Ngày con gái vu quy,
chiều buông ánh hoàng hôn, người cha trầm ngâm như tiếng nấc đan xen giữa hạnh
phúc chen nỗi lo lắng của tấm lòng phụ tử: Ba đã dặn lòng mình / Rằng phút hân
hoan ấy / Cái phút giây con đi về nhà khác / Nơi không ba, không má, không em
mình / Không được buồn, không được nhớ, không nên... / Không thì không, lòng
không sao... không được! / Chỗ con ngủ, giờ, em con đến thức / Nó hôn vào hơi
gối của chị Hai (Nhà khác, Nguyễn Thái Dương)
Rượu vu quy ba ngồi
rót... đầm đìa / Môi chưa nhấp mà lòng ba đã cạn / Đêm đầu tiên xa con, ba bầu
bạn / Với bóng mình để thầm nguyện đến khuya... “Nhà khác” là một bài thơ
dung dị song dường như lại ít có thi sĩ nào “can đảm” thổ lộ tâm trạng người
cha ngày con gái theo chồng. Có lần Nguyễn Thái Dương tâm sự: “Thật không công
bằng nếu văn học chỉ chú tâm đến người mẹ mà hờ hững với người cha, bởi cả cha
lẫn mẹ đều tạo nên hình hài đứa con”. Đành rằng như thế, nhưng ít ai biết rằng,
nhà thơ viết về cha cũng từ thôi thúc của người con sớm tạm biệt vòng tay cha
thuở anh mới... lên ba (cha của anh bị bệnh mất trí!). Và nay thì trong tâm thế
người cha, anh lại nói lên bao lo âu ẩn giấu tận đáy lòng khi suốt đời dõi theo
bước chân những đứa con. Đó cũng là thứ hạnh phúc của tình phụ tử mà chắc rằng
hễ nhắc đến, ai cũng bồi hồi nhớ về cha mình siết bao, thì nay khi được làm cha
rồi “ngồi sui”, càng thấu hiểu hơn thế nào là bao la của núi Thái: Rượu vu
quy ba ngồi rót... đầm đìa / Môi chưa nhấp mà lòng ba đã cạn / Đêm đầu tiên xa
con, ba bầu bạn / Với bóng mình để thầm nguyện đến khuya / Rằng những người
dưng trong ngôi nhà chưa từng thân thuộc kia / Đối với con, sẽ ruột rà yêu dấu
/ Bởi con sống suốt tuổi thơ hồn hậu / Thì theo chồng, con hạnh phúc - cố
nhiên!Nỗi lòng của người cha ở đây
như chạm vào tâm khắc của một thuở xa xăm. Khi ấy, cha săn sóc mẹ khi mẹ mang
thai, cha đỡ đần mẹ, cha giúp tay mẹ pha bình sữa, giặt giũ tã lót khi cha mẹ
cùng nghèo. Khi cúng đầy tháng, cha châm hương đốt đèn thành kính cầu xin Mụ Bà
và tham lam cầu khắp thần linh phù hộ cho con mau ăn, chóng lớn. Có lẽ đó là
lần đầu tiên, lần trọng đại nhất trong đời mà cha trọn lòng nghĩ đến những vị
thần linh. Vì con mà tin, mà khấn, mà cầu... cho dẫu mang tiếng mê tín cũng xin
sẵn sàng vui nhận. Rồi cha hạnh phúc ngồi bón cho con những muỗng cơm đầu tiên,
cha phải la: “Ùi ùi! Coi chừng con chuột kìa. Ăn mau chớ nó ăn hết!”, rồi thừa
lúc con đưa mắt tìm, cha đút nhanh muỗng cơm vô miệng. Hỡi ơi, từ ngày có con,
cha trở thành nhảm nhí đáng thương. Con mới mở miệng ngáp, đôi mắt mới khép hờ
mà cha đã vội vàng ru, ru cái kiểu nửa ngâm, nửa hát vụng về và chọn những câu
“ba xí, ba tú” phù hợp với trạng thái tâm hồn của cha lúc đó: “À ơi, con gà cục
tác lá chanh...”.Còn hôm nay, sau buổi lễ vu
quy của con gái yêu, người cha như ngơ ngẩn khi dòng thời gian thuở nào ùa về: Má
ngồi kia, hạt lệ má lăn dài / Theo tấm ảnh con đang cười trên vách / Cả nhà
mình một niềm buồn rất thật / Cứ như hồn đang ở tận nhà kia. Thơ cho con
gái ngày lấy chồng, vui đấy nhưng không hiểu sao Nguyễn Thái Dương lại cứ tần
ngần y như ngày buông tay con để con tự đi những bước chân đầu đời. Và bây giờ
có chi đó hệt niềm háo hức như thuở con chập chững ấy: Khuya thì khuya mà
đêm hãy còn đêm / Ai cũng thức, cách gì ba chợp mắt / Nhà đã khác, may lòng con
không khác / Điện thoại reo, cả nhà cuống lên... giành!Tháng
Vu lan sắp đi qua. Đọc lại “Nhà khác” của Nguyễn Thái Dương, chợt mong muốn
thêm nhiều lần nữa được gắn cho những người cha muôn vạn bông hồng, dẫu cha còn
hiện hữu hay khuất núi... Bởi cái dòng suối dịu hiền, bài hát thần tiên, bóng
mát trên cao, mắt sáng trăng sao, ánh đuốc trong đêm khi lạc lối, lọn mía ngọt
ngào, nải chuối buồng cau, tiếng dế đêm thâu, nắng ấm nương dâu, vốn liếng yêu
thương cho cuộc đời, mà người ta hay ví về người mẹ, thật ra luôn lẩn khuất
cạnh đó là núi Thái hùng vĩ, thinh lặng nhưng sóng ngầm dào dạt thương yêu!MINH TÂM