, một thanh niên mới 24 tuổi nhưng đã có đến 4 đứa con. Nói là căn nhà cho oai chứ thật ra đó là một túp lều sơ sài với mấy cái cây làm trụ và vài tấm tole. Phía trong căn nhà thì trống tuềnh toàng, quần áo vứt bừa bãi, chỉ có chiếc radio cũ kỹ là đáng giá nhất. Đến chiếc bình uống nước để đãi khách cũng không có, anh Dũng nhìn già hơn nhiều so với cái tuổi 24 của mình.

Rót nước cho khách xong, anh Dũng trầm ngâm kể về công việc của mình: Cũng như những hộ dân ở đây, anh cũng theo cha sinh sống lang thang theo sông nước và cuối cùng chọn vùng đất này làm chỗ lập nghiệp. 17 tuổi anh đã lấy vợ, cũng là một cô gái tại làng chài này. Chọn một miếng đất, anh cũng cất được một căn nhà tạm như vậy để vợ chồng và con cái có chỗ ra, chỗ vô. Vì con còn nhỏ nên hàng ngày việc trông giữ chăm sóc con do vợ anh đảm trách, còn anh thì lo cho kinh tế gia đình. Và tất cả phụ thuộc vào con cá của lòng hồ, nếu một đêm may mắn anh cũng kiếm được trên chục ký cá. Số tiền bán được cũng chỉ đủ trang trải cho vợ chồng con cái trong ngày, do vậy những ngày qua, ban ngày anh còn đi làm thuê cho những người trong vùng để kiếm thêm thu nhập, ban đêm thì đi đánh cá. Anh Dũng nói: “Hiện tại, gia đình em chỉ mong sao lo đủ cái ăn cho con cái là vui rồi chứ lấy đâu ra tiền để mua đất chỗ khác. Chuyện hộ khẩu không quan trọng bằng cái ăn hàng ngày, khi nào chính quyền cho nhập thì nhập còn không thì cứ sống vậy, chúng em chỉ mong sao con cái đừng bị bệnh, bởi bị bệnh thì không biết lấy đâu ra tiền để chữa trị...”.

Hôm chúng đến làng chài cũng là ngày mà anh Nguyễn Văn Đỏ động thổ để xây lại căn nhà của mình. Là người khá giả nhất tại xóm nhưng anh Đỏ cũng không thể mua đất chỗ khác mà xây lại nhà mới ngay trên vùng đất bán ngập này. Giải thích lý do, anh Đỏ nói: “Nếu mình mua đất chỗ khác thì sẽ không có tiền để xây nhà, mà làm nhà chỗ khác thì biết làm gì để ăn trong khi cái nghiệp với sông nước đã gắn với cả gia đình. Anh Đỏ có 4 đứa con, 2 trai, 2 gái, đứa học nhiều nhất cũng chỉ tới lớp 3 và tại xóm làng chài, cái chữ hình như quá xa lạ không chỉ đối với con anh Đỏ mà là tất cả những đứa trẻ ở đây. Nối nghiệp của cha là một điều tất yếu, 4 đứa con của anh Đỏ ban ngày thì ngủ hoặc chơi cùng bạn, ban đêm cả 4 đều theo những chiếc bè để đánh bắt cá trên lòng hồ.

Mới hơn 17 giờ nhưng xóm làng chài đã trở nên tối om theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cái tối do không có điện đã đành, cái tối cho tương lai của những thanh niên, những cậu bé, cô bé mới là cái đáng lo nhất.

Cần những quyết định “mở” của ngành chức năng

Đem những trăn trở và tâm tư của 22 hộ dân xóm chài trao đổi với lãnh đạo xã Minh Hòa, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Hòa cho biết: Nguyên nhân mà những hộ dân tại làng chài chưa được xem xét cấp hộ khẩu là vì diện tích đất mà họ đang sử dụng để làm nhà là đất bán ngập, mà theo quy định thì đất bán ngập thì không phải là đất ở hợp pháp nên chính quyền địa phương không thể cấp hộ khẩu cho những hộ dân này. Địa phương đành bó tay và xin ý kiến của lãnh đạo huyện chứ không thể làm gì khác. Cũng theo ông Cảm, thì cách đây vài năm, Công an huyện Dầu Tiếng có lên làng chài để xác minh lý lịch của từng hộ gia đình. Tuy nhiên đến hiện tại vẫn chưa có phản hồi gì.

Trả lời câu hỏi của phóng viên là vì sao người dân làng chài chưa được sử dụng điện, trong khi cách đó có vài trăm mét đã có lưới điện đi qua, ông Cảm nói: Điện lực cũng đã lên tận nơi để khảo sát, tuy nhiên vì vùng đất bán ngập nên họ cũng không dám chôn trụ.

Một lãnh đạo của huyện Dầu Tiếng cũng cho rằng, vì là vùng đất bán ngập nên thời gian qua chưa thể cấp hộ khẩu cho những hộ dân ở làng chài được. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện sẽ xem xét và xin ý kiến chỉ đạo để có thể cấp hộ khẩu tạm cho những hộ dân này. Bởi, không có hộ khẩu thì những hộ dân này còn phải tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi, trong đó có rất nhiều trẻ em. 22 hộ dân ở xóm chài đang ngày đêm mong chờ một quyết định “mở” của các cấp chính quyền.

NHÂN QUANG - HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên