Một lời tha thứ

Cập nhật: 14-08-2010 | 00:00:00

Truyện ngắn của Nguyễn Linh

 

Ngồi coi mấy đứa nhỏ trong xóm tập tuồng chuẩn bị diễn giao lưu với các ấp, cô đào Tuyết Mai nghe tim mình như đang thắt lại. Hồi đó, cũng vai cô Lựu, đào Mai đã lấy biết bao nước mắt của khán giả. Vậy mà giờ đây, ở cái xóm Xẻo Nga này, khi căn bệnh đã vắt gần cạn làn hơi, nhan sắc của mình thì chính cô lại không kìm được lòng trước cuộc đời của cô Lựu...

 

Cô Lựu mấp máy đôi môi một hồi rồi bật lên thành tiếng, tiếng kêu như tiếng khóc, nghe xé ruột, xé gan:

 

- Luân ơi, má… má là má của con nè!

 

- Má!... Má!...

 

Ngồi coi mấy đứa nhỏ trong xóm tập tuồng chuẩn bị diễn giao lưu với các ấp, cô đào Tuyết Mai nghe tim mình như đang thắt lại. Hồi đó, cũng vai cô Lựu, đào Mai đã lấy biết bao nước mắt của khán giả. Vậy mà giờ đây, ở cái xóm Xẻo Nga này, khi căn bệnh đã vắt gần cạn làn hơi, nhan sắc của mình thì chính cô lại không kìm được lòng trước cuộc đời của cô Lựu. Đào Mai chậm rãi bước ra sân, thấy gió đang líu ríu trên mặt sông gọi con nước lớn mà nghe tơ lòng đang ngổn ngang trăm mối.

 

Minh họa của Công Quốc Hà.

Về tới nhà, cô thấy Tùng đang ngồi vá lại tay lưới và ca nho nhỏ. Anh ngẩng đầu lên cười mỉm: "Bữa nay mấy đứa nhỏ hát Đời cô Lựu được không, Mai?". Cô gật nhẹ mà mắt buồn thăm thẳm. Chắc cô đang nhớ nghề. Đào hát mà, có ai nói bỏ là bỏ cái rụp được đâu.

 

- Hay là… để con Yến diễn vai cô Lựu lúc còn trẻ, cô Lựu mười chín năm sau… Mai hát đi! Hồi đó, mỗi lần Mai vào vai Lựu là tui cứ đứng bên cánh gà khóc hoài nên bị mấy cô đào trẻ chọc ghẹo, mắc cỡ gần chết! Nói thiệt, làm như trời sanh ra Mai là để đóng vai cô Lựu vậy.

 

Mai ngán ngẩm, thở dài:

 

- Thôi đi, đừng nhắc chuyện ngày trước. Bây giờ già rồi, hát xướng gì nữa.

 

Đào Mai thấy mình già ở cái tuổi bốn mươi lăm vì căn bệnh quái ác đã dần lấy đi mái tóc đen huyền, mượt mà của cô. Tuy vậy, gương mặt trái xoan và đôi mắt đen thăm thẳm vẫn là minh chứng cho vẻ đẹp của một thời xuân sắc. Nghe đào Mai nói, Tùng nghe cũng buồn theo, nhưng giả bộ cười: "Mai mà già gì! Đẹp y chang hồi đó!".

 

Hồi đó, Mai là đào chánh, đóng cặp với kép Minh Đức. Ai cũng nói hai người sắm tuồng giả mà tình thật vì họ không chỉ ăn ý trong vở diễn mà còn rất hợp nhau ngoài đời. Đúng là trời sanh một cặp. Có bữa thấy hai người đang diễn tuồng mùi mẫn trên sân khấu, không hiểu sao Tùng lại không kìm được nước mắt, có lẽ anh đã để bụng thương đào Mai mất rồi. Thấy Tùng khóc, ông bầu đang đứng bên cánh gà cười ghẹo: "Ai đời đàn ông lại dễ mủi lòng như vậy? Tuồng chưa tới khúc éo le mà khóc bù non bù nước rồi!". Tùng nghe tủi: Người ta nổi danh vì ca hay lại đẹp trai như Tống Ngọc, còn Tùng chỉ là anh chàng phụ phục trang, ánh sáng cho đoàn. Muốn ghen, lấy cớ gì để ghen? Nên đêm đêm, anh chỉ biết nén chặt lòng, âm thầm làm người kéo màn bên cánh gà cho vở diễn.

 

Mới đó mà đã gần hai mươi năm. Sau cơn bệnh nặng, đào Mai bỏ ánh đèn sân khấu về sống ở cái xóm Xẻo Nga heo hút, không dây mơ rễ má gì với cô. Vậy mà anh chàng Tùng si tình lại khăn gói đi theo, tình nguyện làm người bầu bạn đỡ đần hôm sớm. Thời trẻ, bao nhiêu tình cảm đào Mai đã dành hết cho Minh Đức, giờ đây, với tấm thân rã rời, tàn tạ vì căn bệnh nan y, bên cô chỉ còn có Tùng. Cô ái ngại: "Anh còn tương lai, đi với em làm gì? Em không xứng đáng…". Tùng nheo nheo cặp mắt, cười: "Ai biểu từ trẻ tới giờ tui chỉ thương một mình Mai làm chi!". Mai cười theo, thúc nhẹ vào hông người đàn ông chung tình rồi tự dưng nghe sống mũi mình cay cay. Chỉ bao nhiêu mà Tùng bỗng nghe sướng rân trong bụng và ngập tràn niềm hạnh phúc.

 

Chiều, Tùng bơi xuồng ngang, thấy bà Sáu đang nằm treo võng cặp mé sông.

 

- Bác Sáu ăn cơm chưa?

 

Bà gật đầu, hô vọng xuống:

 

- Ăn rồi. Đi thả lưới hả chú Tùng? Bữa nào rủ cô Mai qua chơi. Lóng rày cổ khỏe hả?

 

- Dạ khỏe, bữa nào con ghé thăm bà. Bây giờ tối rồi, sợ không kịp nước.

 

Bà Sáu rất vui vẻ với mọi người trong xóm. Nhất là những khi gặp tụi con gái, bà thường dặn hoài một câu đã thuộc lòng: "Con gái, đừng son phấn nhiều quá. Cũng như tui hồi đó, da mặt đẹp lắm, tại đi hát, sài ba cái son phấn rẻ tiền riết rồi hư da mặt. Mà, ngày xưa tui là đào hát bội, chuyên đi hát cúng đình, cúng miễu lấy đâu ra nhiều tiền để sài hàng loại tốt". Có bữa, bà ngồi than: "Nghề hát xướng coi vậy mà nó bạc, bạc dữ lắm. Lên sân khấu thì làm ông này bà nọ, cởi mũ mão, áo bào, tẩy đi lớp phấn son giả tạo thì đời thường nhiều khi khổ lắm. Khổ như tui vầy nè: không chồng, không con". Bà Sáu nói thì vậy chớ đồ đi hát bả còn giữ y nguyên trong tủ, lâu lâu lén lấy ra đội mão, mang hia cho đỡ nhớ cái nghề mà ngoài miệng cứ nói là nó bạc.

 

Có hôm nghe bà than thở, Tùng thắc mắc:

 

- Bác Sáu nói sao nghe buồn vậy? Con thấy con Yến vừa ngoan lại vừa hiền…

 

- Chèn ơi, chú mới tới đây hơn một năm nên không biết. Kể ra ông trời cũng còn xót cho cảnh già. Mười mấy năm trước, tui lượm được con Yến còn đỏ hỏn trước cửa. Ôm nó trong lòng mà tui mừng như thể bắt được vàng nhưng trong bụng cứ trách hoài hổng biết cha mẹ nào lại đang tâm bỏ đứa con rứt ruột đẻ đau cho một người lạ hoắc. Tại cái tánh tui hay than vậy chớ thấy con Yến hiếu thảo tui nghe an ủi lắm.

 

Tùng giật mình:

 

- Vậy mười mấy năm nay, nó… rồi bác có tin tức gì của cha mẹ nó không?

 

- Nó biết nên mỗi khi ngồi một mình, tui thấy nó buồn hiu hà. Mà, cha mẹ của nó nghĩ cũng tệ, bỏ đứa con nhỏ xíu trước cửa nhà bà già độc thân vào một buổi sáng trời lập đông rồi biền biệt hổng tin tức gì hết trọi. Còn tui, sống với nó mà trong bụng cứ thấp thỏm hoài, sợ một ngày nào đó ba má nó trở về nhìn con. Nó mà bỏ đi chắc…

 

Nói chưa tròn câu, bà Sáu liền tắc lưỡi, thở dài:

 

- Thôi kệ, nếu vậy thì kể như thân tui vô phước, kể như tò vò đi nuôi con nhện, tới khi nó lớn nó quện nó đi chớ gì.

 

Bà Sáu kéo chéo khăn quệt mấy giọt nước đang rịn ra từ cặp mặt đỏ hoe. Tùng nghe nặng trong lòng, tình bà cháu không ruột rà mà còn hơn máu mủ.

 

Ngồi ở đình, được coi tụi nhỏ tập tuồng, nào là cô Lựu, nào Hai Thành, Minh Luân,… Tùng chợt nghe rạo rực ánh đèn sân khấu và bao kỷ niệm buồn vui thời đi hát bỗng lũ lượt kéo về.

 

Đến giờ giải lao, Tùng gặp Yến, khen:

 

- Chà, bữa nay cô Lựu diễn hay quá ta!

 

Yến đỏ mặt:

 

- Chú Tùng cứ ghẹo hoài. Con mới bị ông Bảy Đờn chê cái đoạn cô Lựu gặp lại đứa con trai sau mười chín năm xa cách. Ổng nói con diễn còn sượng, chưa nhập vai. Nói thiệt tình, con mới mười bảy tuổi, bắt nhập tâm cái cô Lựu bốn mươi ngoài, cuộc đời đầy ngang trái, biểu khóc như thiệt, làm sao mà khóc cho được.

 

- Thì con cứ tưởng tượng cái cảnh mình được gặp lại má ruột rồi khóc ngon lành chớ gì.

 

Nghe nhắc, Yến buồn hiu:

 

- Hồi nhỏ tới giờ con có biết mặt ba má gì đâu. Chỉ có ngoại, con tưởng tới ngoại mà diễn thôi.

 

- Vậy bữa nào con nhờ cô Mai dạy cho. Hồi đó, cổ là đào hát, diễn vai cô Lựu hay lắm.

 

Yến thấy ngại:

 

- Ông Bảy Đờn cũng biểu vậy nhưng thấy cô bệnh nhiều, sức khỏe kém, con hổng dám. Hay là… chú về nhà nói tiếp giùm con một tiếng, hen?

 

Tùng ngập ngừng:

 

- Ờ,…ờ… Mà, Yến nè, thí dụ mai mốt má ruột của con về đây, hối lỗi… thì… con tính thế nào?

 

Không đợi một giây suy nghĩ:

 

- Nhìn má? Không! Không bao giờ! Trong đời con chỉ có ngoại, ngoại là người thân duy nhất của con mà thôi. Mai mốt chú đừng nói với con ba cái chuyện đó, con không thích. Con rất hận người đã  tạo ra con. Họ là máu mủ nhưng mãi mãi không là ruột rà của con đâu…

 

Lời của con bé làm Tùng nghe lòng mình chao chát. Anh đang kìm nước mắt. Trời ơi, con Yến đang tập tành vai cô Lựu nhưng tại sao nó lại không hiểu và thông cảm cho cuộc đời của cô Lựu? Thế mới biết, người đời đã khóc rất nhiều cho cô Lựu nhưng mấy ai dành cho cô sự cảm thông…

 

Yến cặp xuồng vào bến. Bà Sáu bước xuống đón:

 

- Bữa nay tập tành làm sao mà mặt mày bần thần dữ vậy con? Thôi, lên nhà ăn cơm, ngoại có nấu canh chua bông súng cá rô ngon lắm nè.

 

Yến cột dây lòi tói vào gốc bình bát, mặt tiu nghỉu:

 

- Nhiều chuyện buồn lắm ngoại ơi. Mà, buồn nhất là chuyện bị ông Bảy chê không nhập vai cô Lựu.

 

- Bởi vậy, tui biểu qua nhờ cô Mai dạy cho, biểu hoài mà hổng chịu. Cổ là đào nổi tiếng một thời mà.

 

- Thôi đi, cái bà Mai, bà Mốt đó mà hát xướng gì - Yến dùng dằng làm dây lòi tói khua rổn rảng - Ngoại dạy cho con đi. Hồi đó, ngoại cũng là đào hát vậy?

 

Thấy đứa cháu không được vui, bà Sáu lẩm bẩm một hồi rồi vỗ nhẹ vào đầu nó:

 

- Tui là đào hát bội. Già rồi cô ơi! Ừ mà, chừng nào cô hát "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ" thì tui sẵn sàng dạy cho. Tưởng gì, ba cái chuyện múa đao, múa kiếm, đi gối là nghề của tui mà…

 

Đêm tháng giêng, trời Xẻo Nga trong vắt. Sân đình đông vui vì tổ chức công diễn buổi giao lưu văn nghệ giữa hai ấp. Rốt cuộc thì Yến hát đoạn cô Lựu lúc trẻ, đào Mai vào vai Lựu mười chín năm sau. Lúc đầu, Mai không đồng ý nhưng rồi Tùng và chòm xóm mỗi người một tiếng nên cô đành chấp nhận. Lâu rồi không lên sân khấu, nay lại được đóng vai Lựu bỗng dưng Mai thấy hồi hộp y chang cái dạo mới tập tành đi hát. Còn Tùng, chính anh lại không kìm được xúc động trước một cô Mai sắm vai Lựu đẹp không khác ngày nào.  

 

… Màn lại kéo ra. Mười chín năm sau, cô Lựu gặp lại con, Mai diễn xuất thần làm khán giả nghẹn ngào muốn thắt tim. Còn ông Bảy Đờn, hồi nào tới giờ mê cái đoạn này lắm nên cứ gật gù, cặp mắt lim dim, ưng ýá. Trên sân khấu, cô Lựu tội nghiệp đang bị Hội đồng Thăng hành hạ, mắng chửi làm Tùng bức xúc, lẩm bẩm: "Vai này mà để cái thằng Minh Đức… mầy làm khổ đời Mai, tao…". Nhưng rồi thấy Mai quá xúc động, Tùng đâm lo vì mấy bữa nay, đêm nào anh cũng thấy cô thức rất khuya, sức khỏe thì kém lắm. Anh biết lòng Mai đang rối như mớ bòng bong, muốn nói, muốn đối diện với một sự thật mà lương tâm cô chắc chưa bao giờ cho phép.

 

Cô Lựu nghẹn ngào:

 

- Luân ơi, má… má là người đàn bà vô trách nhiệm. Mười bảy năm nay, má không hề chăm sóc cho con. Từ buổi sáng hôm ấy đến nay, má chưa ôm con trong vòng tay dù chỉ một lần… Tha thứ cho má! Hãy tha thứ cho má!...

 

Mai diễn như thật. Người Mai run lên và khóc như chưa bao giờ được khóc, có lẽ bao nhiêu nước mắt trong mười mấy năm đã đến lúc tuôn trào. Dưới sân khấu, mấy cụ mủi lòng, sụt sịt khóc theo. Chỉ có Tùng, anh thuộc lòng đoạn này như ăn cháo nên giật mình: Trời đất, Mai diễn cái gì vậy? Những câu thoại này đâu có trong tuồng? Mười bảy năm? Võ Minh Luân mười chín tuổi rồi mà?

 

Thình lình cô Lựu ngã khuỵu xuống, mặt tái nhợt. Khán giả nhốn nháo. Tùng nhảy lên sân khấu, lắc lắc đôi vai gầy của cô đào, kêu lớn:

 

- Mai! Mai! Thấy trong người thế nào? Mai mệt lắm phải không?

 

Rồi một điều không ai ngờ tới, Yến từ bên cánh gà vội chạy ra, khuỵu người xuống, ôm chặt lấy đào Mai:

 

- Má!… Má!…

 

Yến gọi má trong tiếng nấc. Tiếng má mà nó cố kìm nén trong lòng bấy lâu, nay bật ra nghe như tiếng khóc.

 

- Má hãy tha thứ cho con… Tha thứ cho con… Trước đây, chú Tùng đã cho biết mọi chuyện nhưng con… Má ơi!... Má ơi!...

 

Nghe con gọi, đào Mai cố gượng, từ từ mở mắt. Chắc cô định nói với con nhiều lắm nhưng cổ bỗng nghẹn lại, đôi môi tái nhợt mấp máy điều gì không rõ, mắt hướng về Tùng rồi xiết chặt đứa con gái trong vòng tay lần cuối.

 

Sân khấu im bặt. Dưới hàng ghế, bà Sáu kéo khăn lau nước mắt khóc cho nỗi lòng người mẹ và chắc bà cũng đang khóc cho cuộc đời oan trái của một cô đào hát.

 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=447
Quay lên trên