Một mùa mai tết không thành công

Cập nhật: 08-02-2012 | 00:00:00

Nhiều chủ vườn mai ở TX.Thuận An cho biết, dịp Tết Nhâm Thìn 2012 lượng mai bán ra thấp cả về giá lẫn số lượng so với các năm trước. Trong khi đó, chi phí nhân công chăm sóc và phân bón lại tăng, nên mùa mai vừa qua được xem như là không thành công của nhiều chủ vườn.   Nhân viên một vườn mai thu gom mai cho thuê sau Tết Nhâm Thìn vừa qua

Những ngày qua, quan sát trên nhiều tuyến đường chúng tôi thấy có nhiều xe tải nhẹ, xe thô sơ chuyên đi thu lại các cây mai từ những hộ gia đình trên địa bàn. Theo chân những người này mới biết họ là nhân viên của những vườn mai có tiếng đang thu gom mai cho chủ vườn. Đây là công việc thường lệ của các chủ vườn mai, bởi sau tết nhiều người chơi mai không có thời gian chăm sóc hoặc không biết kỹ thuật chăm sóc đành phải gửi mai cho các chủ vườn.

Anh Nguyễn Thanh Giang, chủ một vườn mai tại khu phố Hòa Long, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An, cho biết công việc chăm sóc mai khá vất vả nhưng số tiền công thu về chẳng đáng bao nhiêu. Theo anh Giang thì bắt đầu từ mùng 8 tết là đã phải cho nhân viên đi thu gom mai về vườn để cắt tỉa cành và vào phân, tưới nước. Một cây mai có giá trị khoảng 2 triệu đồng, công chăm sóc vào khoảng từ 500.000 - 600.000 đồng/năm; còn cây có giá khoảng 10 triệu thì tiền công chăm sóc từ 2 - 2,5 triệu đồng/năm. Mặc dù tiền công chăm sóc hàng năm chiếm tới 1/4 giá trị cây mai, nhưng do phải bỏ ra chi phí mặt bằng, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh... nên nhà vườn xem như lấy công làm lời chứ không ai khá lên được từ công việc này. Theo anh Giang, nhiều cây mai sau khi chưng tết đã yếu nên khâu chăm sóc khá vất vả. Nếu không chăm sóc tốt thì mùa sau chủ cây mai đó không trả tiền, mà có khi còn gánh sự phiền phức!

Chăm sóc mai là công việc phụ để kiếm thêm thu nhập, còn công việc chính của các chủ vườn mai vẫn là kinh doanh mai, kiểng. Mùa mai tết vừa qua, bên cạnh việc mai nở sớm do thời tiết bất thường, sức mua của người dân và các doanh nghiệp (DN) cũng rất thấp, nên hầu hết các chủ vườn mai đều than... lỗ! “Những ngày giáp tết nhiều người đi lùng mua mai, nhưng chỉ mua những cây nhỏ và mai dạng bonsai để chưng trang trí, còn mai lớn hầu như không bán được”, anh Giang nói. Hàng năm, vào dịp tết anh Giang bán ra khoảng 200 cây mai, nhưng tết vừa qua gia đình anh chỉ bán được hơn 50 cây với giá bình quân khoảng hơn 1 triệu đồng/cây, tổng doanh thu chỉ khoảng hơn 50 triệu đồng. Năm ngoái cây mai anh bán giá cao nhất lên đến 20 triệu đồng, thì năm nay cây mai anh bán giá cao nhất chỉ 10 triệu đồng.

Anh Giang tâm sự: “Trước đây mình nghe đài báo nói chuyện ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế khá nhiều, nhưng cứ nghĩ nó tác động đến các DN chứ mình trồng mai thì ăn nhập gì, qua mùa mai vừa rồi mới thấy “thấm”. Tất cả các khâu từ phân bón, nhân công, điện nước... đều tăng và chiếm tới hơn 40% trong chi phí giá thành (chưa tính tiền thuê mặt bằng), nếu bán được nhiều còn đỡ, đằng này sức mua lại quá kém. Hơn nữa, giá bán mai cũng không cao hơn năm trước nên khó khăn chồng chất khó khăn”. Cũng theo anh Giang, hơn 13 năm theo nghề trồng mai, đây là năm thất bại nhất của nghề này.

Không riêng anh Giang, một chủ vườn mai nổi tiếng khác ở khu vực Vĩnh Phú là Năm Đức cũng cho biết so với năm trước giá bán mai năm nay ngang nhau, trong khi chi phí các loại đều tăng. Bình quân anh Đức bán mỗi cây giá khoảng 1 triệu đồng, còn cây có giá cao nhất năm nay anh chỉ bán được 5 triệu đồng. Số mai bán ra chủ yếu vẫn là mai loại nhỏ, còn mai lớn không bán được. Anh Đức cho biết tết rồi gia đình anh bán được khoảng 200 cây mai, gấp đôi về lượng so với năm trước, nhưng doanh thu lại thấp hơn năm trước. Doanh thu toàn bộ cả cây kiểng các loại và mai tết năm qua của anh chỉ đạt khoảng 300 triệu đồng, lợi nhuận không tới 50 triệu đồng.

Quan sát vườn mai của anh Đức những ngày sau tết vẫn còn rất nhiều cây mai lớn. Cây có giá trị cao nhất theo anh Đức là vào khoảng 300 triệu đồng. Anh Đức chia sẻ: “Hai năm trở lại đây, các chủ vườn mai đều gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Nhiều người không còn bỏ ra số tiền lớn để chơi mai như trước. Trong khi đó chi phí mọi thứ đều tăng. Ngoài phân bón, thuốc trừ sâu thì công lao động cũng tăng. Hiện thuê mướn một nhân công tưới nước ngày một buổi thì tiền lương cũng phải hơn 3 triệu đồng/tháng họ mới làm. Do vậy, nhà vườn xem như thua lỗ, nhưng lỗ cũng phải đầu tư tiếp chứ không lẻ bỏ vườn, bỏ nghề...”.

Nhiều hộ trồng mai khác ở TX.Thuận An khi tiếp xúc với chúng tôi đều cho biết, năm nay các chủ vườn không có lời, nếu so với 4 - 5 năm trở về trước nghề này kiếm bộn tiền thì năm nay quả là thất vọng. Nhiều chủ vườn mai do không có tiền để tiếp tục đầu tư đành bán cây bỏ vườn hoặc không chăm bón, đến tết bán được cây nào hay cây đó. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều chủ vườn sinh tử với nghề luôn trăn trở tìm cách để “nuôi” mai. Có “cận cảnh” với các chủ vườn mai mới đồng cảm được với nghề này trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

T.ĐỒNG - H.TÁM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên